Gen Z được gọi tên là một thế hệ siêu đột phá, một thế hệ tắc kè hoa bởi sự đa sắc màu trong tính cách và một thế hệ đa nhiệm thường mở rất nhiều giao diện cùng lúc trên máy tính - Ảnh: ANPHABE
Đây là những phân tích về thế hệ bạn trẻ "ra đời sau sự có mặt của Google" được tổng hợp từ một cuộc khảo sát diện rộng và thảo luận chuyên sâu, với gần 25.000 sinh viên do Anphabe - mạng cộng đồng cấp quản lý thực hiện.
Độc lập và tự tin vào quan điểm cá nhân
Khác với thế hệ trước, thế hệ Z quá độc lập và tự tin vào quan điểm cá nhân khiến doanh nghiệp và nhà trường mất đi vai trò định hướng nghề nghiệp.
Có đến 81% các bạn trẻ gen Z tự tin hiểu rõ bản thân, biết mình thích và không thích làm gì. Họ chủ yếu dựa vào sở thích và năng lực cá nhân để lựa chọn nghề nghiệp.
Mê khởi nghiệp, thích tự do và hướng về xã hội, các bạn cũng mong muốn những lựa chọn nghề nghiệp vô cùng mở sau khi tốt nghiệp. 34% sẵn sàng đầu quân cho các startup hoặc tự kinh doanh riêng, 14% thích làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận, 8% cho rằng "chẳng cần làm công ty, là freelance cũng tốt".
Đây cũng được xem là thế hệ Always On - luôn ở chế độ on. Không chỉ online trực tuyến mà còn luôn cập nhật xu hướng, cập nhật công nghệ, tiến về phía trước - Ảnh: ANPHABE
Khác với thế hệ trước mê làm việc cho công ty nước ngoài, các bạn trẻ Z không ngần ngại chọn công ty nội địa. Họ cũng cởi mở với vô vàn lựa chọn chẳng liên quan đến ngành học.
Theo khảo sát, quảng cáo, truyền thông, giải trí đang chiếm vị trí các ngành hấp dẫn nhất với sinh viên tất cả các ngành học, kể cả sinh viên ngành IT hay kỹ thuật. Với giới trẻ, sự sáng tạo, đổi mới nhanh và cơ hội được giao tiếp với nhiều người là những điều họ mong đợi nhất ở nơi làm việc.
Internet là chân lý
Với thế hệ Z, Internet được xem là chân lý, với đặc trưng là một công dân Internet, có niềm tin mãnh liệt vào cộng đồng trực tuyến, vào đánh giá của cộng đồng mạng. Với họ, không online là không tồn tại, "một ngày không online như bị đày ra đảo hoang một tháng".
Gen Z luôn tự tin vào bản thân, tuy nhiên, khi được khảo sát dựa trên khung yêu cầu mà các doanh nghiệp hiện tại yêu cầu ứng viên phải có khi đi làm như kỹ năng quản lý bản thân, tương tác, kiến thức căn bản chuyên môn, chỉ dưới 50% bạn trẻ thực sự tự tin.
Một khảo sát của LinkedIn cũng có chung một nghịch lý, có đến 76% bạn trẻ cho rằng kỹ năng cần thiết trong tương lai sẽ rất khác so với những gì mà các nhà tuyển dụng vẽ ra.
Điều này tạo ra một khoảng cách lớn giữa doanh nghiệp mà người trẻ, khi doanh nghiệp yêu cầu một đằng, người trẻ lại tự tin một nẻo. Người trẻ không có những thứ mà doanh nghiệp yêu cầu nhưng lại có rất nhiều khả năng mà doanh nghiệp không biết đến.
Phân tích về thái độ cho thấy một hình ảnh đối lập của người trẻ: thích học hỏi nhưng lại ngại phê bình, làm việc trách nhiệm nhưng không chịu được áp lực, thích nghi nhanh nhưng lại ít thoải mái nếu có quá nhiều thay đổi.
Theo Thanh Nguyễn – CEO Anphabe: "Năm 2020, thế hệ đầu tiên của gen Z sẽ tốt nghiệp đại học và họ là thế hệ đang đứng ngay trước thềm nguồn nhân lực. Đây là thế hệ siêu đột phá nhưng cũng có thể là những kẻ phá bĩnh nếu không hiểu họ, không chạm được đến họ và không biết cách làm việc với họ. Thế hệ này tài năng nhưng mong manh, dễ vỡ. Để chăm lo cho sự mong manh của họ thì cần sự thấu hiểu, hỗ trợ của các thế hệ đi trước. Hãy dành cho bạn trẻ ánh mắt yêu thương, sự thông cảm với mong muốn thay đổi chính mình để cùng nhau thay đổi tốt hơn".
Nguồn TTO