Thông Bảo Hội Sao - minh chứng cho phát minh tiền giấy của Hồ Quý Ly
Những năm cuối cùng của thế kỷ XIV, vương triều Trần đã thực sự suy yếu, quyền hình tập trung trong tay cha con Hồ Quý Ly. Ngay khi còn ở cương vị phụ chính cho vua Trần, Hồ Quý Ly đã tiến hành một loạt những cải cách trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục nhằm củng cố chế độ quân chủ tập quyền, khắc phục những khủng hoảng kinh tế, xã hội. Trên lĩnh vực tài chính tiền tệ, Hồ Quý Ly cho thu hồi tiền đồng và ban hành tiền giấy.
Bản vẽ tiền giấy Thông Bảo Hội Sao cuối thế kỷ XIV
Tờ tiền mới được ban hành có tên là Thông Bảo Hội Sao, gồm 7 loại. Hình thức của tờ tiền mới được quy định: tờ 10 đồng vẽ hình rồng, 30 đồng vẽ sóng, 1 tiền vẽ mây, 2 tiền vẽ rùa, 3 tiền vẽ lân, 5 tiền vẽ phượng, và tờ 1 quan vẽ rồng.
Triều đình quy định, cứ 1 quan tiền (bằng) đồng nay đổi được 1 quan 2 tiền giấy. Tuyệt đối cấm làm tiền giả, trái lệnh sẽ bị xử chết, tịch thu ruộng đất và gia sản.
Đối với tiền (bằng) đồng cũ, triều đình ra lệnh thu hồi toàn bộ, tập trung về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các sứ. Dân gian tuyệt nhiên không được cất giữ, tiêu vụng tiền (bằng) đồng. Kẻ nào trái lệnh sẽ bị xử như với tội làm tiền giả.
Tiền Thánh Nguyên Thông Bảo bằng đồng cuối thế kỷ XIV
Tại sao Thông Bảo Hội Sao không được lưu hành rộng rãi?
Chuyện tiền giấy sau này nhiều học giả khen là sáng tạo cải cách của Hồ Quý Ly. Nhưng thực ra chính sách phát hành tiền giấy đã được nhà Tống áp dụng từ 3 thế kỷ trước đó.
Vấn đề là nhà Tống đã nhận ra những nhược điểm của tiền giấy vào thời kỳ đó như dễ làm giả, người dân không tin tưởng, nên không áp dụng với quy mô lớn, và phần lớn tiền tệ của nhà Tống vẫn là tiền đồng.
Sau này nhà Nguyên kế tiếp nhà Tống, thời Nguyên Vũ Tông (1307 – 1311), do bị thiếu hụt ngân khố nên đã hạ lệnh in rất nhiều tiền giấy, kết quả là tiền giấy bị mất giá trị nghiêm trọng, đời sống nhân dân xáo trộn.
Việc dùng tiền giấy không được sự ủng hộ của dân chúng và Hồ Quý Ly đã thất bại trong cuộc cải cách tiền tệ này. Thực tế, đến năm 1403, tức sau bảy năm ban hành, tiền giấy vẫn không được ưa dùng.
Và do nhà nước cấm tiền (bằng) đồng, nhân dân buộc phải trao đổi theo hình thức hàng đổi hàng. Nhà nước đã phải định giá tiền giấy cho trao đổi, lập điều luật định tội (nếu) không tiêu tiền giấy.
Lý do là tiền Thông Bảo Hội Sao của triều đình lúc đó rất dễ làm giả. Ngoài ra, mực in tiền thời đó cũng không bền, chỉ cần dính mưa, dính nước là nhòe không tiêu được nữa, người chủ coi như mất tài sản.
Như vậy việc dùng tiền giấy thời đó đã đi ngược nguyên tắc phát hành tiền tệ. Đó là phải có đủ cơ sở để nhân dân tin tưởng vào giá trị giao dịch của đồng tiền.
Một lượng lớn tiền giả được tung ra, tất yếu dẫn tới việc tiền giấy bị mất giá, mà ngày nay ta gọi là lạm phát. Ngoài ra, triều đình lạm dụng việc in tiền giấy để bù đắp thiếu hụt ngân khố, thì lạm phát càng nghiêm trọng. Điều này đã được nhà sử học Phan Huy Chú bình trong sách ‘’Lịch triều hiến chương loại chí’’ như sau:
‘’Tiền giấy chẳng qua chỉ là mảnh giấy vuông, phí tổn chỉ đáng 5, 3 đồng tiền mà đổi lấy vật đáng 5, 6 trăm đồng của người ta, có nhiên không phải là cái đạo đúng mức. Vả lại, người có tiền giấy cất giữ cũng dễ rách nát, mà kẻ làm giả mạo sinh ra không cùng, thực không phải là cách bình ổn vật giá mà lưu thông của cải vậy. Quý Ly không xét kỹ đến cái gốc lợi hại, chỉ ham chuộng hư danh sáng chế, để cho tiền của hàng hóa thường vẫn lưu thông tức là sinh ra ứ đọng, khiến dân nghe thấy đã sợ, thêm mối xôn xao, thế có phải chế độ bình trị đâu…’’.
Những bài học về tiền giấy thời nhà Tống và Nguyên lại lặp lại ở thời cuối triều Trần, và thời Đại Ngu Hồ Quý Ly. Tiền giấy và hệ lụy như thiếu niềm tin, lạm phát, không bền… đã làm giảm buôn bán thương mại, trao đổi hàng hóa, giảm tài sản tích lũy trong xã hội, triều đình chi tiêu quá mức… khiến quốc gia suy yếu nghiêm trọng về nội lực.
BKT tổng hợp