Đồng chí Tố Hữu, người chiến sĩ cách mạng, người con của quê hương Thừa Thiên Huế đã trải qua những ngày tháng ngục tù dưới chế độ thực dân, phong kiến. Cũng như hàng nghìn chiến sĩ cộng sản trung kiên khác, đồng chí Tố Hữu đã biến ngục tù đế quốc thành trường học cách mạng, nuôi dưỡng tinh thần lạc quan cách mạng, nơi rèn luyện ý chí cách mạng sắt đá, luôn nuôi ý chí và quyết tâm vượt ngục, trở lại hoạt động cách mạng khi có thời cơ
Những nhà tù đồng chí Tố Hữu từng trải qua
Từ ngày 27/4/1939, ngày đồng chí Tố Hữu bị bắt, đến ngày 14/3/1942, ngày đồng chí Tố Hữu vượt ngục, qua gần 3 năm bị đế quốc, phong kiến giam cầm, đày ải, đồng chí Tố Hữu đã trải qua các trại giam Thừa Phủ (Huế), Lao Bảo (Quảng Trị), nhà đày Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), nhà lao Quy Nhơn (Bình Định), ngục Đăk Glei (Kon Tum). Các nhà tù, nhà đày này thuộc các cấp khác nhau, nhưng đều có điểm chung là chế độ giam giữ khắc nghiệt, đặc biệt là đối với những phần tử mà chính quyền thực dân, phong kiến cho là nguy hiểm.
Trong những nhà tù, nhà đày này, khắc nghiệt nhất phải kể để nhà đày Buôn Ma Thuột, ngục Đăk Glei (Kon Tum). Đây là những nơi xa dân, nằm sâu trong vùng rừng núi, dân tộc thiểu số, địa hình hiểm trở, vắng dân, giao lưu của tù nhân với thế giới bên ngoài rất khó khăn, vượt ngục cũng vô cùng khó khăn, đồng thời kẻ địch cũng dễ dàng khủng bố tù nhân khi họ đấu tranh, đày ải tù nhân cho đến chết.
Nhóm tượng composite trưng bày ngoài trời tại Ngục Đăk Glei (Kon Tum), một trong những nơi
đồng chí Tố Hữu từng bị thực dân Pháp giam cầm, đày ải
Biến ngục tù thành trường học đấu tranh cách mạng
Tổ chức chi bộ nhà tù
Ngày 27/4/1939, mật thám Pháp ập vào nơi đồng chí đang ở trọ tại Thừa Thiên. Người thanh niên yêu nước Tố Hữu bắt đầu những ngày ác liệt trong cuộc đời cách mạng của mình. Khi đó, đồng chí mới 19 tuổi.
Trong tù, Tố Hữu gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh (Nguyễn Vịnh). Hai đồng chí bàn với nhau về việc thành lập chi bộ Đảng trong tù để bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau, đấu tranh chống chế độ nhà tù và tìm cách liên hệ với cơ sở đảng bên ngoài.
Chi bộ Đảng được thành lập. Đồng chí Tố Hữu được phân công dạy chính trị và văn hóa, giới thiệu với bạn tù một số tác phẩm quan trọng như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nguyên lý của Chủ nghĩa Lê nin… dạy tiếng Pháp cho một số bạn tù.
Sau khi thành lập, Chi bộ thực hiện công tác nâng cao giác ngộ, khí tiết cách mạng cho đảng viên, sẵn sàng đối phó với sự khủng bố của kẻ thù. Chi bộ chủ trương tuyên truyền, giác ngộ lính gác nhà lao và tù thường phạm. Một số binh lính trở thành mối liên lạc đưa tài liệu của Chi bộ ra ngoài. Sự liên hệ giữa nhà lao với tổ chức Đảng bên ngoài còn được duy trì qua một số gia đình thường xuyên vào thăm người nhà trong tù.
Chi bộ Nhà lao Thừa Phủ trở thành một trong những đầu mối chỉ đạo hoạt động cách mạng trong và ngoài nhà tù. Cũng qua đó, một số tổ chức Đảng ở các huyện Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền (Thừa Thiên), Quảng Trị và Đà Nẵng đã liên lạc được với nhau.
Luôn trong nhóm những người lãnh đạo đấu tranh tại các nhà tù
Mặc dù chuyển qua chuyển lại nhiều nhà tù, nhà đày, nhưng đồng chí Tố Hữu luôn trong nhóm đứng đầu, lãnh đạo tù nhân đấu tranh.
