Triển lãm “Sài Gòn: Tương giao” trưng bày hơn 20 tác phẩm của sinh viên năm cuối ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo Đại học RMIT. Đây là kết quả của dự án kéo dài ba tháng giữa Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh và RMIT về những đổi thay tại đô thị lớn nhất Việt Nam này.
Triển lãm “Sài Gòn: Tương giao” mở cửa đến hết ngày 21/3/2021 tại Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh.
Hướng tới mục tiêu chung là kết nối thành phố với người dân, các bạn sinh viên đã thể hiện ý tưởng theo những hình thức phong phú từ dự án video và nhiếp ảnh cộng đồng, đến trưng bày tác phẩm nghệ thuật công cộng, diễu hành trên xe máy, khám phá thành phố bằng xe đạp, cũng như các ý tưởng mới lạ khác.
Trước khi lên ý tưởng thực hiện dự án, giảng viên RMIT đã nhận ra rằng tiến bộ công nghệ và phương tiện truyền thông trong 20 năm qua khiến các bảo tàng trên thế giới phải tự vấn lại những mô hình truyền thống dùng trong công tác sưu tầm, bảo tồn, triển lãm và công bố.
Chính vì lẽ đó, các bảo tàng đang chuyển hướng quay về môi trường xung quanh hòng tìm kiếm phương cách kết nối lại với địa phương cũng như làm mới những mối quan hệ với cộng đồng tại đây. Các tác phẩm của sinh viên RMIT được hình thành nhằm đáp ứng với những đổi thay đang diễn ra.
Trong khuôn khổ triển lãm “Sài Gòn: Tương giao”, tác phẩm “Monsters of Saigon” (tạm dịch: Quái vật ở Sài Gòn) của sinh viên RMIT Bùi Cẩm Vy đưa ra ý tưởng tổ chức triển lãm công cộng trưng bày tò he do trẻ em nặn ra nhằm ghi nhận và chia sẻ cảm nghĩ về sang chấn tâm lý.
Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao các dự án sinh viên trong việc đưa ra những phương thức hợp tác mới mà bảo tàng có thể áp dụng để kết nối với các cộng đồng khác nhau, và từ đó cùng góp phần định hình diện mạo mới đang không ngừng đổi thay của thành phố.
“Các tác phẩm được trưng bày rất sáng tạo và mới lạ, chạm đến nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Sinh viên là người tạo ra các tác phẩm này đồng thời cũng là người thụ hưởng kết quả mang lại thông qua hoạt động kết nối của Bảo tàng”, đại diện Bảo tàng cho biết.
Triển lãm hiện tại là một phần trong quan hệ hợp tác bắt đầu từ hai năm trước giữa Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh và Đại học RMIT thông qua Studio•V – sáng kiến hỗ trợ và tiếp cận các vấn đề xã hội và môi trường tại Việt Nam của nhà trường.
Bằng cách kết nối chương trình giảng dạy của RMIT với các đối tác trong ngành, các cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ, cũng như các nhóm hoạt động cộng đồng, Studio•V khuyến khích sinh viên phát triển những dự án nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường đang tác động đến Việt Nam hiện nay.
Tác phẩm “AĂ” của các bạn sinh viên Trương Thành An, Kee Zi Sing và Trần Bích Tuyết Nhi mong muốn giúp mọi người nhận ra bản sắc tiềm ẩn của Sài Gòn thông qua một sự kiện công cộng giàu tính tương tác.
Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT Giáo sư Julia Gaimster cho biết: “Các quan hệ hợp tác mà Studio•V thiết lập được là một phần quan trọng trong cam kết xuyên suốt của nhà trường nhằm đóng góp vào những cuộc thảo luận phong phú về ngành thiết kế Việt Nam với các cơ quan tổ chức ban ngành hàng đầu tại địa phương, khu vực và toàn quốc”.
“Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh mang đến cho sinh viên của chúng tôi những cơ hội thiết kế vô cùng đặc biệt và ý nghĩa. Những dự án như vậy giúp các em sẵn sàng hơn để bước vào thế giới việc làm và có trách nhiệm hơn với xã hội. Đây là những giá trị ngày càng quan trọng mà các nhà tuyển dụng tương lai tìm kiếm”, bà nói.
Triển lãm “Sài Gòn: Tương giao” mở cửa hàng ngày từ 8:00 đến 17:00 đến hết ngày 21/03/2021 tại Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh (65 Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
“Saigon Slumber Party” – “Đêm Sài Gòn ngủ” của bạn Lê Cao Mỹ Phương là một sự kiện thời trang vào cửa tự do, nơi mọi người có thể thể hiện cá tính trong những bộ trang phục thoải mái nhất.
Dự án “Thân” của bạn Nguyễn Thái Hoàng (nửa dưới hình) khuyến khích mọi người hãy chụp ảnh để lưu lại nét văn hóa trong từng khu dân cư ở thành phố.
Tác phẩm “Saigon in a Walk” (tạm dịch: “Sài Gòn qua những bước đi”) của bạn Đinh Ngọc Minh Châu tạo cơ hội cho người tham gia khám phá thành phố từ góc nhìn của một người đi bộ.
Nguồn Sinh viên Việt Nam