Dù đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm, nhưng thế giới vẫn chưa thoát khỏi sự hoành hành và tác động tiêu cực của nó. Tới thời điểm này phần nào có thể dự báo được diễn biến của dịch rõ ràng hơn nhờ vào những nghiên cứu khoa học tiên tiến nhất về virus SARS-CoV-2 cũng như những vũ khí mà chúng ta đã phát triển được.
Những kịch bản diễn biến của dịch COVID-19 vừa được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra như sau.
Kịch bản có khả năng xảy ra nhất là virus SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa, nhưng mức độ gây bệnh nặng sẽ giảm xuống theo thời gian. Lí do là mức độ miễn dịch trong cộng đồng gia tăng nhờ vaccine và nhiều người đã mắc bệnh.
Hai kịch bản còn lại là: Các biến thể ít nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện khiến các mũi vaccine tăng cường hoặc công thức vaccine mới có thể sẽ không cần thiết nữa. Hoặc một biến chủng mới có độc tính cao hơn và dễ lây lan hơn sẽ xuất hiện, khiến khả năng miễn dịch nhờ vaccine hoặc đã từng mắc bệnh giảm xuống nhanh chóng.
Kịch bản khả quan nhất: Các biến thể mới gây bệnh nhẹ
Trong kịch bản khả quan nhất và WHO cũng cho rằng dễ xảy ra nhất là các biến thể tới đây của virus SARS-CoV-2 sẽ gây bệnh COVID-19 nhẹ hơn đáng kể. Trong trường hợp này, con người sẽ duy trì được sự bảo vệ để chống lại tình trạng bệnh chuyển nặng, mà không cần phải thay đổi đáng kể những vaccine hiện có.
Theo WHO, dù virus tiếp tục tiến hóa, khả năng gây bệnh nặng của nó sẽ bị giảm mạnh theo thời gian bởi khả năng miễn dịch nhờ vaccine và tình trạng từng mắc bệnh của cộng đồng là đủ để chống lại nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
Việc số ca mắc tăng sẽ không còn kéo theo số ca bệnh nặng tăng, khiến ít có khả năng bùng phát những ổ dịch nặng. Tuy nhiên, do số ca mắc mới vẫn có lúc tăng lên vì những cá nhân nguy cơ cao bị giảm miễn dịch theo thời gian, nên vẫn cần các mũi vaccine tăng cường ít nhất là cho những đối tượng cần ưu tiên cao.
Kịch bản xấu nhất: Biến thể mới độc lực mạnh và rất dễ lây
Kịch bản xấu nhất mà WHO đưa ra sẽ tái lập lại hoàn toàn tình hình dịch COVID-19. Đó là khi một biến thể mới xuất hiện, có khả năng là bệnh nhân bị nhiễm hai biến thể khác nhau và cho ra đời một biến thể lai. Biến thể lai này có độc lực mạnh hơn, rất dễ lây lan khiến vaccine kém hiệu quả. Khi đó, khả năng miễn dịch chống lại bệnh nặng và tử vong bị giảm đi nhanh chóng, đặc biệt là ở những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
WHO cho hay, trong trường hợp xuất hiện biến thể như vậy thì sẽ đòi hỏi thay đổi đáng kể những vaccine hiện có, rồi triển khai tiêm tăng cường cho toàn bộ những người dễ có nguy cơ mắc bệnh nặng.
Hai diễn biến mở cửa khác nhau ở Mỹ và châu Âu
Trong bối cảnh có những dự báo khác nhau như vậy thì trên thế giới cũng xuất hiện những cách thích ứng khác nhau với COVID-19.
Sau khi các biện pháp phòng dịch được dỡ bỏ tại 50 bang của Mỹ, một nghiên cứu cho thấy việc bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội trong tháng 3 vừa qua đang có nguy cơ dẫn đến số ca tử vong do COVID-19 tại đa số các bang tăng trở lại. Dù dỡ bỏ bất kì biện pháp hạn chế nào trong năm 2022 cũng sẽ dẫn đến số ca tử vong do COVID-19 tăng trở lại mốc đỉnh trong thời kì biến thể Omicron. Chuyên gia y tế Mỹ đánh giá, hiện tại chưa xác định được thời điểm chín muồi để dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch tại Mỹ.
Trong khi đó, ở châu Âu tình hình lại khác hẳn. Ngày càng có nhiều khu vực và quốc gia ở châu Âu bãi bỏ mọi biện pháp chống dịch. Chẳng hạn về hạn chế đi lại, Hungary, Ba Lan, Đan Mạch, Iceland đã không còn yêu cầu chứng nhận tiêm chủng, thậm chí bỏ cả yêu cầu xét nghiệm hoặc xác nhận tình trạng bệnh và hầu hết không yêu cầu đeo khẩu trang.
