Pháp luật Việt Nam về quyền conngười - những thành tựu đạt được
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và xây dựng chế độ xã hội mới, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới (1986), Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người, đặt con người vào “vị trí trung tâm”, “mọi mục tiêu, động lực của sự phát triển là vì con người, do con người” đã trở thành một nguyên tắc trong hoạch định chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hệ thống pháp luật về quyền con người đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.
Một là, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người.
Trong hợp tác quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đến nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất như: Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị; Công ước về quyền Kinh tế, Văn hóa, Xã hội; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về Quyền Trẻ em; Công ước về Quyền của Người khuyết tật; Công ước về ngăn ngừa và trừng phạt các tội ác A-pác-thai; Công ước về không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với tội phạm chiến tranh và tội chống nhân loại… Những công ước này đều được nội luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Hai là, Việt Nam đã thể hiện vai trò là thành viên tích cực trong các diễn đàn, hội nghị khu vực và quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền. Trong đó, phải kể đến những đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền, Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em, thông qua tuyên bố Nhân quyền ASEAN, là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016. Đặc biệt, ngày 07/6/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục 192/193 phiếu (tiếp theo nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009) bất chấp những luận điệu phủ nhận, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Ba là, hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền con người đã có những thành tựu nổi bật.
35 năm Đổi mới đã chứng kiến những thay đổi tích cực của hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền con người. Đến nay, quyền con người, quyền công dân trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng của đất nước về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đã có luật điều chỉnh và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Hiến pháp năm 2013 - được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến về bảo vệ quyền con người.
Quyền con người không chỉ được hiến định một cách đầy đủ, toàn diện trong Hiến pháp mà còn được thể chế, cụ thể và chi tiết hóa trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam. Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, từ năm 2014 đến nay trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Quốc hội đã ưu tiên, tập trung cho việc ban hành các đạo luật về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, chú trọng đến quyền của các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương.
Hơn nữa, công tác cải cách pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách đã được đẩy mạnh với hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sungkể từ khi Hiến pháp 2013 được thông qua. Việc xây dựng các đạo luật theo nguyên tắc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ; dự thảo các đạo luật quan trọng đều được công bố rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và được chỉnh lý trên cơ sở các ý kiến đóng góp. Bằng việc tham gia vào quá trình xây dựng luật pháp, nhân dân đã thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình và các văn bản pháp luật quan trọng đều thể hiện được ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân.
Với sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước, hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền con người được xây dựng ngày càng được hoàn thiện.Những thành tựu to lớn về lập pháp mà Việt Nam đã đạt được trong 35 năm đổi mới chính là yếu tố bảo đảm quan trọng về pháp lý để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền con người.
Thực hiện pháp luật về quyền con người - những kết quả không thể phủ nhận.
Đảng, Nhà nước ta xác định yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với thực hiện quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận là phải tiến hành xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Lễ công bố 15 năm thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ. Việt Nam được coi là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế. Ảnh: Internet
Để đạt được kết quả trong việc thực thi pháp luật về quyền con người, nhà nước đã triển khai nhiều chương trình kinh tế - xã hội lớn nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người của mọi người dân. Do đó, thành tựu về nhân quyền của Việt Nam đã được Liên hợp quốc thừa nhận.
Đến nay, Việt Nam là một trong 6 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015 vàViệt Nam được coi là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế. Gần đây nhất, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, khi cả thế giới quay cuồng đối phó với đại dịch Covid-19, kinh tế suy thoái thì Việt Nam vừa khống chế dịch bệnh thành công, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kể cả tại thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến rất phức tạp ở trong nước, thì Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu và phương châm xuyên suốt là “đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế" và “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Ngày nay, thế giới biết đến Việt Nam không chỉ là một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, Việt Nam còn được biết đến là quốc gia đạt được nhiều thành công trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị ở lại phía sau. Việt Nam còn được nhắc tới là một đất nước có nhiều nỗ lực và thành công trong việc đảm bảo quyền con người trên các mặt dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ quyền của nhóm người dễ bị tổn thương cùng những đóng góp tích cực và hiệu quả vào mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, giữ vững các nguyên tắc cơ bản của luật nhân quyền quốc tế - đó chính là minh chứng rõ ràng, mạnh mẽ cho việc Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về quyền con người.
Quyền con người vốn là vấn đề thuộc lĩnh vực đạo đức, pháp lý song trong bối cảnh hiện nay, quyền con người luôn bị các thế lực chính trị hóa. Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 02/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới” đã chỉ rõ: “Các thế lực phản động, thù nghịch thực chất không quan tâm tới quyền dân chủ của nhân dân ta mà chỉ lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ chống phá đất nước ta, do đó cuộc đấu tranh trên vấn đề nhân quyền là cuộc đấu tranh mang tính giai cấp sâu sắc sẽ diễn ra liên tục, lâu dài và quyết liệt”.
Nhận thực rõ bản chất vấn đề chúng ta có thể khẳng định mạnh mẽ rằng dù các thế lực phản động, thù nghịch, những kẻ cơ hội chính trịcó tìm mọi cách để phủ nhận, xuyên tạc, vu khống đến đâu thì những thành tựu về quyền con người mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đạt được trong công cuộc Đổi mới được nhiều quốc gia trên thế giới và Liên hợp quốc ghi nhận là bằng chứng không thể phủ nhận cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện và thực hiện pháp luật về quyền con người, đảm bảo quyền con người.
Đào Tùng