Nói đường chân trời, nôm na có thể hiểu đó là 1 đường thẳng giao cắt giữa mặt đất và bầu trời, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trên phương diện vật lý, đường chân trời không tồn tại mà thực chất nó là điểm xa nhất mà mắt chúng ta có thể nhìn thấy.
Ở điểm này, chúng ta có cảm giác bầu trời và mặt đất như tiếp xúc, như chạm vào nhau. Sự uốn cong của bề mặt trái đất không cho phép mắt chúng ta có thể nhìn qua xa.
Vì thế, nếu chúng ta càng bay lên cao thì mắt chúng ta càng quan sát được ở tầm xa hơn nhiều khi đứng trên mặt đất. Bạn sẽ rất bất ngờ khi biết rằng, nếu mắt mình cách mặt nước biển 1,5 mét thì đường chân trời trong mắt bạn sẽ có khoảng cách khoảng 4.500 mét. Nhưng nếu mắt bạn cách mặt nước biển 3.000 mét thì đường chân trời lúc này lại xa tới gần 200 km.
Tại sao chúng ta chỉ thấy được đường chân trời ở những nơi như hoang mạc, đại dương, biển cả, 2 cực của trái đất… mà không thể quan sát được đường chân trời ở đô thị. Rất đơn giản là bởi những nơi trên có không gian thông thoáng cho tầm nhìn của mắt, còn thành phố thì có quá nhiều các công trình kiến trúc, cây cối, nhà cửa che khuất tầm nhìn của chúng ta.
Khi đã hiểu được đường chân trời là gì, bạn cần phải biết thêm tầm quan trọng của nó. Từ xa xưa, khi điện báo, đài phát thanh hay các phương tiện liên lạc hiện đai chưa có thì tầm nhìn của mắt người đến đường chân trời là rất rất quan trọng. Bởi nó quyết định phạm vi xa nhất có thể truyền tải thông tin giữa mọi người.
Đường chân trời quan trọng đến mức, trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các phi công bay lâu năm, bằng kinh nghiệm của mình vẫn dựa vào đường chân trời để điều khiển, xử lý bay tốt nhất. Các phi công cũng dựa vào đường chân trời để ghi nhận không gian.
Ngoài ra, trong thiên văn học, người quan sát sẽ sử dụng đường chân trời như một mặt phẳng đặt ngang mắt. Đó cũng là mặt phẳng cơ bản mà chúng ta thường nghe thấy khi nhắc đến hệ tọa độ chân trời.
Theo Đời sống Plus