Tọa đàm là nơi những người có xuất thân, nền tảng khác nhau, nhưng cùng chia sẻ chung một tình yêu dành cho cải lương, chia sẻ góc nhìn về bộ môn nghệ thuật này. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các khách mời: Đạo diễn Leon Quang Lê, nghệ sĩ - nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm, TS Lê Hồng Phước và TS Đào Lê Na.
Với nghệ sĩ - nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, cải lương chân chính phải bao gồm đủ các yếu tố chân - thiện - mỹ. Chân và thiện chính là tạo lòng tin trong lòng khán giả, để khán giả tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Còn mỹ, đó là giúp những thô tục do đời sống cọ xát thông qua nghệ thuật sẽ trở nên có tính thẩm mỹ theo những cách riêng. Từ đó, tạo nên những khái niệm về “cải lương thật và đẹp”.
Rất đông các bạn sinh viên tham dự buổi tọa đàm. |
Nữ nghệ sĩ cũng đánh giá cao vai trò của các bạn trẻ trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của cải lương. Bà chia sẻ lý do đến tham dự buổi lễ ngày hôm nay chính vì mong muốn được lắng nghe những chia sẻ từ các bạn. Bởi cải lương là sự tiếp nhận và đổi mới từng ngày. Thế hệ trẻ chính là một phần giúp cho cải lương phát triển.
Nhận xét về những thăng trầm của nghệ thuật cải lương, TS Lê Hồng Phước cho biết: “Cải lương cũng như bao loại hình nghệ thuật khác, có thịnh thì sẽ có suy. Gần đây, người ta thường đề cập đến câu chuyện cải lương xuống dốc hay cải lương hấp hối… Thế nhưng với tôi, bằng cách này hay cách khác, cải lương vẫn còn đó và vẫn đang tiếp tục phát triển”.
Giải thích về lý do cải lương không còn được đông đảo công chúng đón nhận như xưa, TS Đào Lê Na cho rằng, nguyên nhân xuất phát ở thời đại và quan điểm. Hiện nay, các bạn trẻ có quá nhiều sự lựa chọn giải trí và bị cuốn theo các loại hình nghệ thuật khác. Các bạn cũng khó có thể ngồi kiên nhẫn theo dõi trọn vẹn vở cải lương vì không hiểu về ngôn ngữ sân khấu. Điều đó xuất phát từ sự thay đổi và cách tiếp nhận cải lương của các thế hệ ở từng thời điểm khác nhau. Chính vì thế, chị cũng rất vui vì các bạn trẻ đã có nhiều cách thức cải biên các vở cải lương theo nội dung mới lạ, trẻ trung và phù hợp với thời đại.
TS Lê Hồng Phước chia sẻ trong buổi tọa đàm. |
Nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm nhận định, trách nhiệm của lớp nghệ sĩ trẻ hiện nay, đó là kế thừa của người đi trước và phát huy những cái mới của người trẻ. Anh cũng cho rằng, nghệ sĩ ngày nay đã phần nào không còn chịu những định kiến như xưa. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nghệ sĩ trẻ dừng lại việc phấn đấu thay đổi tư duy của công chúng. Anh cho biết, mình đã đọc thêm nhiều sách văn học để lấy đó làm chất liệu cho từng câu hát.
“Chúng ta phải chấp nhận một sự thật rằng, thời vang bóng của cải lương đã qua rồi và rất khó để trở lại. Nhìn vào sự thật thời đại, hiện nay, đã không còn nhiều người trẻ xem tuồng, cải lương... Nhưng một điều tôi tin chắc, đó là cải lương vẫn sẽ tồn tại và sống mãi trong lòng của bất kỳ người con đất Việt nào. Nhiệm vụ của chúng ta là duy trì để cải lương vẫn sẽ tiếp tục tỏa sáng”, đạo diễn Leon Quang Lê bày tỏ quan điểm.
Nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm chia sẻ về những thách thức của lớp nghệ sĩ cải lương trẻ. |
Trước khi kết thúc buổi lễ, các khách mời mong muốn thế hệ trẻ sẽ giữ vững tình yêu với nghệ thuật sân khấu cải lương và giúp cải lương được tiếp nối. TS Đào Lê Na gửi gắm đến những người trẻ yêu mến cải lương rằng, dù sáng tạo như thế nào đi nữa cũng đừng làm mất đi bản sắc dân tộc vốn có của nghệ thuật này.
"Cùng cộng đồng kể chuyện cải lương" là một dự án cộng đồng do YUME Art Project thực hiện và được sự hỗ trợ của British Council và Heritage of Future Past. Mục đích của dự án là nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ đối với cải lương - bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam; lan tỏa tình yêu, đam mê cải lương của những bậc nghệ sĩ gạo cội, của những khán giả mộ điệu cải lương đến gần với cộng đồng thông qua các phương tiện kể chuyện phổ biến và hiện đại (podcast, video clip, nhiếp ảnh, đồ hoạ...). Dự án là cơ hội để các bạn trẻ tìm hiểu những giá trị nhân văn và giá trị nghệ thuật của cải lương, góp phần nuôi dưỡng tình yêu và ý thức bảo tồn những giá trị Di sản Văn hóa của dân tộc.
Nguồn Sinh viên Việt Nam