Chấp nhận ăn thức ăn thừa
Chị Nguyễn Thị Vân (47 tuổi, tạm trú tại quận Thủ Đức) với thâm niên 20 năm làm công nhân giày da tại khu chế xuất Linh Trung. Lương cơ bản của chị khoảng 5,2 triệu đồng mỗi tháng.
Nếu tăng ca đều đều cộng thêm với tiền thưởng thì mỗi tháng chị nhận được hơn 7 triệu đồng.
Từ đầu tháng 6 đến nay, dịch Covid-19 khiến công ty không có đơn hàng và khiến khoảng 2.000 công nhân phải ngưng việc. Một số người có hợp đồng lao động trong tháng 6, tháng 7 thì bị chấm dứt hợp đồng.
Chị Vân không nằm trong số 2.000 công nhân phải nghỉ dài hạn hay thôi việc, nhưng thu nhập của chị giảm khoảng 30% so với trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Vài tháng nay, để tiết kiệm, chị Vân lấy thức ăn còn dư ở công ty về chế biến lại rồi ăn. Chị còn đem theo can nhựa 5 lít để lấy nước ở công ty uống hằng ngày.
Các lon, chai nước ngọt đã uống hết, chị cũng thu gom lại, bỏ vào túi xách mang về để dồn lại bán ve chai. Tuy bán không được bao nhiêu nhưng chị vẫn cứ làm.
"Chị nhận thấy mình may mắn khi không bị mất việc. Nhưng trong thời buổi khó khăn như hiện tại, chị còn phải nuôi 2 đứa con ăn học mà chưa biết khi nào mới ổn định lại cuộc sống nên giờ cứ tằn tiện, “được đồng nào hay đồng đó”, chị Vân tâm sự.
Hiện tại, tổng thu nhập của chị được khoảng hơn 5 triệu đồng. Sau khi trả 1,5 triệu đồng cho tiền thuê trọ, khoảng 1,5 triệu đồng tiền học cho con, chị dư lại 2 triệu đồng. Nếu lúc trước, mỗi ngày chị tiêu 100 ngàn đồng cho bữa cơm tối thì giờ đây một bữa cơm chị chỉ chi khoảng 50 ngàn đồng.
Vài tháng qua, mâm cơm nhà chị Vân chỉ có vài con cá, thịt gà, quả trứng lấy trên công ty về. Rồi chị mua thêm bó rau, quả bầu chia ăn 2 bữa. Chị còn mua thêm 20 ngàn đồng thịt nạc hoặc 1 lạng tôm về bằm nhuyễn, chia phần nấu canh ăn cho đủ chất.
Mâm cơm hôm nay có thêm rau muống muối chua. Bó rau muống mà chị được cho vài ngày trước, chị rửa sạch, luộc sơ rồi đem muối chua ăn với cơm cho đỡ ngán hoặc khi chị không kịp mua gì hay không lấy được đồ ăn trên công ty.
Bữa cơm toàn rau
Cùng làm chung công ty với chị Vân, chị Trịnh Thị Thúy (35 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức) vài tháng nay cũng chật vật vì thu nhập giảm khoảng 50% so với trước khi có dịch.
Vài tháng nay, nhà chị phải giảm bớt khoảng 60% chi tiêu, quanh đi quẩn lại cũng có bó rau luộc hoặc xào, thêm trứng chiên với nồi canh.
“Sở dĩ bữa cơm chính toàn rau là vì tôi muốn hướng đến ăn chay, sau nữa là tiết kiệm chi phí. Nhưng rau giờ cũng mắc, nên trước nấu nhiều giờ bớt lại”, chị Thúy chia sẻ.
Tổng thu nhập của vợ chồng chị Thúy trước khi có dịch cũng đủ cho 2 đứa con đi học, đủ để gia đình có bữa ăn đầy đủ cho 2 bữa sáng, tối. Cuối tuần, gia đình lại có thêm thời gian vui chơi, giải trí tại các siêu thị hay những chuyến du lịch ngắn ngày.
Thế nhưng, bây giờ mọi hoạt động giải trí, mua sắm của gia đình hầu như bị “đóng băng”. Chị cũng hạn chế luôn việc gặp mặt, tiếp xúc bạn bè để phòng những chi phí phát sinh.
“Bây giờ, mỗi tháng làm đủ công thì không đến nỗi nào. Chứ như tháng trước, tôi bị mất 8 công về phép dịch bệnh thì tài chính lại hơi eo hẹp. Bắt buộc mình phải chi li từng đồng một”, chị Thúy chia sẻ.
“Covid-19 đã làm cuộc sống tôi khác đi rất nhiều. Trước kia, nếu thấy đồ đẹp là mua liền cho 2 đứa con, giờ thì cái gì cũng tằn tiện, suy nghĩ kỹ càng rồi mới mua. Lúc trước thích là mua nước ngọt uống, rồi mua cà phê về dùng dần, mua thêm bánh, váng sữa cho con. Giờ thì chiếc tủ lạnh của nhà trống rỗng, không có gì để dành trong đó cả”, chị Thúy chia sẻ thêm.
Con gái lớn (6 tuổi) của chị Thúy đã bắt đầu nghỉ hè, chị dự tính gửi con về quê chơi với ông bà ít hôm rồi chị tìm chỗ gửi con, cho đi học hè. Còn bé nhỏ thì hơn 3 tuổi cho ở nhà với bố, cũng đỡ được 1,5 triệu đồng tiền gửi con hàng tháng.
Không may mắn như chị Vân, chị Thúy. Chị Trần Thị Bích Thu, đang trong tháng thứ 4 của thai kỳ (31 tuổi, trọ tại quận Thủ Đức) đã hơn 2 tháng nay chị nghỉ làm do công ty không có đơn hàng mới. Tuy vậy, công ty vẫn đồng ý trả tiền lương căn bản hàng tháng cho chị.
Khi được hỏi, tại sao chị lại không tìm công việc khác để tăng thêm thu nhập, chị nói: “Do tôi có con nhỏ nên không đi làm thời vụ được. Thay vì để đem tới lớp cho người ta giữ thì nay tôi ở nhà giữ con, cũng giảm bớt được một khoảng chi phí. Với lại, đi kiếm công ty khác làm cũng đâu có biết công ty này kêu mình làm lại đâu”.
Đi ra ngoài xin việc cũng không được nữa. Chừng nào công ty chính thức cắt hợp đồng mình luôn thì lúc đó mới tính đường xin việc khác được
Thanh Thanh/Dân Trí