Tên sách: Tư Bản Thân Hữu Trung Quốc
Tác Giả: MinXin Pei
Năm Xuất Bản: 2018
Số Trang: 390
Nhà Xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Ngay sau khi đảm nhận chức vụ: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Nước CHND Trung Hoa (tháng 11/2012), ông Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng, được coi là dữ dội nhất trong thời kỳ sau Mao Trạch Đông.
Theo Tân hoa xã, kể từ năm 2013 đến 2017 đã có hơn 1,34 triệu quan chức các cấp, ở đủ mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực... bị trừng phạt.
Nhìn nhận một cách tổng quát về nạn tham nhũng ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cho rằng: “Tham nhũng ở các địa phương và các ngành đan xen nhau; các vụ tham nhũng thông qua cấu kết ngày càng tăng; lạm dụng chức chồng chéo lạm dùng quyền; tràn lan đổi quyền lấy quyền, đổi quyền lấy tiền và đổi quyền lấy tình dục; cấu kết giữa quan chức với doanh nhân xen kẽ cấu kết giữa cấp trên và cấp dưới; cách thức chuyển lợi cho nhau được che đậy và biến hóa”.
Một số nhà khoa học - chủ yếu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội ở trong và ngoài Trung Quốc đã thực hiện các nghiên cứu về hiện trạng tham nhũng này. Trong số các nhà khoa học ấy có giáo sư khoa chính trị học tại Đại học Claremont McKenna (Califonia - Hoa Kỳ): Minxin Pei công trình nghiên cứu của ông được công bố rộng rãi bằng cuốn sách Tư bản thân hữu Trung Quốc. Cuốn sách này được Nhà xuất bản Hội Nhà văn (bản dịch Nguyễn Đình Huỳnh) ấn hành quý II năm 2018.
Giáo sư Minxin Pie dựa vào bộ dữ liệu đủ lớn gồm 260 vụ án để phân tích. Từ đó, nhận định, đánh giá và khái quát về thực chất cũng như cách thức tham nhũng ở Trung Quốc thời gian qua. Cũng từ bộ dữ liệu ấy, ông lập ra 6 bảng để nêu các đặc điểm chính của từng loại vụ án tham nhũng ở Trung Quốc. 6 bảng ấy gồm: 50 vụ án mua quan bán chức, 50 vụ án liên quan nhiều quan chức và doanh nhân, 50 vụ án cấu kết trong doanh nghiệp nhà nước, 50 vụ án cấu kết giữa quan chức thực thi pháp luật và tội phạm có tổ chức, 30 vụ án liên quan nhiều quan tòa, 30 vụ án liên quan đến nhiều quan chức ở cơ quan thực thi pháp luật (trang 288-306 sách đã dẫn). Trong quá trình nghiên cứu, ông cũng nhiều lần dẫn các phát ngôn của ông Tập Cận Bình về nội dung liên quan. Như vậy là cả cách tiếp cận và phương pháp luận nghiên cứu đều đảm bảo tính khoa học cho công trình này.“Cuốn sách này sẽ nói rõ hơn với bạn đọc cách thức mà các nhóm lợi ích, trước hết là các nhóm thân hữu đã chi phối quyền lực, thao túng quyền lực để cuối cùng lấy cắp tài sản quốc gia rồi chia chác nhau và bị trừng phạt như đã, đang và sẽ còn diễn ra ở Trung Quốc như thế nào” (Lời nhà xuất bản). “Vì thế, nó có giá trị tham khảo rất tốt... việc đọc kỹ lưỡng cuốn sách này thiết nghĩ là việc rất bổ ích” (Lời nhà xuất bản).
Cuốn sách có thể tóm lại một số điểm chính sau:
- Tham nhũng ở Trung Quốc hiện tại, cũng như ở bất cứ quốc gia nào đều bắt nguồn từ bệnh quyền lực. Tham nhũng là tệ nạn - có thể coi là tội ác mang tính phổ biến trong mọi chế độ xã hội nếu như quyền lực không được kiểm soát. Quyền lực càng tập trung càng cao. Khi không được (và không có phương cách) kiểm soát thì tham nhũng càng to, càng nghiêm trọng.
