Tên sách: Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản
Tác Giả: Jean-Paul Sartre
Năm Xuất Bản: 2015
Số Trang: 182
Nhà Xuất bản: NXB Tri thức
Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản (1946) (Existentialism and Humanism): Một công trình triết học ngắn của Sartre, ban đầu là bài thuyết trình trong một sự kiện văn học khá thời thượng ở Paris vào ngày 29 tháng Mười 1945 tại Salle des Centraux. Người ta thuật lại rằng công chúng cảm thấy choáng khi nghe lần đầu tiên Sartre gọi thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản – xác nhận nó là thuyết vô thần và v.v. – mặc dù những nguồn tin khác ám chỉ cơn choáng ấy chỉ là do sức nóng của khán phòng. Việc Sartre muốn gây sốc và mua vui cho công chúng giới tư sản của ông là điều dễ thấy trong công trình này, nhưng khổ nỗi nó dẫn ông tới chỗ xuyên tạc và đơn giản hóa quá mức một số quan niệm của ông. Các học giả nghiên cứu Sartre đều nhất trí cho rằng công trình này phần nào chưa cho thấy tính chất tiêu biểu của nó, và bản thân Sartre cũng cảm thấy hối tiếc sau khi cho xuất bản và thậm chí trong các tác phẩm sau này ông còn bác bỏ một số kết luận của nó. Dù có những sai lầm nhưng Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản vẫn là một trong những tác phẩm triết học được nhiều người biết đến nhất của Sartre. Với lối viết ngắn gọn, dễ hiểu, văn phong mộc mạc và mang tính khiêu khích, tác phẩm này rõ ràng là cuốn sách dẫn nhập hữu ích cho những ai không những muốn hiểu thuyết hiện sinh mà còn muuốn hiểu bản thân Sartre với tư cách là một triết gia đầy thách thức và đả phá các thánh tượng. Công trình này như một chất men kích thích người ta muốn tìm hiểu sâu và chính xác hơn về thuyết hiện sinh được trình bày trong tác phẩm Tồn tại và Hư vô (1943).
Theo triethoc.edu.vn