“Làn không khí mát lành” từ Mỹ
Lãnh đạo quốc gia nhóm 7 nước công nghiệp phát triển gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy cùng người đứng đầu 4 quốc gia khách mời là Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và Nam Phi sẽ nhóm họp Thượng đỉnh trong 3 ngày tại khu nghỉ mát Vịnh Carbis, Cornwall, miền Tây Nam nước Anh.
Diễn ra trong bối cảnh thế giới đã bước sang năm thứ hai của đại dịch Covid-19, đồng thời hàng loạt các vấn đề lớn trong quan hệ quốc tế nổi lên, từ sự cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu lẫn thách thức đổi mới các thiết chế thương mại và tài chính toàn cầu, Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này được các nước phương Tây đặc biệt coi trọng.
Ngay sau khi đặt chân đến Anh trong tối 09/07 để chuẩn bị dự Thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố “nước Mỹ đã quay trở lại” và nước Mỹ mong muốn các nền dân chủ trên thế giới tập hợp cùng Mỹ để chống lại những thách thức mà ông Biden đánh giá là “nghiêm trọng nhất của thời đại”.
Sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Joe Biden đặc biệt được mong đợi, không chỉ vì đây là lần đầu tiên ông Joe Biden công du nước ngoài sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ tháng 1/2021 mà còn vì sau hơn 4 năm các nước phương Tây bất đồng và rạn nứt quan hệ nghiêm trọng với Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump, các đồng minh châu Âu của Mỹ đang chờ đợi các cam kết và hành động cụ thể từ phía ông Joe Biden nhằm làm sống lại mối quan hệ đồng minh chiến lược liên Đại Tây Dương.
Thủ tướng nước chủ nhà – Anh, ông Boris Johnson ca ngợi sự có mặt của ông Joe Biden như một “làn không khí mát lành” sau cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai bên.
“Không quá nếu nói rằng quan hệ giữa Vương quốc Anh với Mỹ là quan hệ giữa Bắc Mỹ với châu Âu có tầm quan trọng chiến lược to lớn đối với sự thịnh vượng và an ninh của thế giới. Cuộc hội đàm giữa tôi và Tổng thống Biden đã diễn ra tuyệt vời. Chúng tôi đã thảo luận hàng loạt các chủ đề và thật tuyệt khi được lắng nghe chính quyền của ông Biden và cá nhân Tổng thống Biden vì nước Mỹ muốn cùng chúng tôi thực hiện rất nhiều việc, từ vấn đề an ninh, NATO đến biến đổi khí hậu. Điều này giống như một làn không khí mát lành”.
Chủ đề bao trùm Thượng đỉnh G7
Trong 3 ngày họp, dự kiến lãnh đạo các nước G7 và khách mời sẽ thảo luận một loạt chủ đề quan trọng, như quan hệ với Nga, Trung Quốc, chiến lược phân phối vaccine ngừa Covid-19 cho toàn thế giới, kế hoạch thiết lập hệ thống đánh thuế toàn cầu nhằm ngăn chặn các tập đoàn lớn trốn thuế và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Một số vấn đề khác cũng sẽ được bàn thảo như mâu thuẫn giữa Anh và EU gần đây liên quan đến điều khoản Brexit hay ý tưởng của nước Anh chủ nhà về việc gia tăng các trợ giúp và giáo dục cho trẻ em gái.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, hai chủ đề bao trùm của Thượng đỉnh G7 lần này sẽ là vấn đề vaccine ngừa Covid-19 và sự cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc. Hiện các nước phương Tây đang chịu sức ép lớn phải hỗ trợ các nước khác trên thế giới có được vaccine sau khi các nước này đã gom phần lớn số lượng vaccine được sản xuất, đồng thời cấm xuất khẩu.
Đối với cuộc chiến địa chính trị, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay, Mỹ cùng Anh đã vận động rất mạnh để tạo lập một liên minh dưới lá cờ “dân chủ” nhằm chống lại ảnh hưởng gia tăng của Nga và Trung Quốc. Việc các nước ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia được mời đến dự Thượng đỉnh G7 lần này cũng được xem là nhằm vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chủ đề này có thể cũng sẽ có nguy cơ tạo ra bất đồng lớn trong nội bộ G7. Trong khi Mỹ, Anh, Canada, Nhật cùng các nước khách mời như Ấn Độ và đặc biệt là Australia mang quan điểm đối đầu cứng rắn với Trung Quốc thì các nước Đức, Pháp, Italy không muốn EU bị lôi vào một cuộc chiến tranh lạnh với Nga hoặc đối đầu trực diện với Trung Quốc.
Phát biểu ngay trước khi lên đường sang Anh, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron kêu gọi NATO cần làm rõ chiến lược của mình, xác định rõ ai là kẻ thù, đồng thời cho rằng các nước không nên quá ám ảnh về Trung Quốc.
“Tôi nghĩ NATO cần phải xây dựng được một khuôn khổ hòa bình với Nga, trong đó yêu cầu và thậm chí là không chấp nhận khi xảy ra các vụ xâm phạm, tấn công mạng, đe dọa nhưng trong đó cũng cần phải chú ý đến yếu tố địa lý của châu Âu. NATO cần phải làm rõ khuôn khổ kiểm soát quân bị, mà hiện nay chưa có. NATO cần biết rõ kẻ thù là ai và ở đâu. Câu hỏi chiến lược thứ hai là chúng ta ở vị trí nào trong quan hệ với Trung Quốc. Đối với tôi, Trung Quốc không thuộc khu vực địa lý Đại Tây Dương, hoặc nếu không thì chắc bản đồ của tôi có vấn đề. Do đó tôi không coi Trung Quốc là vấn đề trung tâm”./.
Quang Dũng/VOV-Paris