- Tham nhũng hiện đại (xin tạm gọi như thế) không còn là tham nhũng mang tính cá nhân như ngày xưa mà đã hoàn toàn mang tính cấu kết, cấu kết đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa đối tượng, đa phong cách hình thành các nhóm lợi ích - theo cách nói ở ta hiện nay, hình thành “tư bản thân hữu” theo cách nói của Minxin Pei. “Keo” kết dính của cấu kết này là lợi ích. Các cá nhân, các thành viên trong mỗi kiểu cấu kết chia nhau lợi ích lấy được, chiếm đoạt được, thậm chí là cướp bóc được từ lợi ích quốc gia - từ của cải chung của xã hội.
- Số cá nhân tham nhũng trong các kiểu cấu kết ở Trung Quốc đã là con số triệu nhưng suy cho cùng chỉ có mấy loại sau đây: Quan chức (hiểu theo nghĩa rộng) cùng với họ là vợ, chồng, con, cháu, họ hàng. Doanh nhân cùng gia đình và “bạn hữu” của họ. Và, tội phạm có tổ chức. Vây quanh và “ăn theo” ba đối tượng trên là đủ các loại “thầy dùi”, cò mồi... Cũng xin nói thêm để tránh hiểu lầm, rằng: Không phải tất cả mọi quan chức, mọi doanh nhân đều là kẻ tham nhũng. Nhưng mọi kẻ tham nhũng thì chắc chắn không nằm ngoài 3 đối tượng nói ở trên.
- Mỗi lĩnh vực có kiểu cấu kết riêng, cụ thể, nhưng cũng có thể nhận diện mấy kiểu cấu kết chủ yếu sau: Cấu kết tay trong, tay ngoài. Và cấu kết đan xen. Các cấu kết này khác nhau về kiểu cách nhưng có chung một kiểu luật: “Luật bất thành văn” có hiệu lực cực cao. Bất kể ai trong cấu kết đều không được, không thể phạm luật, vì phạm luật là chỉ có một kết cục “Chết”. Quan hệ giữa các cá nhân trong bất kỳ kiểu cấu kết nào, bằng hình thức biểu hiện nào thì thực chất cũng chỉ là quan hệ mua - bán, bán - mua. Giá cả của mọi cuộc mua - bán, bán - mua chỉ phụ thuộc vào quy luật thị trường vào quan hệ cung - cầu.
- Đã là quy luật thị trường, quan hệ cung - cầu thì chức quyền, đất đai, tài nguyên (tập trung là các mỏ khoáng sản), tài sản thuộc doanh nghiệp nhà nước, thậm chí cả chủ trương, một số chính sách, dự án, công trình từ nguồn vốn nhà nước, quyết định, chữ ký... đều được biến thành hàng hóa. Trong tất cả các cuộc mua bán này kẻ bán được hưởng lợi. Kẻ mua cũng được hưởng lợi. Chỉ có chế độ và nhà nước là bị suy yếu. Chỉ có tài sản quốc gia là bị cướp đoạt.
Trong các cuộc mua bán “hàng hóa” kể trên, giáo sư Minxin Pei đặc biệt quan tâm nghiên cứu thực trạng “mua quan bán chức: chợ đen quyền lực chính trị” (mục 3 từ trang 89-125 sách đã dẫn). Sở dĩ như vậy là do quyền lực đẻ ra tham nhũng. Mua quan bán chức mở đầu cho mọi sự vụ mua - bán khác. Muốn có chức, có quyền phải “mua”. Mua để bán. Đó là cái vòng xoáy: quyền - tiền - tiền - quyền bất định nhưng bất tận. Đã rơi vào vòng xoáy này thì bất kể ai - dù ở chức vụ nào, những điều gọi là lý tưởng, là bản lĩnh chính trị, là đạo đức cách mạng... đều trở nên vô nghĩa.
Thiết nghĩ, đấu tranh phòng chống tham nhũng muốn giành thắng lợi rất cần một bản lĩnh - một ý chí, cũng rất cần một trí tuệ để dám đấu tranh và biết đấu tranh.
Cuốn sách này, ở mức nào đó, có thể làm giàu thêm trí tuệ của tất cả chúng ta, nhất là cán bộ, là người đứng đầu trong hệ thống chính trị của tỉnh ta - rộng hơn là của cả nước ta.
Theo Lao Động Nghệ An