1. Bếp Hoàng Cầm - sáng kiến huyền thoại ra đời trong chiến dịch Hòa Bình
Ở Chiến dịch Hòa Bình (1951-1952) có một sáng tạo không thể không nhắc đến, đó là bếp Hoàng Cầm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: Nhắc đến Chiến dịch Hòa Bình sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến một sáng kiến đã mang lại sự cải thiện rất quan trọng trong đời sống của chiến sỹ ngoài mặt trận. Khói lửa từ bếp của anh nuôi đã nhiều lần làm lộ vị trí trú quân dẫn đến những tổn thất xương máu.
Công việc thổi nấu đều phải tiến hành vào ban đêm để đề phòng máy bay địch. Bộ đội trong mùa đông vẫn phải ăn cơm nguội, uống nước lạnh. Trong Chiến dịch Hòa Bình, một chiến sỹ nuôi quân ở trạm quân y của Đại đoàn 308 đã có sáng kiến đào những đường rãnh thoát khói bên sườn núi, nối liền với lò bếp bên trên rãnh đặt những cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khói từ trong lò bếp bốc lên qua các đường rãnh chỉ còn là dải hơi nước tan nhanh khi rời khỏi mặt đất. Từ đó, anh nuôi có thể thổi nấu ban ngày ngay cả khi máy bay trinh sát địch bay trên đầu. Bếp Hoàng Cầm, mang tên người sáng tạo ra nó đã phát huy hiệu quả trong tất cả các chiến dịch sau, kể cả trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Bếp Hoàng Cầm được các đơn vị bộ đội sử dụng trong các cuộc hành quân dã ngoại.
Với những ưu thế đặc biệt nên ngay sau khi ra đời trong Chiến dịch Hòa Bình, bếp Hoàng Cầm đã trở nên phổ biến trong các đơn vị. Đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và những năm kháng chiến chống Mỹ sau này. Điều này đã được CCB Đỗ Hạp, 91 tuổi hiện đang sống tại Khu đô thị Văn Quán - Hà Đông (Hà Nội) là Trưởng Ban liên lạc CCB Trung đoàn 88 (Trung đoàn Tu Vũ) trực tiếp tham gia Chiến dịch Hòa Bình mà chúng tôi có may mắn được gặp đã chia sẻ: Nếu không có bếp Hoàng Cầm thì có lẽ việc tổ chức cấp dưỡng đảm bảo sức khỏe cho bộ đội chiến đấu còn gặp rất nhiều khó khăn. Với sáng kiến này, khi đó, bộ đội chúng tôi đã được ăn cơm nóng, có nước nóng để uống trong mùa đông. Các viện quân y dã chiến có nước nóng để sát trùng dụng cụ y khoa...
Có thể nói, sáng kiến này có giá trị lớn trong thực tiễn hoạt động hành quân, chiến đấu và góp phần quan trọng giữ gìn sức khỏe cho bộ đội, bảo đảm quân số chiến đấu cao trong những chiến dịch dài ngày như Chiến dịch Hòa Bình và sau này là Chiến dịch Điện Biên Phủ và cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
2. Bếp dã ngoại không khói - sáng kiến cải tiến kỹ thuật hiệu quả trong thời bình
Bếp dã ngoại không khói có cấu tạo, gồm 3 bộ phận: Bếp nấu, hệ thống lọc khói, mái che. Bếp nấu được làm bằng vật liệu sắt, thép, gồm có 2 hố đặt nồi hình tang trống, cơ bản giống với bếp Hoàng Cầm; giá đỡ 2 hố đặt nồi là khung thép, có kích thước (1,25x0,65x0,75m) gồm các ống nối với nhau bằng vít hãm. Hệ thống lọc khói gồm: Ống dẫn khói làm bằng inox Ø42 dẫn khói từ bếp nấu vào bể làm mát, từ bể làm mát tới quạt, từ quạt tới bể lọc khói và các đường ống bằng nhựa PVC Ø34 thoát khói ra ngoài. Bể làm mát được làm bằng tôn, bên trong có đường ống inox Ø42 uốn cong chữ U, ở đáy chia ra 2 đường ống nhỏ chạy song song tiếp xúc với nước lạnh để tản nhiệt, có tác dụng dẫn và hạ nhiệt độ của khói. Quạt hút khói là động cơ điện 12V sử dụng nguồn điện của ác quy có tác dụng hút khói tạo ra sự đối lưu không khí giúp bếp cháy tốt và tạo lực nén khói vào bể lọc khói.Bể lọc khói được làm bằng tôn, có nắp đậy phía trên. Bên trong bể lọc khói có chứa 3 màng vải dày, lá cây tươi, nước lạnh có tác dụng lọc khói. Bếp sử dụng mái che của bếp Hoàng Cầm, gồm vải bạt mái che, 4 cọc chống, cọc ghim. Ngoài ra, bếp được tích hợp thêm 1 đèn bão sử dụng pin năng lượng mặt trời để chiếu sáng khi nấu ăn vào ban đêm.
Bếp dã ngoại không khói. |
Nguyên lý hoạt động: Khi đun nấu bằng củi, khói từ bếp nấu được hút vào bể làm mát bằng quạt hút khói. Tại đây, khói được dẫn qua đường ống inox tiếp xúc với nước lạnh làm giảm nhiệt độ.Sau đó khói được đẩy vào bể lọc khói, tại bể lọc khói, lá cây sẽ hấp thụ một phần CO2 và đẩy ra ngoài dạng hơi mờ.
“Bếp dã ngoại không khói” triển khai được trên mọi địa hình, dễ lắp ráp, có thể tháo rời để mang vác, thời gian đun nấu nhanh, không tạo khói, cấp nhiệt tốt, không hắt ánh lửa ra ngoài, đảm bảo yếu tố bí mật, an toàn, giá thành sản xuất bếp chỉ (2.000.000đ/bộ), kỹ thuật chế tạo đơn giản, có thể tận dụng những phế liệu, nguyên liệu sẵn có để sản xuất.
Sản phẩm được trao giải Nhì tại Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện hậu cần năm 2018 của Quân khu 2.
BKT