Truyền thông Mỹ dậy sóng và xu hướng đòi Nhà trắng “thay ngựa giữa dòng”
Ngay sau khi nhà báo Malcolm W.Browne đăng tải những hình ảnh tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, dư luận trong cả nước Việt Nam và trên thế giới dậy sóng1. Trong lịch sử, chưa có một bức hình nào trên báo đã tạo được nhiều xúc động khắp thế giới như bức hình này2.
Trên Tờ Washington Post & New York Times (Mỹ), Malcolm W.Browne nhấn mạnh: “Những bức hình mà tôi chụp về cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã trở thành một sở hữu vật mà người ta gửi đi khắp thế giới3.
Tờ New York Herald Tribune (ngày 21/7/1963) viết: Hòa thượng Thích Quảng Đức đã biến tấm áo cà sa vàng của mình thành một giàn hỏa thiêu. Việc đàn áp Phật giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm không khác gì việc đang tự đốt hết nền tảng của chế độ ông.
Nhà sử học Seth Jacobs khẳng định: Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu đã “đốt cuộc thử nghiệm Diệm của Mỹ ra tro” và “không có lời bào chữa nào có thể gỡ gạc lại được danh tiếng của Diệm”4.
Hãng Thông tấn UPI chỉ rõ: Nhiều viên chức cấp cao ở Mỹ không tán thành chính sách của Đại sứ Nolting và tướng Harkins và không đồng ý các phúc trình lạc quan mà hai vị này gởi về. Trong 3 tháng rồi, vài nhân viên cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ đã vi hành qua Việt Nam để cứu xét một cách sâu rộng tình hình và đã phúc trình ngay về Mỹ mà không cho ông Nolting và tướng Harkins biết5. Chế độ gia đình trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm đang tự đào hố chôn mình6 và đã đến lúc chính quyền Hoa Kỳ phải từ giã ông Ngô Đình Diệm.
Chính phủ và Nhân dân Mỹ cũng phản ứng gay gắt. Ngay trong ngày 11/6/1963, Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam đã gửi điện khẩn cho Bộ Ngoại giao Mỹ, báo cáo: Nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu đã gây sốc và ảnh hưởng khôn lường đối với Mỹ và chính thể Ngô Đình Diệm trên toàn thế giới...7.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã có những biện pháp đàn áp nghiêm khắc các lãnh tụ Phật giáo Việt Nam. Hành động này là một vi phạm trực tiếp của Chính phủ Việt Nam vào lời cam kết theo đuổi một chính sách hòa giải với tín đồ Phật giáo...8.
Chính phủ Mỹ sẽ tìm đủ mọi cách để buộc chính quyền Ngô Đình Diệm phải nhanh chóng ngưng các hành động đàn áp tôn giáo9. Nếu chính quyền Ngô Đình Diệm không thực hiện và giải quyết hiệu quả xung đột, chúng ta sẽ phải xem xét lại toàn bộ mối quan hệ của chúng ta với chế độ của ông ta10.
Việc Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu làm chấn động dư luận nước Mỹ. Phong trào đấu tranh phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ dâng cao, buộc Chính phủ Mỹ phải quyết định “thay ngựa giữa dòng”.
Một cuộc đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật tại miền Nam năm 1963 (Ảnh tư liệu)
Dư luận quốc tế phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm, ủng hộ Phật giáo miền Nam
Trước sự đàn áp đẫm máu của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo ở miền Nam Việt Nam, nhất là sau sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, truyền thông thế giới bùng nổ làm cho Liên Hợp quốc không thể làm ngơ. Ngày 2/8/1963, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc U Thant yêu cầu Ngô Đình Diệm “giải quyết vấn đề trong tinh thần hòa bình, công lý và hiểu biết” và đã cử một phái đoàn đến Việt Nam điều tra và đưa ra kết luận: Trong nhiều năm qua, nhiều Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp, khủng bố, tra tấn, giết hại, tù đày...
