Sự nguy hiểm của đại dịch COVID-19 được đánh dấu ở cột mốc số người tử vong trên toàn thế giới vượt quá 100.000 người và có thể còn tiếp tục tăng lên, đồng thời phạm vi ảnh hưởng đã lan rộng trên toàn cầu.
Khác với tất cả những đại dịch trước đây, nếu không kìm hãm quyết liệt trên quy mô toàn cầu thì khó có thể tưởng tượng được mức độ lây lan rộng rãi của dịch bệnh này. Các chính sách của Đảng, Chính Phủ và Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Phòng chống dịch COVID-19 đang thể hiện hiệu quả rõ nét khi so sánh với thế giới và đặc biệt là các quốc gia chung biên giới. Tuy nhiên, đến thời điểm này Chính phủ bắt đầu phải đặt ra bài toán cân đối giữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh và sự suy thoái về kinh tế, mất cân bằng an sinh xã hội.
Không thể chỉ tập trung dài hạn vào công tác phòng chống một dịch bệnh cụ thể mãi được, bởi nếu đặt mục tiêu là sức khỏe người dân thì những bất ổn về kinh tế, xã hội cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mỗi người, thậm chí làm tăng nguy cơ tử vong do các bệnh không lây nhiễm có sẵn hoặc mới mắc.
Với Chỉ Thị 16 truyền đạt chỉ đạo quyết liệt của Thủ Tướng Chính Phủ về việc thực hiện “Cách ly toàn xã hội”, chưa bao giờ chúng ta áp dụng một cơ chế tương tự, nhưng đây là biện pháp rất quan trọng ở giai đoạn xác định có lây nhiễm trong cộng đồng.
Truyền thông nhanh chóng, kịp thời và chính xác là một trong những thành công lớn nhất của hai giai đoạn vừa qua, có vai trò rất lớn trong việc cung cấp thông tin cho người dân, đồng thời giáo dục các kiến thức về phòng chống dịch bệnh cho mỗi người dân.
Tất cả những kiến thức cần có phải cung cấp cho người dân đều đã được truyền tải đầy đủ và liên tục, vấn đề còn lại đó là thái độ và hành động của người dân ra sao.
Trước sức nóng của các vấn đề kinh tế, xã hội, lòng mong mỏi trở lại cuộc sống bình thường, thì các biện pháp cứng rắn sẽ phải nới lỏng dần ra và điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thực tiễn. Nhưng dù ở mức độ nào thì vai trò của mỗi người dân giống như một mắt xích quan trọng, chỉ cần hỏng một mắt xích là toàn bộ chuỗi sẽ bị ảnh hưởng, đứt gẫy, từ đó dịch bệnh bùng phát trở lại.
Chính vì vậy, mỗi người dân nên tự coi mình là một pháo đài chống dịch để toàn xã hội có thể chiến thắng được đại dịch này. Nếu thực hiện tốt được điều này thì sẽ đến thời điểm Chính Phủ trao niềm tin cho mỗi người dân, nới lỏng các chính sách cứng rắn để xã hội dần trở lại nhịp sống bình thường.