1. Thời niên thiếu của Bác Hồ.
Hồi nhỏ, Bác tên là Nguyễn Sinh Cung, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng Bác luôn nhận được nhiều sự thương yêu, đùm bọc của ông bà, bố mẹ và các anh chị. Đó là sự dạy bảo nghiêm khắc của người bố Nguyễn Sinh Sắc, là sự âu yếm, hết mực yêu thương của người mẹ Hoàng Thị Loan, là sự che chở, dỗ giành từ chị Thanh và anh cả Khiêm. Có thể nói, những năm tháng đầu đời của Bác đã được sự chăm sóc đầy tình yêu thương của ông ba, bố mẹ và anh chị trên mảnh đất quê hương nghĩa tình.
Đi nhiều nơi cùng gia đình, được học nhiều trường lớp cũng là một điểm nhấn trong tuổi thơ của Bác. Vì hoàn cảnh gia đình, nhất là ông Nguyễn Sinh Sắc với truyền thống hiếu học, đã vào kinh thành Huế để ôn luyện, thi cử để đỗ đạt khoa bảng. Cho nên, khi mới lên năm, sáu tuổi, Bác đã theo gia đình vào Thừa Thiên Huế, khi thì ở trong Kinh thành, khi thì ở làng Dương Nỗ. Đây là cơ hội để Bác bết thêm nhiều nới, gặp nhiều người, chứng kiến nhiều sự kiện của làng quê, đất nước. Cùng với đó, Bác Hồ đã tham gia nhiều lớp học, cấp học khác nhau như: Trường Tiểu học Pháp – bản xứ ở thành phố Vinh (Nghệ An), Trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba, Trường Quốc học Huế (Huế) và Trường Tiểu học Pháp – Việt Quy Nhơn. Đây là những hoạt động rất quan trọng trong thời niên thiếu, để Bác học tập kiến thức và trải nghiệm thực tiễn, chuẩn bị cho ý chí, khát vọng và hành trang ra đi tìm đường cứu nước vào độ tuổi thanh niên.
Cùng với đó, tuổi thơ của Bác không tránh khỏi cuộc sống vất vả, nghèo đói, sớm mồ côi mẹ, mất em, trong bối cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than nô lệ. Hoàn cảnh gia đình không có gì lấy làm khá giả, khi bố của Người tập trung ôn luyện thi cử nhưng không sớm đỗ đạt, mãi đến 1894 mới đỗ cử nhân, năm 1901 mới đậu phó bảng. Sống chủ yếu bằng nghề dạy học trong vùng. Bà mẹ Hoàng Thị Loan, vừa trông nuôi mấy đứa con, vừa tranh thủ dệt vải, trồng rau phụ giúp gia đình. Đặc biệt, thời kỳ ở Huế, vì đói khổ, thiếu thốn nên đã cướp đi mất người Mẹ và người em khi Người mới hơn 10 tuổi đầu. Tận mắt chứng kiến người mẹ nhắm mắt xuôi tay, đứa em đói lòng vì khát sữa, đã đi xa khi chưa đầy một tuổi, đã in hằn sâu kín trong tâm khảm của Người. Đây là nỗi đau đớn khôn nguôi, là nốt lặng đượm buồn đeo đuổi suốt tuổi thơ trong thời niên thiếu của Bác Hồ. Song, không vì vậy mà nhụt chí, buông xuông, hoàn cảnh đó càng tôi luyện cho Người một ý chí can trường, chịu đựng và vượt lên tất cả để thực hiện ước mơ, hoài bão cứu nước và cứu dân.
2. Tình cảm của Bác dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Sinh thời, Bác Hồ luôn dành vô vàn tình yêu thương cho các cháu thiếu niên nhi đồng, từ những cái ôm hôn thắm thiết, từ những lời căn dặn qua các bức thư, cho đến những phần quà phát thưởng hay để lại muôn vàn tình thân yêu cho các cháu thiếu nhi trước lúc Người đi xa. Đó là tình cảm của người ông đối với các cháu, người cha đối với các con, người anh đối với các em. Đó cũng là tình cảm của một con người có trái tim nhân hậu, nhân tình và bác ái dành tặng cả cuộc đời mình cho dân tộc và nhân loại.
