Với nhiều điểm tương đồng, hai nước luôn gần gũi, gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Nhìn lại lịch sử, ngày 23/6/1967, trong bức điện gửi Quốc Vương Campuchia Norodom Sihanouk, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là biểu tượng rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết đoàn kết chiến đấu. Đó là một sự kiện lịch sử quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc gìn giữ hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á”; và chỉ một ngày sau đó, ngày 24/6/1967, Việt Nam - Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Nhằm định hướng cho mối quan hệ giữa hai nước, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia đã xác định quan hệ chính trị - ngoại giao giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể cho quan hệ hai nước. Hai bên duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác thông qua việc tăng cường trao đổi các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp; ký kết nhiều văn kiện hợp tác làm cơ sở cho việc phát triển hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Campuchia Sok Chenda Sophea, kể từ khi đảm nhiệm chức vụ mới, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã có nhiều cuộc gặp, tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, nhân dịp tham dự các diễn đàn, hội nghị khu vực và quốc tế.
“Mối quan hệ tốt đẹp giữa Campuchia – Việt Nam được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đầu tiên, chúng ta thấy rằng lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến trao đổi đoàn. Trong Chính phủ nhiệm kỳ VII lần này, Thủ tướng Hun Manet và Thủ tướng Pham Minh Chính đã gặp nhau 6 lần trong 9 tháng. Trong những cuộc gặp này, lãnh đạo hai nước đã thông báo cho nhau về tình hình và quan điểm mỗi nước. Bên cạnh đó, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương cũng thường xuyên có các cuộc gặp và trao đổi với nhau".
Với nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, các lĩnh vực hợp tác khác cũng được hai bên tiếp tục thúc đẩy, đi vào thực chất hơn. Đặc biệt mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân 2 nước được thúc đẩy toàn diện. Các cơ chế hợp tác nổi bật giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam với Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với Hội Liên hiệp Phụ nữ Campuchia vì hòa bình và phát triển, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia với Hội hữu nghị Campuchia – Việt Nam,…đã đạt nhiều kết quả thiết thực, từ đó gắn kết tình hữu nghị đoàn kết giữa nhân dân 2 nước.
Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh giữa hai nước tiếp tục được thúc đẩy, ngày càng chặt chẽ và thực chất, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển ở mỗi nước.
Việt Nam và Campuchia có đường biên giới đất liền dài 1.258km. Nhằm thúc đẩy xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, hai bên đã hoàn thành phân giới cắm mốc 84% đường biên giới trên đất liền và đang nỗ lực đàm phán giải quyết 16% còn lại.
Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Việt Nam đến nay đã đầu tư hơn 200 dự án vào Campuchia với tổng vốn đăng ký 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và là một trong 5 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Campuchia. Đặc biệt, Campuchia đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài.
Hoạt động đầu tư của Việt Nam hiện có mặt tại 18/25 tỉnh, thành phố của Campuchia, tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt như: nông nghiệp, viễn thông, ngân hàng, dịch vụ tài chính, công nghiệp chế biến và chế biến thực phẩm, khai khoáng, hàng không và du lịch.
Các lĩnh vực hợp tác như: Giáo dục, đào tạo, giao thông, vận tải, văn hóa, y tế, viễn thông... cũng được hai nước quan tâm, đẩy mạnh. Hằng năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia sang học tại Việt Nam và số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Campuchia ngày càng tăng. Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn bác sĩ tình nguyện sang khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân Campuchia.
Tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, hai nước phối hợp chặt chẽ, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới, đồng thời góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước trên trường quốc tế.
Sau 57 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Campuchia và Việt Nam đã đạt đến tầm cao mới, sâu sắc và nhất quán trên mọi lĩnh vực. Mối quan hệ tốt đẹp đó đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc. Hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa vì hòa bình, ổn định, phồn vinh và phát triển của mỗi nước, cũng như ở khu vực và trên thế giới.