Tác phẩm "Người đi tìm hình của nước". Ảnh Internet
1. Năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn khi vừa 21 tuổi. Một hôm anh Ba - tên của Bác hồi ấy, cùng một người bạn đi dạo khắp thành phố Sài Gòn, rồi bỗng đột nhiên anh Ba hỏi người bạn cùng đi: “Anh Lê, anh có yêu nước không?”. Anh Lê ngạc nhiên và đáp: “Tất nhiên là có chứ!”. Anh Ba hỏi tiếp: “Anh có thể giữ bí mật không?” Người bạn đáp: “Có”. Anh Ba nói tiếp: ‘Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, Tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình, thật ra cũng có nhiều mạo hiểm, ví như đau ốm… Anh muốn đi với tôi không? Anh Lê đáp:
- “Nhưng bạn ơi! Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?”
- “Đây, tiền đây” – anh Ba vừa nói vừa giơ hai bàn tay: “Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì mà sống và để đi. Anh cùng đi với tôi chứ?”
Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của Bác, người bạn đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kĩ về cuộc đi có vẻ phiêu lưu, anh Lê không có đủ can đảm để giữ lời hứa. Ngày 03/6/1911, anh Ba bắt đầu làm việc ở tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin. Ngày 05/6/1911, tàu Đô đốc Amiran Latusơ Tơrêvin nhổ neo rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) đi Mác-xây (Pháp), mang theo người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành – với đôi bàn tay cùng hành trang là lòng yêu nước, thương dân tha thiết, ý chí và nghị lực phi thường, dám nghĩ dám làm, dấn thân ra đi khởi đầu cho cuộc hành trình vạn dặm xa xôi, quyết tâm thực hiện khát vọng tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc thực sự cho Nhân dân. Qua câu chuyện “Đôi bàn tay” để thấy được tuổi trẻ Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về tinh thần và nghị lực phi thường, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, là tấm gương trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, theo thời gian, câu chuyện mãi mãi là động lực to lớn cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay học tập và làm theo, thật hạnh phúc khi đọc, ngẫm và thấu hiểu câu chuyện để thấy được rằng:“Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta / Ta bỗng lớn ở bên Người một chút...”
Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ
2. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã nói: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội” [1]. Lời nói sâu sắc và đầy tình cảm tin yêu của Bác năm xưa mãi có giá trị bền vững theo thời gian, đó là lời nhắc nhở tuổi trẻ chúng ta cần phải hành động để trở thành “mùa Xuân” tràn đầy hy vọng cho đất nước, thế hệ trẻ hôm nay phải không ngừng phấn đấu rèn đức, luyện tài thực hiện được di nguyện và mong muốn của Bác trước lúc đi xa:“Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, hiện thực hóa ý chí khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Vai trò to lớn đó đã được minh chứng sinh động trong thực tiễn thời kỳ đổi mới và hội nhập, thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo, xung kích nên có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, trở thành là nguồn nhân lực chính và quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo thống kê, năm 2022 Việt Nam có khoảng 52 triệu người đang ở độ tuổi lao động, chiếm tới 68% dân số. Trong đó, người lao động thuộc thế hệ trẻ chiếm gần 1/3 lực lượng lao động trong nước – khoảng 65%, tỷ trọng dân số tham gia lực lượng lao động ở nhóm tuổi từ 25-29 là cao nhất. Hàng ngàn công trình thanh niên các cấp đã được thực hiện và cống hiến, tuổi trẻ Việt Nam đã và đang có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, xa xôi, hẻo lánh nhất, dấn thân quên mình trong công cuộc phòng thiên tai, dịch bệnh, ra quân bảo vệ môi trường; tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia và đạt thành tích cao ở các cuộc thi, hội thi trong nước và quốc tế; tham gia nghiên cứu khoa học, có nhiều phát minh, chế tạo được đánh giá cao…
Tuy nhiên, bên cạnh những cống hiến tích cực đó, thực tế ngày nay cho thấy một bộ phận rất lớn trong giới trẻ sống không có mục tiêu và nỗ lực, rất lười tư duy, lười lao động, ngại khó ngại khổ, thích sống ỷ lại, dựa dẫm, trông chờ vào gia đình; thiếu tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, sống thực dụng, vô cảm, buông thả, đề cao đồng tiền, đua đòi, chạy theo những thị hiếu tầm thường, thiếu ý chí, dễ dàng bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, làm biến dạng các giá trị văn hóa truyền thống. Cho nên hơn bao giờ hết, thế hệ trẻ cần thức tỉnh chính mình, đẩy mạnh giáo dục ý chí, khát vọng phát triển đất nước, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, biến những lời nói, bài viết, biến những hành động, câu chuyện của Bác Hồ thành những hành động và bài học thiết thực nhất cho bản thân. Muốn thực hiện được vai trò của mình, mỗi thanh niên cần cố gắng thực hiện tốt những điều sau:
Thứ nhất, thế hệ trẻ phải luôn luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, ra sức học hành, trao dồi, nghiên cứu, bổ sung kiến thức mỗi ngày, hãy biết học nữa - học mãi như tấm gương học tập suốt đời Nguyễn Tất Thành. Bởi chỉ có trên nền tảng giáo dục, học và hành mới làm giàu tri thức bản thân, nâng cao sự hiểu biết, nuôi dưỡng sự trưởng thành trong suy nghĩ và cống hiến cho đất nước bằng thực lực của chính mình. Học để làm người và biết: “Yêu nước, yêu lao động, dũng cảm, tự trọng; Sống có nghĩa, có tình, có hoài bão, vì sự phồn vinh của Tổ quốc” như lời Bác Hồ đã căn dặn.