Các hãng thông tấn thế giới kịch liệt phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm. Tờ Sunday Times (Anh, ngày 02/6/1963) đánh giá: “Việc cấm treo cờ Phật giáo là một biện pháp điên rồ đã gây ra sự công phẫn và nổi dậy của người Phật tử Việt Nam”11. Giới Phật tử London căm phẫn trước việc Phật giáo miền Nam Việt Nam bị đàn áp và kiến nghị Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Mỹ Kennedy, Thủ tướng Anh Mac Miland, Thủ tướng Liên Xô Khruso, Thủ tướng Ấn Độ Nehru và Giáo hoàng Paule VI… can thiệp để chấm dứt tình trạng này.
Báo Le Monde (Pháp, ngày 13/6/1963) công kích gay gắt Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và ca tụng lòng dũng cảm kiên cường, hy sinh thân mình của Hòa thượng Thích Quảng Đức: “Trước hành động tự sát để đấu tranh, kẻ tàn bạo nhất cũng phải chùn bước”.
Báo La Gazette de Lausanne (Thụy Sĩ) ca ngợi: Sự hy sinh vì Chính pháp của vị Tăng sĩ thiêu sống ngay tại Sài Gòn buộc người ta phải kính trọng12.
Báo Journal de Genève viết: “Người ta có thể tuyên truyền rằng đó chỉ là cuộc nổi loạn của phe đa số khắc khổ kiếm chuyện vì chính phủ chỉ là một thiểu số bó kết chặt chẽ với nhau mà bộ tịch lại vênh váo và cứng nhắc. Nhưng việc phải hy sinh vì Chánh pháp của Hòa thượng Thích Quảng Đức lại cho thấy, Phật giáo Việt Nam đang phải bảo vệ nếp sống và tư tưởng của họ”13…
Tờ Hoa Lục (Trung Quốc) đã in hình ảnh tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức với hàng chữ lớn “Một Tăng sĩ Phật giáo hy sinh thân mạng để chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ - Diệm”14.
Ngày 29/8/1963, Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố: Nhân dân Trung Quốc hết sức căm phẫn và kịch liệt lên án tội ác tày trời của tập đoàn Ngô Đình Diệm và yêu cầu “giai cấp công nhân, nhân dân cách mạng và nhân sĩ tiến bộ trên toàn thế giới đứng về phía nhân dân Việt Nam anh dũng chống sự xâm lược và áp bức của Mỹ - Diệm, làm cho nhân dân miền Nam Việt Nam khỏi bị tàn sát và giành được giải phóng triệt để15.
Báo Công Luận (Đài Loan, ngày 10/6/1963), trong bài viết “Thế kỷ đen tối tại châu Âu sống lại”, tác giả Trần Tuệ Kiếm đả kích mạnh mẽ chính quyền Ngô Đình Diệm: “Chính phủ Việt Nam có tư tưởng thù hằn hẹp hòi về tôn giáo đối với chính nhân dân của mình là những tín đồ Phật giáo đòi bình đẳng tôn giáo” và kêu gọi các nước trên thế giới ủng hộ Phật giáo Việt Nam trước cơn sóng gió “Chúng ta không thể khoanh tay nhìn. Cần viện trợ cho các bạn Phật giáo Việt Nam”16.
Tuần báo Sunday Examiner (Hồng Kông, ngày 18/7/1963) viết: “Thiên Chúa giáo lấy làm tiếc về việc đối xử tàn nhẫn với Phật giáo đồ và cho rằng sự đối xử ấy là một đau đớn của anh em”17, “Cuộc hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, hình ảnh cụ ngồi thẳng như tượng đá trong ngọn lửa rực hồng đã nhanh như một làn sóng điện làm sôi nổi dư luận trong cả nước Việt Nam và trên thế giới. Ảnh của vị Hòa thượng Việt Nam Thích Quảng Đức ngồi trong ngọn lửa được đăng trên hầu hết các báo khắp năm châu với những dòng chữ nói lên sự khâm phục”18.
Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu - sự kiện nổi bật trong phòng trào đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật tại miền Nam Việt Nam năm 1963 (Ảnh tư liệu)Phong trào đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo diễn ra mạnh mẽ. Hội Phật giáo Nalanda ở Patna (Ấn Độ) tổ chức lễ cầu siêu cho các Tăng, Ni, Phật tử bị giết ở Thừa Thiên - Huế và phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm chà đạp tự do tín ngưỡng, đàn áp, giết hại những người Phật giáo vô tội19.
“Ủy ban Đoàn kết Á - Phi của Ấn Độ nguyện đoàn kết chặt chẽ với nhân dân Nam Việt Nam đang đứng trước một sự đe dọa và đàn áp chưa từng có. Tim của chúng tôi đập cùng nhịp đập với tim của những người theo đạo Phật đang đấu tranh dũng cảm để thực hiện các yêu sách chính đáng và lên án thái độ hống hách của chính quyền Ngô Đình Diệm không để ý đến các yêu sách chính đáng và không chú ý đến dư luận thế giới”20.
Những người theo đạo Phật ở Mông Cổ gửi điện tới Ủy ban Đoàn kết nhân dân Á - Phi của Việt Nam, lên án chính sách đàn áp, khủng bố Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa: “Chúng tôi những tín đồ Phật giáo Mông Cổ lên án những hành động tội ác của Mỹ và chính quyền tay sai đối với tín đồ Phật giáo ở miền Nam Việt Nam, chống lại chính sách Mỹ - Diệm đàn áp khủng bố nhân dân”21.
Ngày 19/6/1963, Ủy ban Tôn giáo bảo vệ hòa bình và Hội Phật giáo Nhật Bản tổ chức míttinh và ra tuyên bố kịch liệt lên án chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 20/6/1963, Hòa thượng Mibu Sôgiun dẫn đầu các tín đồ Phật giáo ở Nhật Bản đến Sứ quán “Việt Nam Cộng hòa” tại Tokyo để trao bản tuyên bố.
Tiếp đó, ngày 23/6/1963, sau lễ cầu siêu cho Tăng, Ni và tín đồ Phật tử miền Nam tử vì đạo, toàn thể Tăng, tín đồ phái Tịnh độ Chân tôn đã gửi ba điện văn: 1. Điện văn gửi lãnh đạo Phật giáo miền Nam Việt Nam viết: “Sự kiện sát hại Phật giáo đồ tại Việt Nam gần đây là một việc làm đáng buồn, và cũng là một triệu chứng bất tường. Nhân danh Tổng hội Phật giáo Chân tôn Nhật Bản, chúng tôi xin gởi đến quý Ngài lòng tôn kính và ai điếu đối với việc vì đạo thiêu thân của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức. Chúng tôi xin gửi đến quý Ngài lòng nhiệt thành ủng hộ trong cuộc hộ pháp của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam trong lúc Pháp nạn này”. 2. Điện văn gửi Ngô Đình Diệm viết: “Sự kiện đàn áp sát hại Phật giáo đồ tại Việt Nam gần đây là một việc bất tường chưa có trong lịch sử. Toàn thể Tăng Ni và tín đồ của Tổng hội Chân tôn chúng tôi rất xúc động và phẫn uất khi nhận được tin này”. 3. Điện văn gửi Giáo hoàng Paule VI viết: “Việc khủng bố và sát hại Phật giáo đồ tại Việt Nam là một việc xúc phạm đến tự do tín ngưỡng, quyền căn bản của con người. Nhất là việc ấy phát sinh bởi một chính sách hà khắc tôn giáo của một chính phủ Thiên Chúa giáo”. “Chúng tôi hy vọng Ngài sẽ vì danh dự Hội Thánh Thiên Chúa tìm cách can thiệp với ông Ngô Đình Diệm, Tổng Giám mục Giáo khu Huế để việc bất công trên khỏi tái diễn”. Chính phủ Nhật Bản yêu cầu Chính phủ Việt Nam sớm tìm những biện pháp ôn hòa để giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề Phật giáo22.
