Sau nhiều tháng nghiên cứu, lắp ráp, thử nghiệm, vừa qua tập thể giáo viên Trường Cao đẳng Công thương Miền Trung đã chính thức cho ra đời buồng khử khuẩn đa năng với nhiều công dụng, góp phần phòng chống, dịch Covid-19. Cụ thể như: Sát khuẩn toàn bộ người, phương tiện; Tự động đo thân nhiệt của người qua buồng sát khuẩn; Có thiết bị sấy khô bằng quạt công suất lớn.
Giới thiệu về cơ chế hoạt động, thầy Nguyễn Công Tước, giáo viên Trường CĐ Công thương Miền Trung - trưởng nhóm chế tạo cho biết: “Khi có một người bất kỳ vào khuôn viên nhà trường để học tập, công tác thì đều bắt buộc người và phương tiện phải đi qua buồng khử khuẩn. Khi đi vào, hệ thống cảm biến sẽ nhận diện và tự động vận hành hệ thống phun sương dung dịch khử khuẩn Anolyte với nồng độ theo tiêu chuẩn (theo hướng dẫn của tổ chức Y tế Thế giới - WHO) kết hợp tia cực tím để sát khuẩn toàn bộ.
Sau đó, cảm biến đo thân nhiệt tiến hành đo thân nhiệt tự động và truy xuất dữ liệu (hình ảnh, nhiệt độ cơ thể) đưa về hệ thống máy chủ thông qua APP trên máy tính được đặt ngay tại phòng bảo vệ, nếu người nào có thân nhiệt trên 37,5 độ thì sẽ tiến hành các biện pháp y tế khác, nếu cần thiết sẽ liên hệ với cơ quan chức năng đưa người đó đi cách ly. Bước cuối cùng là dừng lại để quạt công suất lớn sấy khô” - thầy Tước hướng dẫn.
Cũng theo thầy Tước thì cả quá trình thực hiện các thao tác này chỉ 30 giây là xong, vừa nhanh chóng, tiện lợi, độ an toàn cao.
Theo Ban Giám hiệu nhà trường, hiện tại các tiêu chuẩn sát khuẩn và đảm bảo sức khỏe người dùng đã được cho kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm của nhà trường. Nhà trường cũng đã liên hệ với Bộ Y tế để cấp giấy chứng nhận.
Ông Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng trường CĐ Công thương Miền Trung cho biết: Chi phí linh kiện, thiết bị để sản xuất một buồng sát khuẩn đa năng này khoản 25 triệu đồng, còn công sản xuất thì nhà trường sẵn sàng làm miễn phí. Nhà trường chỉ mong muốn cùng chung tay với cộng đồng chống dịch.
“Hiện tại chúng tôi đã liên hệ với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế để xin cấp phép. Sau khi có được giấy phép nếu đơn vị nào muốn hợp tác hỗ trợ sản xuất để phòng chống dịch thì nhà trường sẽ sẵn lòng. Nhà trường chỉ tính phần chi phí trang thiết bị sản xuất còn tiền nhân công thì sẽ miễn phí hoàn toàn. Tinh thần là hợp tác để cùng nhau chống dịch, chứ chúng tôi không mong muốn thương mại hóa sản phẩm này.” thầy Quyên nói.