Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - viết tắt là AI) do con người lập trình với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người.
Ngày nay, AI có thể giúp máy tính có được những trí tuệ siêu việt, sánh ngang với con người như biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi…
Tuy nhiên, việc sử dụng AI phổ biến như vậy đặt ra cho các nhà phát triển 2 tình huống khó xử về đạo đức. Đó là làm thế nào để robot hành xử phù hợp với các giá trị của con người và làm cách nào để chúng ta ngăn chặn chúng "biến chất"?
"Lương tri" máy móc có phải câu trả lời?
Trong cuốn sách có tên "Linh hồn người máy", nhà văn kiêm Tiến sĩ học thuật Eve Poole khẳng định việc đảm bảo AI có đạo đức hay không nằm ở bản chất của kẻ sáng tạo ra chúng - ở đây là con người.
TS. Poole lập luận rằng trong nỗ lực đạt được sự hoàn hảo, chúng ta đã loại bỏ luôn những gì được xem là điểm yếu của con người, bao gồm cảm xúc, ý chí đạt được sự tự do và ý thức về mục đích. Dưới thuật ngữ chuyên môn, họ gọi đây là những "mã rác".
Tuy nhiên theo TS. Poole, chính thứ bị loại bỏ này mới là tâm điểm của nhân loại.
Cô nhấn mạnh mã "rác" là yếu tố quyết định nên cảm xúc con người, xu hướng phạm sai lầm, khuynh hướng kể chuyện, khả năng đương đầu với sự không chắc chắn, ý thức tự do không lay chuyển và khả năng nhìn thấy ý nghĩa của thế giới xung quanh…
"Điều đó rất quan trọng đối với sự phát triển của loài người, bởi đằng sau tất cả những đặc tính không ổn định và hay thay đổi này, là một nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm giữ cho giống loài của chúng ta được an toàn, và để hướng về phía trước", TS. Poole cho biết.
Trên thực tế, đã có những mối lo ngại nhất định về sự thiên vị và phân biệt đối xử trong cách nghĩ của AI, đặc biệt là khi AI ngày càng phổ biến và chiếm nhiều vai trò quan trọng hơn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
TS. Poole cho rằng câu trả lời có thể nằm ngay ở những thứ mà chúng ta từng cố gắng loại bỏ khỏi máy móc ngay từ đầu. Đó có thể được gọi là "lương tâm", hay phần "linh hồn" của riêng chúng.
"Nếu chúng ta có thể giải mã và hoàn thiện tốt những mã đó, con người nên chia sẻ với máy móc, trao cho chúng một tâm hồn", TS. Poole nói.
Tuy nhiên, quan điểm này cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng máy móc vẫn luôn chỉ là máy móc, và không thể được trao quá nhiều "đặc quyền" của con người.
Mối xung đột giữa AI và con người
Năm 2017, chính phủ Ả Rập Saudi lần đầu tiên cấp quyền công dân đầy đủ cho Sophia, một trong những robot được điều khiển bằng AI giống thật nhất trên thế giới.
Quyết định trên kéo theo một loạt những tranh luận sôi nổi, bởi những quyền và nghĩa vụ công dân phải gánh chịu, bao gồm quyền bầu cử, đóng thuế, kết hôn và sinh con.
Với tình trạng hiện tại của AI, liệu đây có phải là một lá phiếu khách quan, hay phải chăng chỉ phản ánh quan điểm của người sáng tạo ra AI dù người này không thực sự trực tiếp bỏ phiếu.
Năm 2003, nhà triết học Thụy Điển Nick Bostrom từng có một thử nghiệm nổi tiếng về trí tuệ nhân tạo siêu thông minh đi sai đường. Đó là thử nghiệm có tên công cụ tối đa hóa kẹp giấy (paperclip maximizer).
Kịch bản của thử nghiệm này mô tả một cỗ máy được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo, sẽ cố gắng biến tất cả vật chất trong vũ trụ, bao gồm cả con người, thành kẹp giấy, nếu nó được cung cấp đầy đủ sức mạnh. Đó là bởi robot chỉ nhận theo mệnh lệnh ban đầu, đó là làm sao để tối ưu hóa sản xuất kẹp giấy.
Rõ ràng, các nhà nghiên cứu cần đưa ra những quyết định đúng đắn và những điều chỉnh tốt nhất đối với AI để có được kết quả phù hợp, mà không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống con người.
Nguồn VnExpress