Ngày 26/8/1963, ba tổ chức Tổng hội các nhà sư trụ trì các tu viện Phật giáo, Hội Liên hiệp các nhà sư và Ủy ban Trung ương tổ chức các nhà sư ở Myanmar ra tuyên bố chung phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp, bắt bớ, bắn giết tín đồ Phật giáo ở miền Nam Việt Nam. Đó không những là một sự thóa mạ đối với Phật giáo toàn thế giới mà còn là hành động phá hoại tôn giáo nói chung trên thế giới. Vì vậy, chúng ta phải tố cáo tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm cho nhân dân toàn thế giới biết23.
Ngày 27/8/1963, Chính phủ Campuchia ra thông báo đoạn giao với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa24.
Ngày 31/8/1963, 800 Phật giáo đồ Thái Lan và đại diện Hội Phật giáo các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Malaisya... tham dự Đại hội đồng Phật giáo tại Bangkok. Đại hội đã lên án gay gắt Chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo tại Việt Nam...
Phòng trào đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật tại miền Nam Việt Nam với vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các hãng truyền thông nổi tiếng trên thế giới, các tổ chức chính trị, các quốc gia và Liên Hợp quốc… Cả thế giới nổi giận. Giọt nước tràn lý, Hoa Kỳ cuối cùng “bật đèn xanh” cho nhóm tướng lĩnh Sài Gòn tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 1/11/1963.
Trọng Hùng
_____________________________________
1 Trần Văn Giàu: Miền Nam giữ vững thành đồng, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1966, tr.342-343.
2 U.S. President John F.Kennedy said that: “no news picture in history has generated so much emotion around the world as that one”.
3 Malcolm W. Browne: The New Face Of War, Revised Edition, The Bobbs-Mer-rill Company, Inc. Indianapolis-New York,1968, tr.261-262.
4 Bộ Ngoại giao: Văn bản số 1146, tập tin POL 13-5.
5 Điểm báo ngoại ngữ nói đến tình hình Việt Nam và quốc tế từ ngày 23 đến ngày 29-6-1963, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu TNTP-4238.
6 Quốc Oai: Phật giáo tranh đấu, Nxb Tân Sanh, Sài Gòn, 1963, tr.101.
7 Seth Jacobs: Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam, 1950-1963, Rowman & Littlefield Publishers, 2006, p.149.
8, 10Bộ Ngoại giao: Điện Bộ Ngoại giao đến Đại sứ quán Sài Gòn (Văn bản số 166).
9 Viv Sanders: Turning Points in the Vietnam War, published in History
11 Tuệ Giác: Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử, Nxb Hoa Nghiêm, Sài Gòn, 1964, tr.195.
12, 13 Hoành Linh Đỗ Mậu: Việt Nam máu lửa quê hương tôi, Hồi ký Chính trị, Hoa Kỳ, 1986, tr.640, 641.
14 Minh Không Vũ Văn Mẫu: Sáu Tháng Pháp nạn, 1963, bản Ronéo, 1984, tr.320.
15, 17 Trần Văn Giàu: Miền Nam giữ vững thành đồng, tập II, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1966, tr.355, 342.
16 Tuệ Giác: Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử. Nxb. Hoa Nghiêm, Sài Gòn, 1964, tr.187.
17 Quốc Oai: Phật giáo tranh đấu. Nxb. Tân Sanh, Sài Gòn, 1963, tr.98.
19 Phiếu trình Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giáo số 081/PDVN/CT/TD/9.M ngày 15/6/1963 của Phái đoàn giao dịch với Ủy hội Quốc tế, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP Hồ Chí Minh, Ký hiệu tài liệu SC04-HS.8469.
20 Tuyên bố của bà Rêm Soari Neerru, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á - Phi của Ân Độ ngày 23/6/1963.
21 Báo Nhân Dân, ngày 01/7/1963, tr.4.
22 Công văn số 47 DK/M của Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Nhật Bản gửi Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao Sài Gòn ngày 29/8/1963, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh (Bản sao).
23 Báo Nhân Dân, ngày 1/7/1963.
24 Đoàn Thêm: Hai mươi năm qua - Việc từng ngày (1945-1964), Nxb Nam Chi Tùng thư, Sài Gòn, 1966, tr.360.