Thông tin mới nhất của Tổng cục Thống kê khẳng định, mặc dù đã ghi nhận một số tín hiệu tích cực nhưng thị trường lao động của cả nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo do đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga-Ukraine và tổng cầu thế giới suy giảm; tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao… dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn.
Theo đó, lực lượng lao động, số người có việc làm quý 2/2023 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động lại tăng so với quý trước. Tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp đã diễn ra từ quý 4/2022 và vẫn tiếp diễn ở quý 2/2023.
Số người lao động có việc làm vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên xét về chất lượng lao động thì thị trường lao động phát triển không mang tính bền vững, công việc của người lao động không ổn định, bấp bênh, điều kiện làm việc không bảo đảm và thu nhập thì thấp.
Ngoài ra, thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có thể kéo dài sang năm 2024, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ… Nhiều doanh nghiệp đã và đang phải sản xuất cầm chừng, bắt buộc cắt giảm nhân công...
Còn theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, 6 tháng đầu năm trên địa bàn TP, số doanh nghiệp đăng ký giảm 17% so với cùng năm 2022 và tăng 22% về số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; Số lao động được tạo việc làm mới giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, hàng tháng, trung tâm vẫn tiếp nhận số lượng lớn các doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ với nhiều lĩnh vực. Qua tiếp xúc, trung tâm ghi nhận, thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp phải chịu tác động, chịu ảnh hưởng của bối cảnh thế giới, suy thoái kinh tế thế giới; Tỷ lệ lao động đến đăng ký bị thất nghiệp trong giai đoạn vừa qua tăng lên khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 124 phiên giao dịch việc làm (trong đó có 1 phiên lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật; 4 phiên online kết nối các tỉnh) với 3.635 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh với tổng số 60.034 người; đã có 25.092 lao động được phỏng vấn và 8.805 lao động được tuyển dụng tại phiên.
“6 tháng cuối năm có nhiều kịch bản có thể xảy ra với thị trường lao động Việt Nam, điều dễ nhận thấy nhất là phải chịu tác động và ảnh hưởng của thị trường thế giới. Tình hình thế giới có nhiều biến động sẽ tác động không nhỏ đến doanh nghiệp trong nước. Thời gian tới, căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, Trung tâm lao động việc làm Hà Nội sẽ tiếp tục gắn kết với lực lượng lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề cụ thể. Mục tiêu là hỗ trợ đến mức cao nhất cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng và người lao động tìm được công việc phù hợp, có thu nhập bảo đảm cuộc sống”, ông Nguyễn Quang Thành cho hay.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ dân số và lao động, Tổng cục Thống kê thì cho hay, thị trường lao động việc làm quý 2/2023 không duy trì được đà phục hồi và khởi sắc như trong các quý đầu năm 2022. Lao động ở vùng Đông Nam Bộ là vùng tập trung nhiều khu công nghiệp quy mô lớn tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình trạng thiếu việc làm ngay từ đầu năm do có nhiều doanh nghiệp lớn bị cắt giảm đơn hàng.
Nhìn chung, trong thời gian này, thị trường lao động của cả nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp. Cùng với đó sẽ có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm.
“Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội”, ông Phạm Hoài Nam nhấn mạnh.
Chung Thủy/VOV.VN