Anh Trần Lê Minh Chiến (SN 1996, dân tộc Kinh) đang giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Màu thuộc xã khó khăn của huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi. Học sinh của trường phần lớn là đồng bào dân tộc Ca Dong. Trong 5 năm công tác, anh Chiến có 4 năm làm chủ nhiệm và giảng dạy tại điểm trường lẻ còn khó khăn về kinh tế, giao thông cách trở. Để mang con chữ đến với các em học sinh, thầy giáo trẻ không quản ngại gian khó cuốc bộ hàng cây số, thậm chí vượt qua những đoạn đường dốc đá trơn trượt vào mùa mưa, nhiều nguy cơ sạt lở; vượt qua những con suối tiềm ẩn lũ quét, lũ cuốn.
Anh Chiến chia sẻ, những ngày đầu bước chân vào nghề về dạy ở điểm trường chỉ có 8 học sinh khác nhau về độ tuổi; nhiều lần mưa lũ đi lại khó khăn, phải ở nhờ nhà người dân. Tuy nhiên, khó khăn nhất với giáo viên trẻ công tác tại vùng dân tộc thiểu số là rào cản phong tục tập quán, ngôn ngữ.
Thầy giáo Lò Văn Vinh |
"Việc sử dụng tiếng phổ thông của các học sinh còn nhiều hạn chế đã thôi thúc tôi phải tìm hiểu, học thêm ngôn ngữ địa phương để kết hợp sử dụng song ngữ trong giảng dạy, giao tiếp với học sinh, phụ huynh", anh Chiến nói. Bên cạnh nâng cao trình độ chuyên môn công tác, anh còn đăng ký tham gia lớp bồi dưỡng tiếng đồng bào dân tộc Hơ Rê - có nhiều tương đồng với tiếng Ca Dong.
"Việc vận động để duy trì sĩ số học sinh đến lớp là công việc thường xuyên với giáo viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài việc truyền dạy kiến thức, kỹ năng trên lớp, chúng tôi luôn phải chú ý động viên, khuyến khích giúp các em hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của học tập để nỗ lực vượt khó; đồng thời vận động phụ huynh cho con em đến trường đầy đủ".
Thầy giáo Trần Lê Minh Chiến
Trong quá trình công tác, anh Chiến đã có nhiều sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó có việc khắc phục tình trạng học sinh của trường đọc - viết chậm. Trước tiên, anh sử dụng nhiều phương pháp, hình thức tổ chức dạy lôi cuốn thu hút học sinh đến lớp đầy đủ, rồi ghi nhớ các âm, vần để thông thạo chữ cái, đánh vần; chia học sinh thành các nhóm để dạy; tăng cường tiếng Việt trong các môn học khác... Anh Chiến còn nỗ lực vượt khó, chuyển tải kiến thức, kỹ năng mới đến học sinh đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới vốn cần ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Thầy giáo trẻ cho hay: "Việc dạy học ở điểm trường lẻ thuộc huyện miền núi, về cơ sở, trang thiết bị dạy học chỉ ở mức tương đối đảm bảo, không thể lắp đặt, bảo quản được các thiết bị công nghệ. Tôi đã chủ động điều chỉnh về kế hoạch bài dạy, đồ dùng dạy học, các phương tiện, phương pháp, kĩ thuật dạy học nhằm phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế học sinh tại điểm trường, qua đó vẫn đảm bảo học sinh đạt được năng lực, phẩm chất và cơ bản biết vận dụng những năng lực, phẩm chất vào thực tiễn cuộc sống".
Thầy giáo Trần Lê Minh Chiến |
Đến nay, anh đã đạt được nhiều danh hiệu như chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, lao động tiên tiến, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh... Năm 2023, anh Chiến vinh dự được kết nạp Đảng.
Vào bản, lên nương tìm học sinh
Anh Lò Văn Vinh (SN 1990, dân tộc Thái) gần chục năm gắn bó nghề "trồng người" trên mảnh đất quê hương xã Yên Hưng, huyện Sông Mã, Sơn La. Anh sinh ra trong gia đình làm nông và có bố là thương binh, sớm tự lập và nghị lực vượt khó, nhiều năm liền đạt thành tích học tập khá, giỏi. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sơn La với tấm bằng loại Giỏi, đầu năm 2014, anh trúng tuyển và được phân về làm giáo viên Trường Tiểu học Yên Hưng A (xã Yên Hưng) với học sinh phần nhiều là người dân tộc Thái, Mông.
Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức, tuyên dương 58 giáo viên tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại những xã khó khăn khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 51 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Lễ tuyên dương sẽ diễn ra ngày 17/11.
Từ trải nghiệm của bản thân, anh thấu hiểu những gập ghềnh trên hành trình theo học con chữ của trẻ em trên quê hương. Anh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vì học sinh thân yêu và luôn sáng tạo để có được những bài giảng phù hợp với năng lực học sinh; cũng như thường xuyên kêu gọi, giúp đỡ để chia sẻ khó khăn với học sinh dân tộc.
Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, anh cùng các thầy cô trong trường đã vượt đường xa vào tận các bản, lên tận nương rẫy để gặp phụ huynh và học sinh để hướng dẫn các em học tập, giao bài tập cho các em tự học ở nhà và vận động các em trở lại trường khi dịch bệnh ổn định. Theo anh Vinh, đây là quãng thời gian khó khăn nhưng nhiều kỷ niệm trên hành trình "gieo chữ" khi liên tục xuống từng bản, đến từng nhà học sinh để giao bài tập, hướng dẫn giải, rồi đến thu bài về để chấm, nhận xét.
"Các hộ dân và các bản phân bố cách xa nhau, bản xa nhất cách trường 6 - 7km nên có khi giáo viên chúng tôi chỉ đến được 1 - 2 bản trong một ngày. Cực nhất là những ngày mưa, đường đầy bùn đất nhanh chóng bó chặt bánh xe máy, chỉ còn cách đi bộ vào bản và phải mang theo cơm nắm", anh Vinh kể. Chính tình yêu nghề và thương học sinh là động lực vượt qua khó khăn.
Anh bộc bạch: "Dịch bùng phát, học sinh phải tạm nghỉ đến trường, tôi thương các em không đủ điều kiện học trực tuyến, lo lắng các em buộc phải nghỉ học, vào rừng chặt củi, làm nương mà quên hết kiến thức".
Gần chục năm gắn bó với nghề, anh đã có nhiều sáng kiến trong công tác giảng dạy và trang bị kỹ năng mềm, giúp học sinh mạnh dạn, năng động và đạt thành tích trong học tập, hoạt động ngoại khóa. Nhiều học sinh của lớp anh Vinh làm chủ nhiệm đã đạt nhiều giải trong các hội thi, như: Giải Nhất Hội thi văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; giải Nhì Hội thi Nhảy dân vũ chào mừng kỷ niệm 92 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh do Liên đội tổ chức; giải Nhì Hội thi “Thiếu niên Sông Mã với những bài học về đạo đức lối sống Bác Hồ dành cho học sinh” cấp trường; 2 em tham gia dự thi Hùng biện Tiếng Anh cấp huyện; 7 học sinh đạt học sinh Giỏi cấp huyện... Với những thành tích trong giảng dạy, anh đã được tuyên dương là Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện; Giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học cấp huyện; Chiến sĩ thi đua cơ sở; được Liên đoàn Lao động tỉnh Sơn La, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng bằng khen.
Nguồn Tiền phong