(Ảnh minh họa)
Thầy ngừng giảng đi lại gần phía Hưng, ôn tồn hỏi:
- Hưng có ý kiến gì à. Mời em.
- Thưa thầy, nếu ai cũng làm được như thầy dạy thì lý tưởng quá ạ. Nhưng những điều đó liệu có tồn tại ở đất nước chúng ta hiện nay không? Em cho rằng, bây giờ cán bộ to thì tham nhũng to, cán bộ nhỏ thì tham nhũng nhỏ, làm gì có ai toàn tâm, toàn ý phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân như thầy nói đâu ạ.
Cả lớp ồ lên, mấy cậu con trai còn vỗ tay tán thưởng, nhưng rồi tất cả vội im bặt, chăm chú theo dõi nét mặt thầy, chắc thầy đang giận lắm, e một trận lôi đình sắp nổ ra, nhưng thầy vẫn nhẹ nhàng:
- Được rồi, trước khi bình luận ý kiến của em, cả lớp hãy trả lời câu hỏi này: Trong lớp ta ai là người xấu giơ tay.
Cả lớp nhốn nháo, ngơ ngác mất mấy giây, thầy phải nhắc lại một lần nữa mới có hai cánh tay rụt rè giơ lên, trong đó có Hưng.
- Thầy cảm ơn cả Lớp và biểu dương bạn Hưng và bạn Nam đã dũng cảm nhận mình là người xấu. Còn vì sao các bạn nhận là người xấu, để các buổi học sau chúng ta sẽ bàn tiếp. Nhưng từ kết quả vừa rồi, chúng ta có thể đi đến kết luận: Người tốt vẫn chiếm đa số, người xấu chỉ là số ít, đúng không. Nếu chúng ta tự nhận mình là người tốt rồi cho rằng người khác là xấu hết liệu có công bằng không các em?
Thầy nhớ, trong bức thư của Tổng thống Mỹ Abraham Lin Coln gửi cho thầy giáo của con mình có đoạn viết: “Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có những con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm”. Quan điểm đúng đắn này, chúng ta đã học rồi đấy nhưng chắc các bạn quên. Một trong ba quy luật của chủ nghĩa duy vật biện chứng là: Thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, đúng không? Mác cho rằng, bất cứ sự vật, hiện tượng nào của thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy cũng đều có hai mặt. Cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, cái cao thượng và cái thấp hèn…luôn song hành và đấu tranh với nhau. Xã hội nào cũng có người tốt và người xấu, trong mỗi con người cũng vậy, cái tốt và cái xấu luôn tồn tại và đấu tranh với nhau, tạo ra động lực từ bên trong thúc đẩy nhân cách của chúng ta ngày càng hoàn thiện. Vấn đề là chúng ta hướng tới mục tiêu tích cực hay tiêu cực mà thôi.
Trong xã hội và mỗi còn người đều tồn tại sự đấu tranh giữa mặt thiện và mặt ác (Ảnh minh họa)
- Thầy có thể lấy ví dụ cụ thể hơn được không ạ? Bạn Lan, Lớp phó học tập nêu ý kiến.
- Được, giả dụ em đang đi ra đường thì nhặt được một cái ví bên trong có rất nhiều tiền. Lúc đó, cái thiện và ác trong con người em liền nổi lên và đấu tranh với nhau. Cái ác bảo: Mình có ăn cắp đâu, sinh viên lúc nào mà chẳng thiếu tiền, trời cho mà, cứ giữ mà tiêu đi vậy. Nhưng cái thiện lại bảo: Nếu mình là người rơi cái ví này sẽ đau khổ lắm, công sức làm lụng bao lâu mới có số tiền này, lại còn giấy tờ nữa, nỡ lòng nào. Như vậy, cái tốt và cái xấu trong con người em cứ đấu tranh với nhau, ngắn thì vài phút, dài thì vài ngày mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu cái thiện thắng thì nhân cách của em sẽ được nâng lên một bậc, nếu cái ác chiến thắng thì nhân cách của em sẽ thụt lùi một bậc, thậm chí nhiều bậc vì đã vi phạm pháp luật.
Cuộc sống hôm nay có rất nhiều cám dỗ, nhiều cán bộ, công chức không chiến thắng được lòng tham, ích kỷ, nên đã sa vào tù tội, nhưng cũng có rất nhiều người có lương tâm, danh dự, quyết giữ cho được sự trong sạch, hết lòng vì nước, vì dân. Và chúng ta có thể tin tưởng rằng những cán bộ, công chức tốt, cống hiến phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân vẫn chiếm đa số. Nếu không, làm sao đất nước ta có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế” như ngày hôm nay.
Một Việt Nam hòa bình, ổn định và từng bước phát triển (Ảnh minh họa)
Nhưng mỗi cán bộ công chức dù đã tốt rồi, thì vẫn cần thường xuyên rèn luyện, học hỏi để ngày càng tốt hơn, chứ không được bằng lòng với hiện tại. Bản thân thầy và các em ngồi đây cũng có mặt chưa tốt và luôn phải tự tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày, có như vậy mới có thể trở thành công chức tốt được. Các em đã hiểu chưa?
- Thưa thầy, bây giờ thì chúng em đã hiểu, chúng em xin cảm ơn thầy ạ!
Lương Ngọc Vĩnh