Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 800.000 người có công, bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước, trong đó có hơn 86.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng... Để tri ân người có công, Hà Nội luôn triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách; đồng thời, ban hành một số chính sách đặc thù, phù hợp với thực tiễn. Nổi bật là chính sách hỗ trợ điều dưỡng luân phiên đối tượng người có công từ 5 năm, xuống 2 năm/lần được thực hiện bài bản, rộng khắp. Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Thị Minh Hương cho biết, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho hơn 200.000 lượt người có công.
Đối với chính sách hỗ trợ người có công khó khăn về nhà ở, dù thành phố đã hoàn thành từ năm 2017, song những năm gần đây, chính sách này vẫn được các ngành, địa phương và nhân dân Thủ đô thực hiện. Nhờ đó, Hà Nội vừa có thêm 284 ngôi nhà nghĩa tình được xây dựng, sửa chữa với kinh phí hơn 11 tỷ đồng.
Việc giải quyết hồ sơ liên quan đến người có công cũng được thành phố thực hiện bền bỉ, quyết liệt. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, 100% hồ sơ đề nghị công nhận người có công đều được thực hiện theo đúng quy định, nhanh gọn, kịp thời. Đáng chú ý, dù Hà Nội không còn hồ sơ nào cần giải quyết theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH (ngày 20-3-2017) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, nhưng thành phố vẫn đề nghị Bộ cho phép giải quyết một số hồ sơ theo quyết định này.
Ông Lê Viết Phục, xóm 2, thôn Văn Quán, xã Văn Khê (huyện Mê Linh) chia sẻ: “Năm 2021, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ cho ông nội là cụ Lê Viết Hòa (sinh năm 1905, hy sinh năm 1950), gia đình tôi luôn nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của các cơ quan chức năng. Sự quan tâm đó giúp gia đình tôi thấy ấm lòng”...
Chăm lo đời sống người có công
Cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội còn thường xuyên tuyên truyền sâu rộng về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đến các tầng lớp nhân dân. Hiểu rõ ý nghĩa của hoạt động này, nhân dân Thủ đô đã nhiệt tình ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” toàn thành phố vận động được hơn 27,3 tỷ đồng, đạt gần 123% so với kế hoạch. Từ nguồn vận động ủng hộ, các đơn vị, tổ chức, đoàn thể tặng gần 4.400 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng cho người có công. Cùng với đó, thành phố quan tâm chăm lo, phụng dưỡng 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, chăm sóc thường xuyên thương binh, bệnh binh nặng…
Đặc biệt, dịp này, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội đã trực tiếp đi thăm, tặng quà một số tập thể, gia đình người có công tiêu biểu. Thương binh Nguyễn Tường Vĩnh, ngõ 29, phố Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình) chia sẻ: “Dù lãnh đạo các cơ quan đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19, song vẫn dành thời gian đi thăm hỏi, động viên, tri ân người có công, trong đó có gia đình tôi. Qua hành động giản dị mà ý nghĩa này, càng thấy rõ hơn việc chăm lo đời sống cho người có công luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm thực hiện”.
Bên cạnh đó, 30 quận, huyện, thị xã cũng ưu tiên nguồn lực để chăm lo, tri ân người có công. Tại quận Nam Từ Liêm, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Huy Cường cho biết, ngoài phần quà của Chủ tịch nước và của thành phố, quận còn dành hơn 1 tỷ đồng để tặng quà các đối tượng hưởng chính sách người có công trên địa bàn. Tại huyện Ba Vì, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện tới thôn, làng, tổ dân phố cũng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống người có công. Chủ tịch UBND xã Ba Vì (huyện Ba Vì) Lăng Văn Hà thông tin, 100% người có công trên địa bàn xã đã nhận đủ những phần quà ý nghĩa đó.
Đến thời điểm này, toàn thành phố đã hoàn thành việc chuyển gần 374.000 suất quà, với số tiền hơn 164 tỷ đồng từ các cấp, ngành và cộng đồng xã hội đến người có công nhân dịp 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Để thực hiện tốt hơn nữa hoạt động tri ân, chăm lo cho người có công, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương thông tin, Sở đang phối hợp với các đơn vị, địa phương đưa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) - có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021, vào đời sống; đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, nâng mức trợ cấp ưu đãi đối với người có công theo Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng...
Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", thành phố Hà Nội đã và luôn quan tâm, chăm sóc và tri ân người có công bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, bảo đảm 100% gia đình người có công đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân ở nơi cư trú.
Theo Hanoimoi.com.vn