Hội thảo đã nhận được gần 80 tham luận của các nhà giáo, nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học đến từ các cơ quan nghiên cứu, các đơn vị đào tạo trong và ngoài nước gửi đến cũng như phát biểu tại hội thảo.
Mờ đầu hội thảo nhiều học giả nước ngoài đã chia sẻ những nghiên cứu của mình về các nhà văn Việt Nam dưới góc nhìn văn học sinh thái. Trong tham luận "Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn văn học sinh thái", PGS. Hạ Lộ, Khoa Đông Nam Á, Học viện Ngoại ngữ, ĐH Bắc Kinh và nhà nghiên cứu Dương Dương, Cục Cải cách và phát triển Huyện tự trị dân tộc Di và dân tộc Hà Nhì Ninh Nhĩ, tỉnh Vân Nam, đã có những chia sẻ rất chi tiết và thú vị về các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.
Trong nghiên cứu của mình, hai học giả cho rằng Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, xã hội truyền thống vốn là xã hội nông nghiệp. Từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, với mục tiêu hàng đầu là phát triển kinh tế, có thêm sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ tiên tiến. Vì vậy, Việt Nam cũng đã phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực do sự tàn phá đối với môi trường sinh thái.
Nhiều học giả có mặt tại hội thảo. |
Theo PGS Hạ Lộ và Dương Dương, nếu đọc kỹ các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta có thể nhận thấy rằng, truyện ngắn của chị đầy tinh thần trách nhiệm đối với xã hội. Ngoài việc quan tâm đến những nhân vật thuộc nhóm yếu thế trong đời sống xã hội Nam Bộ, sở trường trong việc miêu tả hoàn cảnh sống, số phận cá nhân, tình yêu… trong truyện ngắn của mình, chị còn đặc biệt sở trường trong việc vạch rõ sự tàn phá môi trường sống của con người và khủng hoảng sinh thái do nó đem lại, từ đó gợi lên những suy ngẫm sâu sắc cho người đọc.
PGS. TS Trần Thị Mỹ Diệu (Hiệu trưởng trường ĐH Văn Lang) phát biểu trong hội thảo. |
Cũng chung góc nhìn, nhận xét về tham luận của ThS Đặng Thị Thái Hà, ThS Lê Thị Gấm (Giảng viên trường ĐH Văn Lang) chia sẻ: “Có nhiều nghiên cứu tiếp cận tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn sinh thái. Tham luận của của tác giả Đặng Thị Thái Hà một nghiên cứu rất thú vị. Tác giả kết nối được vấn đề lý thuyết sinh thái với thực tiễn đời sống Nam Bộ và tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. Bài viết đặt vấn đề đang tồn tại trong chúng ta, mà nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là áp lực kinh tế và sự mơ hồ sinh thái. Góc tiếp cận của tác giả Thái Hà và những chi tiết xác đáng được chỉ ra trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư không khỏi khiến chúng ta xúc động khi nghĩ về những vấn đề sinh thái mà vùng đất này đang phải hứng chịu trong mấy năm gần đây: hạn hán, ngập mặn, sạt lở, sự thu hẹp đất nông nghiệp nhường chỗ cho nhà máy công nghiệp, tình trạng di dân,…”.
Ở một hướng tiếp cận khác, PGS. TS La Khắc Hòa trong tham luận của mình đã sử dụng chất liệu từ tác phẩm của 5 nhà văn Nam Bộ gồm Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy, và Nguyễn Ngọc Tư để bàn về văn học từ góc nhìn sinh thái. PGS. TS La Khắc Hòa đưa ra so sánh rằng trong khi văn chương phía Bắc mà đại biểu là Nguyễn Tuân tả thiên nhiên như những kỳ quan, cảnh quan, thì thiên nhiên trong văn chương Nam Bộ ở tác phẩm của 5 tác giả trên như môi trường cộng sinh của con người.
Với những tham luận chất lượng của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, tại hội thảo quốc tế về văn học sinh thái lần này, Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ là cơ hội để thúc đẩy phát triển của nghiên cứu văn học nói riêng và khoa học xã hội nhân văn nói chung ở Việt Nam, mà kết quả của nó là căn cứ học thuật để Viện Văn học và trường ĐH Văn Lang trở thành địa chỉ kết nối các nghiên cứu văn học mới theo hướng liên ngành và hội nhập quốc tế.
Nguồn Sinh viên Việt Nam