Xuất phát từ quan niệm duy vật lịch sử cho rằng, quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội là lực lượng quyết định sự phát triển lịch sử, là lực lượng và động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã xây dựng một quan niệm chính trị tiến bộ, nhân văn sâu sắc mà nền tảng của quan điểm ấy là tính nhân dân. Theo V.I.Lênin: “những lý luận trước kia đã không nói đến chính ngay hành động của quần chúng nhân dân, còn chủ nghĩa duy vật lịch sử, thì lần đầu tiên, đã giúp ta nghiên cứu một cách chính xác như khoa học tự nhiên, những điều kiện xã hội của đời sống quần chúng và những biến đổi của những điều kiện ấy”[1].
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác -Lênin, quần chúng là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, là cơ sở của sự tồn tại và phát triển của xã hội. Trong các cuộc cách mạng làm chuyển biến xã hội từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế - xã hội khác, nhân dân lao động là lực lượng tham gia đông đảo. Cách mạng là ngày hội của quần chúng, là sự nghiệp của quần chúng. V.I.Lênin đã nói, không lúc nào quần chúng nhân dân có thể tỏ ra là người tích cực sáng tạo ra những trật tự xã hội mới như trong thời kỳ cách mạng. Quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần. Quần chúng đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của khoa học, nghệ thuật, văn học, đồng thời, áp dụng những thành tựu đó vào hoạt động thực tiễn. Những sáng tạo về văn học, nghệ thuật, khoa học, y học, quân sự, kinh tế, chính trị, đạo đức… của nhân dân vừa là cội nguồn, vừa là điều kiện để thúc đẩy sự phát triển nền văn hóa tinh thần của các dân tộc trong mọi thời đại. Hoạt động của quần chúng từ trong thực tiễn là nguồn cảm hứng vô tận cho mọi sáng tạo tinh thần trong đời sống xã hội. Mặt khác, các giá trị văn hóa tinh thần chỉ có thể trường tồn khi được đông đảo quần chúng chấp nhận và truyền bá sâu rộng, trở thành giá trị phổ biến. Do vậy, mọi quan điểm chính trị phải lấy lợi ích của quần chúng làm nền tảng, là cơ sở cho sự định hướng.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập ngày 22-12-1944
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, như Nguyễn Trãi đã nói: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết”.
Xác định chủ thể của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là quần chúng nhân dân. Hoạt động của quần chúng nhân dân là động lực chủ yếu của sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định, phải biết dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân. Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và tổ chức thực hiện về bản chất mang tính nhân dân sâu sắc thể hiện ở chỗ nó bắt nguồn từ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân và do nhân dân thực hiện. Chính những sáng kiến của nhân dân, của cơ sở nảy sinh từ cuộc sống thực tiễn là cơ sở, nguồn gốc để hình thành chủ trương đổi mới của Đảng.
Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương dân “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Điều đó cho thấy, tính nhân dân được thấm nhuần trong các quan điểm, đường lối của Đảng.
Quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng luôn thể hiện tính nhân dân sâu sắc. Quân đội nhân dân Việt Nam thường được viết tắt là Quân đội Nhân dân, với nghĩa, đây là quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”, sau này Đảng Cộng sản Việt Nam mở rộng thêm: “có nguồn gốc nhân dân, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ nền độc lập thống nhất và bản sắc dân tộc”. Từ khi được thành lập đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ðảng và nhân dân giao phó, thực hiện đúng tinh thần “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Trong kháng chiến, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ tính mạng và lợi ích của nhân dân. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, các đơn vị quân đội tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh; tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng, chỉ đạo hoạt động các khu vực phòng thủ, khu kinh tế - quốc phòng; giúp đỡ nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng đời sống mới; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai...; đấu tranh chống mọi âm mưu thủ đoạn, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, giữ cho đất nước được yên bình. Trong những tháng ngày chống dịch Covid-19, hàng nghìn chiến sĩ, sĩ quan trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, chăm sóc, hỗ trợ hàng vạn người cách ly tập trung, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, đường mòn lối mở, tuyên truyền, vận động nhân dân vừa tham gia chống dịch vừa bảo vệ biên giới của Tổ quốc.
Trong quá trình đó, nhân dân Việt Nam luôn sát cánh cùng quân đội chiến đấu và chiến thắng. Trong hòa bình, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, nhân dân lại ra sức lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh. Trong thời chiến hay thời bình, nhân dân luôn là người chở che, nuôi dưỡng và xây dựng quân đội. Do vậy, mọi âm mưu, thủ đoạn muốn tách rời mối quan hệ “máu thịt” giữa quân đội và nhân dân về bản chất là đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng.
[1]V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật , Hà Nội 2006, tập 26, tr.68.
Quang Đặng