Chính vì thế, mặc dù bị Tòa án Nam Triều Thừa Thiên xử án hai năm tù về tội “tuyên truyền cộng sản”, đồng chí Tố Hữu đã bị thực dân, phong kiến đưa ra xét xử hai lần nữa, mỗi lần tăng thêm 6 tháng tù giam, với tội danh tham gia cầm đầu các hoạt động gây rối trong tù tại nhà lao Thừa Phủ và nhà đày Lao Bảo.
Cuối tháng 8/1940, do cùng chi bộ Đảng lãnh đạo đấu tranh trong nhà lao Thừa Phủ, địch đưa mấy đồng chí đứng đầu ra tòa, xử thêm 6 tháng tù, gồm các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Lê Thế Tiết, Tố Hữu… đày lên nhà đày Lao Bảo.
Tại nhà đày Lao Bảo, do tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh của tù nhân chống chế độ nhà tù, đồng chí Tố Hữu bị tăng án thêm 6 tháng tù và cùng 4 đồng chí khác bị đày lên nhà đày Buôn Ma Thuột.
Tổ chức học tập văn hóa, tuyên truyền cách mạng
Những ngày đầu bị giam giữ, không để thời gian trôi đi vô ích, đồng chí cùng với một số tù nhân cùng dãy xà lim ra “báo mồm”. Nhờ thông tin của mấy người lính gác, các đồng chí thông tin thời cuộc cho nhau. “Báo mồm” đôi khi chỉ là ngâm bài thơ mới làm, hay kể chuyện tiếu lâm. “Báo mồm” giúp tù nhân vui vẻ, lạc quan, quên đi những ngày tháng tù đày.
Tại nhà lao Thừa Phủ, sau khi bị kết án, đồng chí Tố Hữu không còn bị biệt giam, được chuyển sang phòng rộng hơn và nhiều tù nhân hơn. Đây là điều kiện để đồng chí tăng cường hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt chính trị. Các đồng chí thảo luận tình hình, nhiệm vụ cách mạng, đẩy mạnh các hoạt động học tập văn hóa và giải trí.
Tổ chức đấu tranh hò la, tuyệt thực
Khi thực dân Pháp bắt được đồng chí Lê Chưởng, Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (ngày 8/8/1940), đưa vào nhà lao Thừa Phủ tra tấn, khai thác, đồng chí Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Chí Thanh bàn cách cùng tù nhân hò la để chặn bàn tay đẫm máu của cai ngục. Tiếng hò la chống tra tấn, đánh đập rất lớn, làm náo động dư luận thành phố Huế. Do tù nhân kiên quyết đấu tranh, dư luận bên ngoài phản đối nên cai ngục chùn tay, ngừng tra tấn đồng chí Lê Chưởng.
Tại nhà đày Lao Bảo, nhân sự kiện đồng chí Lê Thế Tiết bị cai ngục tra tấn đến chết, Tố Hữu bàn với anh em tù nhân phải đấu tranh phản đối bằng hình thức tuyệt thực và tuyệt ẩm.
Cuộc đấu tranh tuyệt thực, tuyệt ẩm ở nhà đày Lao Bảo kéo dài đến ngày thứ 14, tin tức lan ra ngoài, về đến Huế, gây tiếng vang trong dư luận. Chính quyền thực dân, phong kiến hoảng sợ, phải chấp nhận yêu sách của tù nhân. Tù nhân được cho ăn uống tử tế, được nhận thư từ, đồ dùng từ ngoài gửi vào và ngừng đánh đập. Tuy nhiên, chính quyền thực dân tăng án tù, đưa 5 người cầm đầu phong trào đấu tranh, trong đó có đồng chí Tố Hữu đày lên nhà đày Buôn Ma Thuột.
Tổ chức đấu tranh vận động binh lính nhà tù
Trong tù, Tố Hữu và các đồng chí chú ý đến công tác binh vận. Anh em tù nhân đều thuôc bài hát kêu gọi binh lính. Lời bài hát có đoạn: “Dậy, dậy, dậy anh em binh lính. Liệu làm sao, toan tính sao đây ? Để quân cướp nước xéo dày ? Để quân bán nước đọa đày ta sao ?. Đoàn kết lại, nào nào đứng dậy. Anh em ta cứu lấy đời ta !”. Do sự tuyên truyền của đồng chí Tố Hữu và các tù nhân khác, hầu hết binh lính trong nhà lao đều có cảm tình với tù nhân. Họ giúp đỡ tù nhân bằng cách mua báo, mua những vật dụng lặt vặt, bánh, kẹo, thuốc lá cho tù nhân. Sau này, khi cách mạng tháng Tám nổ ra, nhiểu người ngả về phía cách mạng.
