Bên trong một trong số những nhà máy khử muối lớn nhất ở Israel, nơi ngay cả nước thải cũng được tái sử dụng. (Ảnh: Intheblack) |
Israel được thành lập vào năm 1948. Trong lịch sử ngắn ngủi của mình, quốc gia này đã trải qua nhiều cuộc xung đột, cả ở trong lẫn ngoài nước. Vào những năm 1980, lạm phát ở Israel cực cao, lên tới ba con số. Không chỉ có số dân khiêm tốn, Israel còn đứng thứ 150 trên thế giới về diện tích.
Israel, với hơn một nửa diện tích đất nước là sa mạc, cũng không có thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khi so sánh với các quốc gia giàu dầu mỏ ở Trung Đông. Tuy nhiên, hiện Israel đã trở thành trung tâm công nghệ và khởi nghiệp của thế giới. Israel cũng được biết đến là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng biến sa mạc thành đất canh tác, trồng trọt, phát triển nông nghiệp thành công, trở thành hình mẫu trên thế giới.
Nhiều người cho rằng, với những điều kiện như vậy, những gì Israel đã tạo dựng được quả là một phép màu, theo Seeking Alpha.
Israel có nhiều công ty được liệt kê trên Nasdaq hơn bất kỳ một quốc gia nào khác, trừ Mỹ và Trung Quốc. Nghiên cứu và phát triển là lĩnh vực then chốt của Israel, số các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ của nước này cũng nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào khác.
Hiện, 24% lực lượng lao động của Israel đã tốt nghiệp đại học và qua đào tạo. Cứ mỗi 10.000 người bạn gặp, có tới 135 kỹ sư có bằng đại học hoặc cao hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là các lao động trên đều được đào tạo tại các trường học danh tiếng như Technion, Viện Weizmann, đại học Tel Aviv, đại học Hebrew ở Jerusalem, đại học Ben Gurion, thông tin từ website của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam cho thấy.
“Cuộc cách mạng công nghệ cao ở Israel là một quá trình từ từ, bắt đầu từ những năm 1990”, Hindustan Times dẫn lời Giáo sư Avi Shimhon, người từng là cố vấn cấp cao của Thủ tướng Israel kiêm người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia nước này nói.
“Năm 2001, Israel dần chuyển từ thâm hụt tới thặng dư GDP. Chúng tôi nhận được sự trợ giúp tài chính to lớn từ Mỹ nhưng chúng tôi phải trả các khoản vay”. Giáo sư Shimhon cho hay, thành công mà Israel có được là “sự kết hợp ngẫu nhiên của cách mạng công nghệ cao và các chính sách của chính phủ”.
Ngẫu nhiên có lẽ chỉ là lúc khởi đầu, song có được sự phát triển như hiện giờ là do có kế hoạch. Thị trường khởi nghiệp ở Israel bắt đầu từ trung tâm công nghệ Tel Aviv và mở rộng tại Jerusalem, vươn xa tới Beer-Sheva – một thành phố sa mạc ở phía nam.
Một trong những lý do khiến Israel được mệnh danh là quốc gia khởi nghiệp, là sự cổ vũ mạnh mẽ của chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân. Israel luôn tự hào là nơi có môi trường minh bạch và cộng tác. Các doanh nghiệp luôn ủng hộ các nhân tố mới và nuôi dưỡng văn hoá đổi mới. Điều này giúp cho mỗi cá nhân đều có thể đóng góp các ý tưởng của mình, dù là nhỏ bé.
Nghĩa vụ quân sự, bắt buộc với cả nam và nữ, lần lượt là 3 năm và 2 năm, là một trong những nguồn đổi mới quan trọng ở Israel. Không coi việc đi bộ đội là một gánh nặng, nhiều thanh niên Israel coi thời gian làm nghĩa vụ là động lực đằng sau sự thành công về công nghệ cao của nước này. Tại Israel, có nhiều chuyên gia công nghệ đã từng làm việc trong các đơn vị tình báo quân sự gồm cả đơn vị tình báo mạng nổi tiếng 8200.
Menny Barzilay, cựu Đại uý và hiện là CEO công ty an ninh mạng FortyTwo cho hay, “ở Israel, lục quân toàn gồm những đứa trẻ 20 tuổi, vì thế đó là nơi rất náo nhiệt. Bạn đón nhận những người mới với các hướng đi, kiến thức mới vào thời điểm đó”.
Israel hiện chia sẻ biên giới với một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Syria, Lebanon... những nơi có môi trường chính trị ít ổn định. Sự thiếu hụt nước đang nổi lên như một mối đe doạ mới với Trung Đông. Tuy nhiên, Israel không chỉ tìm ra giải pháp mà họ còn kiếm được tiền nhờ quản lý nước với hệ thống tưới nhỏ giọt. Như nhưng gì giáo sư Shimhon chỉ ra thì “công nghệ cao là tương lai của Israel. Chúng ta rất giỏi lĩnh vực đó”.
Hoài Linh/Vietnamnet