Các nước châu Âu đã tung trợ cấp và cho vay mạnh tay để duy trì sự sống cho doanh nghiệp. Họ cũng hỗ trợ lương cho hàng triệu nhân viên bị tạm nghỉ việc để ở nhà. Tại phần lớn khu vực ở châu Âu, sa thải hàng loạt hoặc buộc phá sản là việc bị cấm.
Với các chính sách này, các lãnh đạo châu Âu đặt cược rằng khi đại dịch qua đi, họ có thể rã đông nền kinh tế 18.000 tỷ USD tại đây. Các doanh nghiệp có thể vào guồng nhanh chóng và đưa lao động quay lại. Đây là nỗ lực có chủ đích nhằm làm chậm lại quá trình thanh lọc kinh tế, vốn được nhiều chuyên gia gọi là "sự phá hủy mang tính sáng tạo". Điều này phản ánh sự lựa chọn về chính trị: So với Mỹ, châu Âu thường khó chấp nhận các điều chỉnh đau đớn hơn.
Tuy nhiên, khi đại dịch còn tiếp diễn và việc tiêm vaccine tại châu Âu được kỳ vọng kéo dài suốt cả năm và nhiều hơn thế, một số nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại đóng băng nền kinh tế quá lâu sẽ khiến nó khó thích ứng với những thay đổi về xã hội và kinh doanh mà cuộc khủng hoảng đang thúc đẩy. Việc này sẽ kéo tụt đà phục hồi kinh tế.
"Trong nhiều trường hợp, đóng băng là một sai lầm rất lớn. Vì nó trì hoãn các cải tổ doanh nghiệp, các khoản đầu tư và hoạt động tuyển dụng mới cần thiết", Carlo Bonomi – chủ tịch Confindustria – liên đoàn các công ty ở Italy nhận xét. Trong khi kinh tế châu Âu đứng im, Mỹ đã tạo thêm việc làm và doanh nghiệp mới.
Phản ứng chính sách của hai nền kinh tế này chính là câu hỏi gây tranh cãi nhiều năm qua: Mô hình kinh tế nào chống chịu tốt hơn với sự hỗn loạn trong đại dịch?
Nicholas Bloom – nhà kinh tế học tại Đại học Stanford nhận định cách tiếp cận của Mỹ "đau đơn nhưng linh hoạt hơn". Cũng như châu Âu, Mỹ tung hỗ trợ hào phóng trong đại dịch cho các công ty và trợ cấp cho lao động thất nghiệp. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng hỗ trợ cho vay và mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Những chương trình này đã duy trì được việc làm và giữ lại các công ty gặp khó nhưng có khả năng thanh toán.
Dù cả hai mô hình đều có mục đích ngăn nền kinh tế lao dốc thêm, Mỹ không nỗ lực nhiều trong việc ngăn người lao động và dòng vốn chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong khi đó, thị trường lao động châu Âu kém linh hoạt hơn. Các chính phủ châu Âu áp dụng chính sách an sinh xã hội và bảo vệ người lao động rất mạnh. Các công đoàn cũng không cho phép sa thải quy mô lớn. Quan điểm này càng được thắt chặt trong đại dịch, dù bản chất khủng hoảng lần này không hề giống các đợt suy thoái trước là bắt nguồn từ vấn đề kinh tế.
Năm ngoái, GDP eurozone giảm mạnh gấp đôi Mỹ và năm nay được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo phục hồi chậm hơn. Nguyên nhân chủ yếu là các nước châu Âu áp dụng chính sách giãn cách nghiêm ngặt hơn để kiềm chế đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ từng lên gần 15%, nhưng sau đó cải thiện đáng kể. Trong khi đó, con số này của châu Âu gần như không thay đổi.
Năm ngoái, châu Âu ghi nhận số vụ phá sản thấp hơn nhiều so với 5 năm trước đó. Còn tại Mỹ, con số này vẫn dao động trong khoảng như tiền đại dịch. Số đơn xin thành lập doanh nghiệp mới tại Mỹ tăng 42% giai đoạn tháng 3 – tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này tại Pháp và Đức lại giảm nhẹ, theo Oxford Economics.
Năng suất lao động tại Mỹ cũng tăng trong đại dịch, nhưng lại gần như không đổi, thậm chí đi xuống tại Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha, theo Deutsche Bank. Một số nhà kinh tế học cho rằng loại bỏ những công việc và doanh nghiệp không thể tồn tại đóng góp tới nửa tốc độ tăng trưởng năng suất trong dài hạn.