Nuôi dưỡng tinh thần lạc quan cách mạng, xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan của người chiến sĩ cộng sản
Phục trách công tác tuyên truyền của Tỉnh ủy Thừa Thiên, có khả năng làm thơ tốt, trong tù, đồng chí Tố Hữu đã làm rất nhiều bài thơ. Làm thơ cho quên đi cảnh sống tù đày, nhưng quan trọng hơn là khẳng định thế giới quan, nhân sinh quan của người chiến sĩ cách mạng.
Những bài thơ của Tố Hữu viết trong thời gian này khá phong phú, những bài thơ về cuộc sống, những bài thơ về cuộc đời đấu tranh của bản thân, những bài thơ về nhân dân, về đồng đội, đồng chí trong hoàn cảnh lao tù…đã cho thấy một Tố Hữu nặng lòng với nhân dân lao động, kiên quyết với chính mình, cảm phục sự hy sinh của bạn tù, đồng chí.
Khi mới bị bắt, thực dân Pháp giam đồng chí tại Nhà lao Thừa Phủ, trong một xà lim biệt lập, chật hẹp và tối tăm.Quen hoạt động sôi nổi trong phòng trào học sinh, sinh viên, những gày đầu tiên bị bắt, đồng chí cảm thấy rất bức bối, nhớ những ngày hoạt động sôi nổi bên ngoài. Đồng chí sáng tác bài thơ Tâm tư trong tù:
“Tôi chưa chết nghĩa là chưa hết hận.
Nghĩa là chưa hết nhục của muôn đời
Nghĩa là còn tranh đấu mãi không thôi”.
Đó là tuyên ngôn của Tố Hữu về cuộc sống, chiến đấu, không lùi bước trước quân thù, cho dù tạm thời bị kẻ địch bắt tù đày. Đó là ý chí kiên cường, là niềm tin sắt đá, lòng trung thành vô hạn với lý tưởng của Đảng, của cách mạng.
Ngoài bài thơ Tâm tư trong tù, trong thời gian bị giam tại nhà lao Thừa Phủ, đồng chí Tố Hữu làm khá nhiều thơ, trong đó có những bài như Nhớ đồng, Khi con tu hú… Một số bài thơ được liên lạc hoặc binh lính chuyển ra ngoài đăng báo, ký tên T.H.
Tại nhà đày Lao Bảo, cuộc đấu tranh tuyệt thực, tuyệt ẩm kéo dài, nguy hiểm tới tính mệnh, đồng chí Tố Hữu viết bài thơ Trăng trối để động viên mình và động viên những đồng chí cùng cảng ngộ, quyết tâm đấu tranh, hy sinh vì cách mạng. “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu. Dấn thân vô là phải chịu tù đày. Là gươm kề tận cổ súng kề tai. Là thân sống chỉ coi còn một nửa”.
Trong cuộc đấu tranh, kẻ thù luôn mua chuộc, dụ dỗ tù nhân. Đối với những người tuyệt thực, tuyệt ẩm, chúng đưa đến cơm, canh nóng để lung lạc ý chí người tù. Không phải ai cũng vượt qua được thử thách này. Trong hoàn cảnh đó, đồng chí Tố Hữu làm bài thơ Con cá chột nưa, thể hiện tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cách mạng. “Ăn đi vài con cá, dăm bảy cái chột nưa, có ai biết ai ngờ, thế vẫn tròn danh dự. Nhưng rồi tôi lưỡng lự, suy nghĩ rồi lắc đầu, dù không ai biết đâu, cũng không làm thế được”.
Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, tưởng nhớ các liệt sĩ Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Tố Hữu viết bài thơ Quyết hy sinh: “Các anh chị bước lên đài gươm máy, Đầu sắp rơi mà môi vẫn cười tươi…”. Nghe câu chuyện về những tấm gương người dân Nam Bộ hy sinh anh dũng trong Khởi nghĩa Nam Kỳ, Tố Hữu viết bài thơ Bà má Hậu Giang. Bài thơ có đoạn: “Má thét lớn tụi bay đồ chó. Cướp nước tao, cắt cổ dân tao. Tao già không sức cầm dao. Giết bay có các con tao trăm vùng. Con tạo gan dạ anh hùng. Như rừng đước mạnh như rừng tràm thơm…”.
