Sáng 10-1 diễn ra hội nghị Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ hai. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Bí thư thứ nhất Bùi Quang Huy chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, anh Bùi Quang Huy - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - đề nghị các đại biểu quan tâm, thảo luận về kết quả các bộ, ban, ngành theo lĩnh vực và các địa phương trong thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên.
Theo đó, thẳng thắn nhìn nhận những ưu điểm, hạn chế trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về thanh niên cũng như thực hiện quá trình công tác năm 2022.
Cùng với đó, đề xuất giải pháp phương hướng 2023 cho Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam ngày càng hoạt động hiệu quả, khẳng định rõ vị trí, vai trò là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên.
Đến dự và chủ trì hội nghị, tân Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định hội nghị Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ hai là cuộc họp quan trọng nhằm đánh giá lại hoạt động của ủy ban và hoạt động của thanh niên Việt Nam sau hơn hai năm chống chọi với dịch bệnh COVID-19 và những biến động trên thế giới.
Cùng với đó, đây cũng là dịp để triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 và triển khai Luật thanh niên.
Phó thủ tướng đồng tình với bốn nhiệm vụ và giải pháp trong báo cáo của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam. Đồng thời nêu đề nghị cần xác định những nhiệm vụ mang tính cụ thể, thực tiễn mà thanh niên đang trực tiếp tham gia tại các lĩnh vực, ngành nghề.
Trong đó có những nhiệm vụ mới đặt ra cho thanh niên như: nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thích ứng sau đại dịch COVID-19, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội…
"Nhiệm vụ này rất lớn, nhiệm vụ này đặt lên vai ai? Chắc chắn đặt lên vai những người còn rất trẻ, có kiến thức, có năng lực" - ông nói.
Gửi gắm đến thế hệ trẻ, tân Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng nhắc đến thanh niên Việt Nam thì phải nhìn ra thanh niên Việt Nam trên thế giới.
Ông kể đi nhiều nơi, đi với nhiều đoàn đều thấy được khát khao cống hiến của lực lượng tuổi trẻ Việt Nam.
Ông đề nghị, ngoài chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, làm sao huy động được tài năng của thanh niên, làm sao để thanh niên cống hiến.
"Đừng nghĩ thanh niên không làm được việc lớn. Đã là thanh niên thì cống hiến, sáng tạo và tài năng" - ông Trần Hồng Hà nói.
Theo phó thủ tướng, điều quan trọng nhất là quan tâm về vấn đề đãi ngộ, cơ chế chính sách, động lực để lựa chọn nhân tài.
Nhiều thành viên ủy viên Ủy ban Quốc gia về thanh niên đã trao đổi, đề xuất giải pháp cho công tác thanh niên và phương hướng hoạt động năm 2023.
Góp ý tại hội nghị, bà Ngô Thị Minh - thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - nêu đề xuất quan tâm đến việc phát huy thanh niên.
Do đó, công tác quản lý nhà nước phải gắn với bốn chữ "tin - giao - tạo - cổ". Đó là, tin thanh niên, giao nhiệm vụ, tạo điều kiện và cổ vũ cho thanh niên phát triển.
Bà cũng nêu đề xuất quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu thanh niên, phân luồng học nghề gắn với giải quyết việc làm để tạo việc làm cho thanh niên.
Cùng quan tâm đến tạo việc làm cho thanh niên, ông Tạ Văn Hạ - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nêu trăn trở làm sao phát huy được vai trò của thanh niên, "trao" cho thanh niên điều họ cần.
"Vậy thanh niên cần gì hiện nay? Đó là tạo việc làm ổn định, có thu nhập" - ông nói.
Theo đó, ông đề xuất phải tạo điều kiện phát huy vai trò thanh niên, tạo việc làm cho thanh niên, bởi nếu thất nghiệp, không có việc làm sẽ sinh ra nhiều tệ nạn.
Bên cạnh đó, ông mong muốn Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về thanh niên có cơ chế tạo điều kiện cho thanh niên cống hiến, tạo điều kiện để thanh niên phát huy sức trẻ của mình, tạo việc làm, có thu nhập chính đáng, qua đó góp phần phát triển nguồn nhân lực tương lai cho đất nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2022, thanh niên Việt Nam có hơn 20 triệu người, chiếm 20,9% dân số cả nước.
Trong đó, nam chiếm 51,2%, nữ chiếm 48,8%. Thanh niên khu vực nông thôn chiếm 60,8%, thanh niên khu vực thành thị chiếm 39,2%.
Tỉ lệ thanh niên có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở các cấp bậc đào tạo năm 2022 gồm: sơ cấp 4,6%, trung cấp 3,2%, cao đẳng 6,1%, đại học trở lên 12,4%.
Nguồn TTO