Ngày hội đập heo đất ở Trường THPT Tây Thạnh
NHƯ DŨNG
Có thời điểm, sau 1 tháng, heo đất góp hơn 93 triệu đồng, cùng giúp sức trên hành trình đưa trò nghèo an tâm nuôi tiếp ước mơ.
Thông điệp mà các thầy cô nhắn gửi tới học trò là: 1.000 đồng có thể nhỏ bé, nhưng nhiều người cùng góp lại, trong thời gian dài sẽ trở thành khoản tiền không nhỏ, cùng giúp đỡ được nhiều bạn.
Ý tưởng nuôi heo đất giúp bạn đến trường đến từ thầy Phạm Văn Cường, nguyên trợ lý thanh niên Trường THPT Tây Thạnh, hiện đang là Phó hiệu trưởng nhà trường. Nói “mỗi ngày 1.000 đồng”, nhưng nhiều thầy, trò có ngày bỏ ống heo 10.000, 20.000 đồng hay nhiều hơn thế. “Có em nói với tôi, sáng mẹ con cho 30.000 đồng ăn phở. Nhưng thay vì ăn phở, con chỉ ăn 10.000 đồng xôi thôi, còn lại con nuôi heo. Tôi rất mừng vì thông qua những con heo đất, các trò biết thương bạn bè, chia sẻ với những ai khó khăn hơn mình”, thầy Phạm Văn Cường chia sẻ.
Thông thường, đầu tháng 9 là bắt đầu phát động nuôi heo đất, sau khoảng 4 - 5 tuần là ngày hội “đập heo”. Thầy Nguyễn Quang Minh, Tổng giám thị Trường THPT Tây Thạnh, hồ hởi kể: “Ngày hội đó vui lắm. Các lớp cùng đập ống heo một lúc rồi cùng đếm, tiền lẻ gom lại thành từng chồng cao. Tôi dẫn chương trình, các lớp so kè nhau, biết lớp bạn được 1 triệu đồng chẳng hạn, một bạn chạy ra bỏ thêm 10.000 đồng nữa, để lớp mình đóng góp cao hơn”.
Những con heo đất nhỏ bé, nhưng số tiền đóng góp vào quỹ khuyến học thì không hề nhỏ. Năm học 2020 - 2021 này, 61 con heo đất của 61 lớp góp được hơn 93,5 triệu đồng. Còn năm học 2019 - 2020 thì tổng số tiền nuôi heo đất được hơn 88 triệu đồng. Các năm trước đó, con số cũng đều trên 40 triệu đồng.
Thầy Võ Như Dũng, trợ lý thanh niên Trường THPT Tây Thạnh, cho hay không chỉ giúp các trò nghèo đi học từ tiền nuôi heo đất, nhà trường cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, các phụ huynh trong trường để cùng xây dựng Quỹ khuyến học lớn mạnh hơn. Quỹ này thời gian qua còn sửa chữa, xây dựng nhà cho các học trò đặc biệt khó khăn trong trường, gọi là những “ngôi nhà tình bạn”.
Thầy Phạm Văn Cường bộc bạch, Trường THPT Tây Thạnh có đặc thù là rất đông con em nhà lao động nghèo, nhiều cha mẹ làm phụ hồ, bán vé số, buôn bán hàng rong… thu nhập thấp, phải ở nhà thuê. Mỗi năm, số đơn thư xin miễn giảm học phí mà thầy cô nhận được đều trên dưới 100 lá đơn, trong đó đều là những tâm tư nhói lòng về hoàn cảnh khó khăn mà các em đang phải trải qua. Nếu người viết đơn là các trò lớp 12, thầy Cường đều nhắn nhủ các thầy cô bộ môn sẵn lòng dạy bổ trợ kiến thức, không lấy tiền, để các em yên tâm thi tốt nghiệp THPT, vào ĐH.
Nguồn Thanhnien.vn