Khi đất nước còn bị nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp, trẻ em cũng phải lầm than cực lòng. Nếm trải và tận mắt chứng kiến cảnh tượng đó, Bác Hồ rất đau lòng, đồng cảm và thốt lên rằng: “Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng. Học hành, giáo dục đã không. Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa. Sức còn yếu, tuổi còn thơ. Mà đã khó nhọc cũng như người già. Có khi lìa mẹ, lìa cha. Đi ăn ở với người ta bên ngoài”[1]. đất nước giành được độc lập, ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã gửi thư cho các em học sinh trong niềm hân hoan, vui mừng và tin tưởng, “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[2]. Nhân dịp tết Trung thu độc lập đầu tiên (15/8/1945), Bác đã gửi thư bày tỏ tình cảm của mình đối với thiếu nhi bằng lời lẽ rất giản dị, thắm đượm tình thương yêu: “Các em vui cười hớn hở. Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Vậy đố các em biết vì sao? Bởi vì Già Hồ rất yêu mến các em”. Hay “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”… Bức thư đã thể hiện được sự quan tâm, thương yêu hết mực của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đối với thiếu niên nhi đồng - chủ nhân tương lai của đất nước.
Nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi, (1/6/1951), dù đang bận trăm công ngàn việc, Bác cũng không quên gửi thư thăm hỏi và khuyên nhủ các cháu phải đoàn kết thương yêu lẫn nhau, đoàn kết trong nước và đoàn kết với các bạn thiếu niên, nhid đồng trên thế giới. Cũng nhân dịp này, (1/6/1969), trong bài Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Bác viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên, nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”[3].
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền Phong (5/1941 – 5/1961), Bác đã gửi đến thiếu nhi cả nước 5 lời dạy thiêng liêng: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà dũng cảm”. Đây là những yêu cầu, chuẩn mực và là mục tiêu phấn đầu của bao thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Tình cảm của Bác còn thể hiện qua hành động, gửi tặng những phần quà giản dị, thiết thực cho các cháu, đó là những cuốn vở đê học tập. Một lần đến với các cháu người dân tộc ở Cao Bằng, Bác đã “Vở này ta tặng cháu yêu ta. Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là. Mong cháu ra công mà học tập. Mai đây cháu giúp nước non nhà”. Đối với các cháu ở miền Nam, dù chưa được giải phóng, Bác vẫn không gửi thư chia sẻ và mong đợi đến ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất để “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà/ Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung/ Nhớ thương các cháu vô cùng/ Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”[4]. Trước lúc đi xa, Bác vẫn không quên để lại muôn vàn tình thân yêu cho các cháu thanh niên, nhi đồng Việt Nam và quốc tế.
3. Thiếu niên nhi đồng Việt Nam noi gương Bác Hồ kính yêu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đón các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch trong ngày Tết Trung thu năm 1961. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đáp lại tình yêu thương to lớn của Bác Hồ, các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam vẫn luôn siêng năng học tập, rèn luyện đạt nhiều thành tích, trở thành những “cháu ngoan Bác Hồ”, tin tưởng vào thế hệ tương lai của đất nước để “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Và có lẽ trên hết vẫn là tình cảm của bao thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam vẫn cứ nối dài theo năm tháng với một tình yêu vô hạn dành cho Bác Hồ kính yêu. Tình cảm đó đã đi vào mạc nguồn văn hóa thơ ca, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiêu nhi Việt Nam”.
Nhớ Bác, cứ mỗi năm vào dịp tháng 6, cả nước lại hân hoan chào đón ngày Quốc tế thiếu nhi, tháng hành động vì trẻ em và không quên lời dạy của Bác, căn dặn người lớn phải quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Người dạy, ngày Tết thiếu nhi 1/6 nhắc nhở người lớn trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn thanh niên nhớ nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng và người lớn phải là tấm gương cho trẻ em, phải “khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành người công dân có tài, có đức”. Có thể nói, tuy Bác đã đi xa nhưng những lời căn dặn, hành động, tình cảm của Bác sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí thiếu niên, nhi đồng Việt Nam./.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.240.
[2] Sđd, tập 4, tr.35.
[3] Sđd, tập 15, tr.579.
[4] Sđd, tập 14, tr.754.
Hòa Phạm