GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế, nguyên Giám đốc BV K cho biết, trong nhiều năm trước đây, tỉ lệ phát hiện sớm ung thư của Việt Nam chỉ ở mức 20-25%, đặc biệt với ung thư phổi, tỉ lệ phát hiện sớm dưới 10%.
Tuy nhiên những thống kê gần đây tại BV K và các cơ sở phòng chống ung thư cho thấy, tỉ lệ phát hiện sớm ung thư đã tăng lên 50%.
Dù hiện chưa có con số thống kê cụ thể tỉ lệ phát hiện sớm từng loại ung thư, song GS Thuấn đánh giá, đây là con số rất ngoạn mục.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn. Ảnh: T.Hạnh
Theo GS Thuấn, để có được những kết quả ấn tượng trên, phần lớn nhờ tăng cường truyền thông phòng chống ung thư, từ đó giúp kiến thức và ý thức của người dân về ung thư được nâng cao.
Cùng với đó, những năm qua chuyên ngành ung thư cập nhật rất nhiều tiến bộ khoa học trong chẩn đoán, điều trị phối hợp đa mô thức (xạ trị, hoá trị, phẫu trị, điều trị đích…) đã giúp nhiều trường hợp ung thư giai đoạn muộn, tiên lượng chắc chắn tử vong được cứu sống và trở về cuộc sống. Từ đó tăng niềm tin trong nhân dân.
“Ngày xưa mọi người coi mắc ung thư là án tử nhưng tại các nước phát triển, họ quan niệm ung thư chỉ như bệnh mạn tính”, GS Thuấn nói.
Với ung thư dạ dày, Thứ trưởng Y tế cho biết, 5 năm trở về trước, mỗi năm chỉ có 2-3 trường hợp được phát hiện ở giai đoạn sớm, nhưng hiện nay con số này đã tăng lên hàng trăm ca mỗi năm.
"Điều này cho thấy người dân ý thức hơn trong việc khám sức khoẻ định kỳ, đi khám kể cả khi chưa có triệu chứng", GS Thuấn nói.
Với ung thư dạ dày, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là yếu tố tiên quyết cho việc điều trị đạt hiệu quả tối đa. Nội soi dạ dày có thể phát hiện sớm tổn thương, khi đó việc điều trị rất đơn giản, bác sĩ chỉ cần cắt hớt lớp niêm mạc dạ dày, bệnh nhân không phải mổ mở, chi phí rất rẻ nhưng tỉ lệ khỏi hoàn toàn rất cao.
Theo Thứ trưởng Thuấn, tỉ lệ chữa khỏi ung thư cao hay thấp phụ thuộc vào 2 yếu tố: Thứ nhất, phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh, phát hiện càng sớm, tỉ lệ chữa khỏi càng cao; Thứ hai, phụ thuộc vào khả năng đáp ứng điều trị, phối hợp của các phương pháp điều trị.
Đơn cử như ung thư cổ tử cung, nếu phát hiện sớm thì chỉ cần khoét chóp là khỏi, điều trị đơn giản, rẻ tiền. Nếu để giai đoạn muộn, bệnh nhân vừa phải phẫu thuật vừa phải xạ trị, chi phí tốn kém, điều trị phức tạp, khả năng sống thêm của bệnh nhân cũng giảm xuống.
GS Thuấn dẫn chứng thêm, ung thư cổ tử cung phát hiện bệnh giai đoạn 2-3, tỉ lệ sống thêm sau 5 năm lên tới 60%. Tuy nhiên nếu để muộn hơn khi khối u đã di căn, tỉ lệ này sẽ giảm xuống dưới 50% và tiếp tục giảm tiếp.
"Nếu có chiến dịch sàng lọc phát hiện ung thư sớm thì thật tuyệt vời cho người dân", Thứ trưởng chia sẻ.
Tuy nhiên hiện nay việc sàng lọc ung thư chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó Bộ Y tế đang xây dựng luật Khám chữa bệnh sửa đổi, dự kiến bổ sung BHYT chi trả sàng lọc cho một số loại ung thư nhiều người mắc như phổi, gan, vú, dạ dày…
“Nếu được thông qua, việc sàng lọc sớm ung thư thời gian tới sẽ mang lại hiệu quả hơn nữa, mang lại nhiều lợi ích cho người dân", Thứ trưởng Thuấn kỳ vọng.
Tại Việt Nam, đang có hơn 300.000 sống chung với bệnh ung thư. Thống kê gần nhất, mỗi năm nước ta có thêm 165.000 ca mắc mới ung thư, trong đó 115.000 ca tử vong (chiếm 70%).
Việt Nam đang xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỉ lệ mắc mới ung thư, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Vào năm 2015, Việt Nam xếp vị trí 107 và thời điểm 2013 xếp ở vị trí 108.
Nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỉ lệ mắc của Việt Nam không cao, tuy nhiên tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân. Vào năm 2016, tỉ lệ tử vong của Việt Nam ở mức 110/100.000 dân.
Thúy Hạnh/Vietnamnet