Bị giam tại Quy Nhơn, Tố Hữu cảm thông với gia cảnh người bạn tù tên Lung, có con gái 8 tuổi, hằng đêm rao bán bánh quanh nhà tù Quy Nhơn chỉ với mục đích để cha nghe được tiếng con. Xúc động trước tình cảm cha con đó, Tố Hữu sáng tác bài Một tiếng rao đêm, trong đó có đọan “Trên môi mỏng hãy thơm mùi sữa mẹ, Tiếng rao nhỏ của một em gái bé. Không vang lâu chỉ vừa đủ rao mời. Mà giọng còn non quá, yếu dẫn hơi. Nên cái bánh nửa chừng ra cái “bén””. Tố Hữu thấy rằng, chỉ có làm cách mạng mới chấm dứt được cái cảnh đau lòng cha xa cách con, vợ xa cách chồng ấy.
Tháng 4-1941, đồng chí Tố Hữu được Pháp thả khỏi nhà đày Buôn Ma Thuột, nhưng sau đó lại bị giải về nhà lao Thừa Phủ, rồi đưa lên Trại tập trung ở Đăk Glei, Kon Tum. Trên đường đến Nhà lao Đăkglây, Tố Hữu viết bài thơ Tiếng hát đi đày, trong đó có đoạn “Chao ôi !xưa cũng chốn này đây, Thân bạn vùi xương mấy gốc cây, Roi vụt rát tay và bầy lính rợ, Máu đẫm, khoái mắt lũ đồn Tây…”.
Lễ khánh thành công viên văn hóa và khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu tại xã Quảng Thọ,
huyện Quảng Điền,Thừa Thiên Huế ngày 02/10/2020 (Ảnh: Phước Tuần)
Vượt ngục để trở về tiếp tục hoạt động cách mạng
Vượt ngục là phương thức đấu tranh cao nhất của tù nhân cộng sản khi bị giam cầm, đày ải. Đã có nhiều vụ vượt ngục thành công tại nhiều nhà tù, nhà đày, căng lao động trên khắp cả nước như Hỏa Lò, Sơn La, Lao Bảo, Kon Tum, Đăk Mil, Tà Lài… nhưng cũng có không ít đồng chí đã hy sinh trên đường vượt ngục hay bị kẻ thù truy bắt rồi tăng án tù, giam cầm, đày ải ác liệt hơn. Mặc dù vậy, với khát vọng tự do, trở lại hoạt động cách mạng, đồng chí Tố Hữu luôn nung nấu ý định vượt ngục khi có thời cơ.
Lên đến Đăk Glei, Kon Tum, nơi ngục tối giam cầm và giết hại bao nhiêu tù chính trị, đồng chí Tố Hữu nảy sinh ý nghĩ quyết liệt, không thể vùi thân nơi đây, phải vượt ngục trở về với cách mạng, tiếp tục hoạt động.
Đầu năm 1942, Tố Hữu lại bị đày lên Đăk Glei, Kon Tum lần thứ hai. Trên đường đi, Tố Hữu tiếp tục nung nấu ý nghĩ vượt ngục. Tố Hữu bàn với các đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, Chu Huy Mân, Nguyễn Duy Trinh về việc vượt ngục trở về hoạt động cách mạng.
Nung nấu quyết tâm, sáng 14/3/1942, đồng chí Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ thực hiện việc vượt ngục. Vượt qua hơn 20 ngày trèo đèo, lội suối, ăn đói, mặc khát, được đồng bào che chở, bảo vệ, đồng chí Tố Hữu đã về đến Quảng Nam.
Mặc dù bị giam cầm với án tù không quá nặng, nhưng đồng chí Tố Hữu không ngừng tổ chức đấu tranh trong tù, chống chế độ giam cầm, đày ải tàn bạo của chính quyền thực dân, phong kiến, đồng thời, luôn tìm cơ hội vượt ngục. Cuối cùng, với lòng can đảm, với ý chí quyết tâm, đồng chí đã vượt ngục thành công, trở lại hoạt động cách mạng trong những tháng ngày cuộc cách mạng giải phóng dân tộc bước vào giai đoạn quyết định.
Bình Nguyễn