Năm 2021, cả nước có 1.014.972 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT quyết định chia kỳ thi thành 2 đợt. Theo đó, đợt 1 sẽ diễn ra vào 2 ngày 7-8/7 dành cho các thí sinh không ở vùng dịch, không liên quan đến các ca mắc Covid-19. Thời gian thi đợt 2 sẽ do Bộ GD-ĐT căn cứ vào tình hình thực tế của dịch bệnh để đưa ra quyết định.
Xử lý đến cùng nếu vi phạm, làm tăng số lượng thi sinh “diện F”
Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tỉnh Quảng Ninh cho biết, toàn tỉnh có 16.457 thí sinh đăng ký dự thi với 36 điểm thi, 718 phòng thi đặt tại các trường THPT và THCS của 13 huyện, thị xã, thành phố.
Hơn 2.500 cán bộ, nhân viên được bố trí tham gia coi thi, đảm bảo an ninh, trật tự y tế của kỳ thi.
Ông Nguyễn Văn Tuế cho biết thêm, để đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo thi cấp huyện, công an các địa phương xây dựng phương án cụ thể, chi tiết, bố trí đủ lực lượng công an, dân phòng, bảo vệ tham gia đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại các điểm thi. Hơn 170 cán bộ chuyên trách và hàng trăm cán bộ khác của công an tỉnh được huy động tham gia làm nhiệm vụ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên nhiều địa phương trong cả nước. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo thi tỉnh Quảng Ninh đặc biệt yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế xây dựng hướng dẫn liên ngành triển khai công tác phòng, chống dịch, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế tham gia làm công tác thi tại các Kỳ thi. Hai Sở phối hợp chỉ đạo các đơn vị trường học và cơ quan y tế trên địa bàn lập danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các khâu trong Kỳ thi, tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương chuẩn bị các điều kiện, phương án phòng chống dịch.
Việc tiêm phòng vaccine Covid-19 được ưu tiên cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm thi. Tính đến ngày 25/6, cán bộ, giáo viên, nhân viên của 51/58 trường THPT và 6/13 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã được tiêm vaccine. Cán bộ, giáo viên của các trường còn lại dự kiến được tiêm hết trong tháng 6 này.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo thi của tỉnh làm rõ thêm: “Chúng tôi làm “già” hơn một bước và chủ động thêm một bước trong các hoạt động phòng chống dịch Covid-19. Các nhà trường phối hợp với phụ huynh quản lý thí sinh. Cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi được yêu cầu không được ra khỏi tỉnh cho tới khi kết thúc kỳ thi nếu không có lý do bất khả kháng. Trường hợp nào vi phạm khiến phát sinh thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trước ngày thi, UBND tỉnh sẽ truy trách nhiệm đến cùng… Từ nay đến lúc diễn ra kỳ thi, toàn bộ cán bộ, giáo viên tham gia làm thi sẽ được tiêm vaccine”.
Còn tại Bắc Giang, đại diện Sở GD-DT Bắc Giang cũng cho biết đã yêu cầu các trường tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, thí sinh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hạn chế tối đa đến những nơi không cần thiết, yêu cầu thí sinh ở nhà chủ động ôn tập, tránh phát sinh các trường hợp F0, F1, F2 để đảm bảo kỳ thi diễn ra được an toàn, hiệu quả. Chú trọng việc thông tin tới học sinh chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe trước khi đến địa điểm thi. Phối hợp với các đơn vị trong cùng điểm thi trước ngày 1/7/2021 gửi tới thí sinh dự thi những thông tin để mỗi thí sinh phải xác định rõ đường đi từ nhà đến điểm thi, phòng thi theo từng buổi, từng bài thi.
Sở GD-ĐT Bắc Giang cũng yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia tổ chức Kỳ thi, tổ chức coi thi chéo trong huyện, thành phố. 100% thành viên của điểm thi phải thực hiện khai báo y tế và đeo khẩu trang khi làm nhiệm vụ trong mỗi buổi thi. Các thành viên của điểm thi được đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn trước khi vào phòng làm việc của điểm thi. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc các biểu hiện bất thường khác về mặt sức khỏe, cần kiểm tra, theo dõi tại phòng y tế của điểm thi.
Đối với thí sinh, Sở GD-ĐT Bắc Giang yêu cầu chủ động không tiếp xúc với những người ngoài gia đình, không ra khỏi nơi cư trú, theo dõi sức khỏe và đo thân nhiệt hằng ngày. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở...) phải báo cáo kịp thời cho điểm thi và trạm y tế xã/phường/thị trấn nơi thí sinh cư trú để được hướng dẫn. Nghiêm túc chấp hành những quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, của tỉnh Bắc Giang và kỳ thi.
Ưu tiên số 1 là an toàn sức khỏe của thí sinh và giáo viên
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, quan điểm của Bộ GDĐT là kỳ thi phải đảm bảo mục tiêu kép, ưu tiên số 1 là an toàn sức khỏe của thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm thi; đảm bảo an toàn Quy chế, không phải vì dịch bệnh mà bỏ quên chất lượng.
Từ nay đến lúc kỳ thi diễn ra chỉ còn hơn 10 ngày, đại diện Bộ GD-ĐT đề nghị địa phương ưu tiên sàng lọc, phân loại thí sinh thuộc các F để bố trí trường hợp nào thi đợt 1, trường hợp nào thi đợt 2. Công tác này phải thực hiện khoa học, chính xác, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, không để em nào bị thiệt thòi vì sự phân loại thiếu chính xác của cơ quan quản lý.
Ưu tiên cao nhất cho an toàn của thí sinh và người tham gia làm thi, đợt thi thứ 1 được Bộ GD-ĐT chỉ đạo tổ chức cho thí sinh không có F, thí sinh ở những nơi không bị phong toả hoặc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GD-ĐT khuyến khích những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, địa phương thực hiện xét nghiệm Covid-19 bắt buộc cho toàn bộ thí sinh, cán bộ làm thi. Những nơi chưa có nguy cơ, nếu có điều kiện thì tổ chức xét nghiệm được nhiều nhất có thể.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhân mạnh việc kiểm soát và đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ở khu vực in sao đề thi, làm phách… cần đặc biệt lưu ý. Bởi ở những không gian khép kín, biệt lập này chỉ cần có một mầm bệnh là nguy cơ lây lan cho tất cả những người tham gia là rất lớn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần lưu ý làm tốt công tác tập huấn quy chế để nâng cao năng lực làm thi của cán bộ, giáo viên, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi, chuẩn bị cơ sở vật chất và đảm bảo các yêu cầu về an ninh thông tin, an toàn, trật tự cho kỳ thi.
“Tôi mong muốn các địa phương tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, an toàn nhưng không căng thẳng. Muốn không căng thẳng thì phải tính toán được các tình huống phát sinh, có biện pháp dự phòng để không bị động. Nếu chúng ta làm tốt được 4 điều: nắm chắc quy chế; chuẩn bị kĩ các điều kiện, kiểm soát được tình hình và xử lý tốt tình huống phát sinh, thì kỳ thi sẽ diễn ra đảm bảo các yêu cầu”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh./.
Nguyễn Trang/VOV.VN