Hiện tại, đại dịch đang đẩy nhanh việc chuyển dịch sang các mô hình kinh doanh trực tuyến và tự động hóa. Một số thói quen có thể sẽ trở thành vĩnh viễn, như làm việc và mua sắm từ xa, từ đó giảm nhu cầu một số dịch vụ trong các ngành như bán lẻ hay du lịch. Nếu nền kinh tế thay đổi, trì hoãn điều chỉnh theo những thay đổi đó sẽ kéo theo một cái giá đắt đỏ.
Tại Đức, những người bị cho tạm nghỉ việc sẽ không được đào tạo cho đến khi có chỉ dẫn của văn phòng lao động. Còn tại Italy, nhóm này thường không nhận các công việc bán thời gian, do có thể được gọi đi làm lại bất kỳ lúc nào.
Hãng sản xuất ghế cho máy bay Recaro Aircraft Seating (Đức) ghi nhận doanh thu giảm 60% năm ngoái, xuống 300 triệu euro. Họ đã cắt giảm 30% nhân sự tại các nhà máy ở Mỹ và Trung Quốc. Nhưng tại Đức, họ vẫn chưa làm điều này. Thay vào đó, công ty sử dụng chương trình hỗ trợ lương của chính phủ, để không sa thải nhân viên được cho nghỉ ở nhà. Gần như toàn bộ lực lượng lao động của Recaro đang được cho tạm nghỉ, làm việc ít hơn 40% so với bình thường.
Công ty cam kết không sa thải nhân viên cho đến ít nhất là giữa năm 2023. Chi phí và rắc rối pháp lý tại châu Âu khiến rất nhiều doanh nghiệp ngần ngại khi sa thải. Dù vậy, các chương trình duy trì việc làm "chỉ có tác dụng cho đến khi khôi phục sản xuất ở mức độ cao hơn". "Nếu chúng tôi phải thích ứng với doanh thu 300 triệu euro vĩnh viễn, chương trình này sẽ không hiệu quả", Hiller nói.
Duy trì việc làm tại các ngành không cần trình độ giáo dục cao lại càng ít có ý nghĩa. Các nhà kinh tế học cho rằng người trẻ có thể chỉ coi những công việc này là bước đệm. Vì thế, giữ lại những kỹ năng và mối quan hệ này là việc không mang lại nhiều giá trị. Dan Andrews – cựu quan chức Bộ Tài chính Australia cho rằng một số công việc có kỹ năng thấp có thể biến mất mãi mãi sau đại dịch.
Các nhà kinh tế học và lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho rằng trợ cấp sẽ làm tăng tỷ lệ các công ty "xác sống" và gây thiệt hại cho các đối thủ vững mạnh hơn. Tại Đức, tỷ lệ các công ty xác sống trong nền kinh tế được dự báo vào khoảng 20% năm nay, tăng so với 7% tiền đại dịch.
"Những công ty này đang hủy hoại thị trường. Họ thường rất khó quay lại kinh doanh. Thị trường sẽ tốt hơn nếu được thanh lọc". Alexander Alban tại hãng sản xuất linh kiện cơ khí Walter Schimmel (Đức) nhận xét.
Tại Italy, tính đến đầu tháng 12/2020, khoảng 29% lao động đã bị cho tạm nghỉ việc vì đại dịch. Antonio Gullo (Turin, Italy) đã nhiều lần rơi vào tình cảnh này kể từ năm 2001. Lần cuối cùng ông được làm việc trọn tháng là năm 2015. Hiện tại, ông chỉ làm việc 6 ngày một tháng.
"Chúng tôi luôn trong tình trạng bất ổn, không thể lên kế hoạch cho cuộc sống", Gullo nói, "Bỏ việc ở nhà máy không phải là lựa chọn tốt, vì ngoài kia không có nhiều việc làm toàn thời gian đâu".
Friedrich Merz – một chính trị gia tại Đức cho rằng chương trình hỗ trợ lao động của nước này đang mang lại "những hậu quả điên rồ". "Lao động bị ghìm chân trong các công ty dù nơi khác đang cần họ", ông nói.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng mô hình của châu Âu sẽ có lợi hơn trong dài hạn. Mô hình của Mỹ làm yếu sự liên kết giữa công ty và nhân viên, làm giảm động lực đào tạo của các doanh nghiệp. Gerd Ohl – Giám đốc Limtronik (Đức) cho biết. Ông nói rằng mình đã đào tạo các nhân viên Mỹ tại Đức để làm việc cho chi nhánh Mỹ. Nhưng sau đó, họ rời công ty ngay khi quay về Mỹ.
Marcus A. Wassenberg – Giám đốc Tài chính Heidelberger Druckmaschinen thì khẳng định chương trình này đã giúp bình ổn kinh tế Đức và chia sẻ thành quả tăng trưởng giữa nhà quản lý và nhân viên, giúp xã hội dễ dàng hấp thụ các cú sốc toàn cầu hơn.
Nguồn VnExpress