Trung Quốc căng mình chống dịch với nhiều yếu tố bất định
Nới lỏng các biện pháp chống dịch chưa chắc đã là phương án tốt nhất ở thời điểm này, bởi COVID-19 hiện vẫn là mối nguy hiểm lớn với con người. Đây là lời cảnh tỉnh mà Trung Quốc muốn gửi gắm tới thế giới khi số ca bệnh bùng phát mạnh tại đây. Nhà chức trách và người dân Trung Quốc đều đang phải dồn sức chống dịch COVID-19, đặc biệt là ở Thượng Hải và Đặc khu hành chính Hong Kong.
Dù đã chống dịch quyết liệt nhất nhưng dịch bệnh vẫn bùng phát mạnh tại Trung Quốc. Thượng Hải từ chỗ chỉ phong tỏa cục bộ, đến chiến lược chia đôi thành phố để phong tỏa thì nay do dịch bệnh phức tạp, Thượng Hải đã phong tỏa gần như cả thành phố 25 triệu dân.
Ít ai ngờ rằng Thượng Hải - Trung tâm tài chính của Trung Quốc và châu Á lại hoang vắng, hình ảnh các đoàn bác sĩ tình nguyện khắp cả nước chi viện, các bệnh viện dã chiến chật bệnh nhân, phong tỏa cứng, siêu thị bị vét sạch thực phẩm như thời Vũ Hán phong thành cách đây hơn 2 năm lại đang diễn ra tại Thượng Hải. Chính quyền thành phố thừa nhận chưa lường hết mức độ lây lan của biến chủng Omicron tàng hình. Số ca dương tính không triệu chứng chiếm ưu thế, âm thầm lây lan khiến cho việc phòng chống khó khăn. Du lịch đóng băng, kinh doanh buôn bán gần như đình trệ, nguy cơ đứt gãy nguồn cung hàng hóa ra thế giới ngày càng lớn.
Nhìn sang Hong Kong (Trung Quốc) khi dịch bệnh quét qua đặc khu làm cho các viện dưỡng lão chứng kiến số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay. Chính quyền Trung Quốc đại lục xem đây là bài học lớn để quyết liệt hơn trong triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho người già, khi mà chỉ hơn 50% số người trên 80 tuổi tiêm đủ 2 liều vaccine. Dịch bệnh vẫn còn nhiều yếu tố bất định nên nước này vẫn khá thận trọng trong thay đổi chiến lược chống dịch.
Thế giới vẫn cần thận trọng
Tổng Giám đốc WHO cho biết, hiện vẫn còn 1/3 dân số thế giới chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có tới 83% là người dân ở châu Phi. Trong khi đó, tại Nam Phi, biến thể Deltacron - là sự kết hợp giữa biến thể Delta và Omicron - đang được dự báo sẽ gây ra làn sóng dịch COVID-19 thứ năm vào cuối tháng này hoặc tháng sau. Chính phủ Nam Phi đã gia hạn tình trạng thảm họa quốc gia đến ngày 15/4 tới, nước này cũng đề xuất các kế hoạch cho phép quốc gia thiết lập hệ thống ứng phó khẩn cấp, nhanh chóng và hiệu quả để giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 thời gian tới.
Ba kịch bản COVID-19 vào năm 2100
Một số chuyên gia và nhà khoa học hiện đã đưa ra cả dự báo về COVID-19 hơn 80 năm sau khi xuất hiện lần đầu. Viễn cảnh đẹp nhất được dự báo là khi đó COVID-19 đã là bệnh nhẹ và là bệnh đặc hữu từ lâu. Virus SARS-CoV-2 sẽ là một trong những virus gây bệnh hô hấp như 4 loại virus Corona gây bệnh cảm lạnh hiện nay, thậm chí còn gây bệnh nhẹ hơn cảm lạnh bởi con người có vaccine và thuốc điều trị chống lại COVID-19.
Kịch bản đẹp vừa vừa là sau 80 năm COVID-19 vẫn không nhẹ hơn cảm lạnh bởi khả năng vẫn còn nhiều người không chịu tiêm vaccine. Ngoài ra, khả năng biến đổi của virus SARS-CoV-2 vẫn còn khó dự đoán. Và vaccine hiện thời cũng chỉ có hiệu quả tối ưu trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, đến lúc đó, khả năng sản xuất hoặc điều chỉnh vaccine cho bắt kịp với sự biến đổi của virus là rất nhanh, chưa nói đến việc vaccine khi đó sẽ có cả loại dán và loại uống nên sẽ càng dễ triển khai nhanh.
Viễn cảnh xấu nhất là sự tồn tại của một biến thể rất dễ lây và gây bệnh nặng, vượt khỏi sự bảo vệ của vaccine gây ra một đại dịch mới, một lần nữa lại làm tổn hại nền kinh tế - xã hội - chính trị của thế giới. Và con người sẽ lại phải bào chế ra vaccine mới và bắt đầu cuộc chiến lại từ đầu.
Như vậy, dịch COVID-19 vẫn đang và được dự báo tiếp tục biến động. Thế nên, việc rất cần thiết là chúng ta tham khảo các dự báo để có những chuẩn bị tốt nhất, cả về ngắn hạn và dài hạn.
Nguồn VTV