Thứ hai, Thế hệ trẻ chúng ta phải thật sự có tình yêu lao động, phải siêng năng, chăm làm, dù là lao động chân tay giản đơn như công việc nhà đến công việc xã hội, công việc chuyên môn, phải thật sự thấm nhuần chân lý “Lao động là vinh quang”, không được lười biếng, trông chờ, ỷ lại, ăn bám, phụ thuộc, thụ động vào ba mẹ và người khác. Nguyễn Tất Thành từ khi còn rất nhỏ đã là tấm gương của đức cần cù, siêng năng, chịu khó, đến lúc bước chân xuống tàu rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, cũng là lúc bắt đầu những ngày tháng lao động, làm việc không mệt mỏi của Người trong gió đông, trong đêm rét, trong tuyết phủ sương mù để chiến đấu vì hoài bão lớn lao.
Thứ ba, Thế hệ trẻ sống phải có lý tưởng, niềm tin, đặt ra mục tiêu phấn đấu và hoàn thành mục tiêu cho bản thân. Đó cũng là tiền đề cho việc hoàn thành mục tiêu lớn của đất nước. Nâng cao tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc, “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hỏi rằng ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Không ngừng nâng cao ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, nung nấu trong tim ngọn lửa tuổi trẻ với khao khát cháy bỏng được góp sức mình đưa Việt Nam tiến lên ngang hàng với các cường quốc năm châu trên thế giới.
Thứ tư, Thế hệ trẻ trong thời đại mới phải phát huy tinh thần xung kích, dũng cảm, vượt khổ vượt khó, có nghị lực cố gắng, quyết tâm vượt qua thử thách, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiêm, đưa ra quan điểm, chính kiến riêng một cách đúng đắn, sáng tạo, dám đấu tranh bảo vệ quan điểm của mình và kiên quyết đi đến cùng để thực hiện hoài bão, ước mơ; không được nản lòng, lùi bước, chạy trốn trước mọi khó khăn gian khổ của cuộc đời. Chúng ta hãy ngước nhìn hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành năm xưa vững chí ra đi, không nao núng tinh thần, mạnh mẽ, dứt khoát, một mình độc bước dù“sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương”, dù “trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở” để “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”.
Thanh niên hăng hái, góp phần xây dựng quê hương, đất nước . Ảnh Internet.
Có thể thấy rằng, sức mạnh của thế hệ trẻ là sức mạnh đất nước, sự huy hoàng ngày mai của dân tộc nằm trong đôi tay, trái tim, khối óc của những chủ nhân tương lai này. Để cho thế hệ trẻ hôm là “những người thừa kế xây dựngchủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” [2], hiện thực hóa được“khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” hãy thắp bừng lên ngọn đuốc nhiệt huyết của thanh niên, học tập và noi theo hình ảnh anh Ba trong câu chuyện “Đôi bàn tay” đã vượt qua mọi phong ba bão táp của cuộc đời cách mạng, với tinh thần “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”[3]đưa con thuyền cách mạng Việt Nam chìm trong đêm tối mịt mù vươn ra khơi xa, tìm thấy ánh mặt trời chân lý của Chủ nghĩa Mác – Lênin, để ngày ra đi lịch sử đó –Người mang theo thành quả sau 30 năm trở về là giọt nước mắt hạnh phúc:
“Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai” [4]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.4, tr.194
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.15, tr.612
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, NXB. Chính trị quốc gia. H. 1996, tr. 184.
[4] Trích bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên
Ngọc Liên