"Khoán 100" tạo ra bước ngoặt trong cơ chế quản lý sản xuất nông nghiệp những năm 80 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, ít ai biết, hơn 10 năm trước đó, tại Vĩnh Phúc, đã có người "đứng mũi chịu sào" thử nghiệm cách làm ăn mới mang lại hiệu quả cao cho sản xuất, đó là Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Thực tế đã chứng minh ông là người đi tiên phong trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam và ông xứng đáng là "tượng đài" trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam
Cách đây 40 năm, ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW về khoán sản phẩm cây lúa đến nhóm và người lao động, cho phép áp dụng chế độ khoán trong nông nghiệp Việt Nam. 7 năm sau, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 05/04/1988 về thực hiện chế độ khoán trong nông nghiệp; thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông thôn. Ngày nay, chúng ta thường nhắc đến “Khoán 100”, “Khoán 10” như những mốc son đổi mới quan trọng của Đảng về cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam. 40 năm qua, từ một nước đói nghèo sau chiến tranh, lại thêm khủng hoảng bởi những hạn chế, sai lầm trong tư duy quản lý nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp, nhờ đổi mới, Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, an ninh lương thực được giữ vững… Không chỉ mang lại thành tựu trong nông nghiệp, “Khoán 100”, “Khoán 10” còn là cơ sở, là “nguồn cảm hứng” để Đảng và Nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tạo nên những thành tựu trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ… như ngày nay.
Kỷ niệm 40 năm ngày “Khoán 100” ra đời, chúng ta tưởng nhớ về người mở đường cho sự nghiệp khoán hộ trong nông nghiệp– Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, người được dân gian gọi với tên trìu mến là “ông khoán hộ”.
Kim Ngọc tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh năm 1917 tại xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 22 tuổi, ông tham gia cách mạng, 23 tuổi vào Đảng. Năm 1952, lúc mới 35 tuổi, Kim Ngọc đã trở thành Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Sau đó, ông lên chiến khu Việt Bắc, làm Khu ủy viên Khu ủy Việt Bắc, Phó Bí thư Chính ủy quân khu Việt Bắc. Đến năm 1959, ông được điều trở lại quê nhà, làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc lần thứ hai. Sau khi Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Phú (năm 1968), ông tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú cho đến năm 1978 thì nghỉ hưu. Năm 2009, ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh – tấm huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước, ghi nhận đóng góp vô cùng quan trọng của người mở đường cho sự nghiệp đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam.
Đưa những giống lúa mới vào đồng ruộng Vĩnh Phúc, mang đến những mùa vàng bội thu
(Ảnh Cổng thông tin - giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc)
Trở về bối cảnh sau năm 1954, miền Bắc bước vào giai đoạn hoàn thành cách mạng ruộng đất, triển khai cải tạo XHCN đối với nông nghiệp nhằm khôi phục và phát triển kinh tế, mà khâu then chốt là phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Ban đầu, với ý nghĩa ruộng đất là của toàn dân, của tập thể, người nông dân tập hợp trong một tổ chức (hợp tác xã), làm chung, hưởng chung thành quả lao động… nên nông dân rất phấn khởi, phong trào hợp tác hóa thu được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, đến đầu thập niên 60, nhiều vấn đề bất hợp lý bắt đầu lộ diện ngay trong chính những địa phương hợp tác hóa mạnh mẽ. Phương thức quản lý lao động ở tất cả các hợp tác xã rơi vào bế tắc khi trình độ quản lý của người quản lý (ban chủ nhiệm hợp tác xã) không đáp ứng yêu cầu. Tình trạng thiếu trách nhiệm, “cha chung không ai khóc” trong quản lý, bảo vệ tài sản, công cụ sản xuất khiến một phần đất đai bị bỏ hoang, sức kéo (trâu bò) giảm sút, công cụ (cày cuốc) chóng hư hỏng. Việc “dong công, phóng điểm” khiến thu nhập của người trực tiếp sản xuất bị ăn bớt bởi các nhà quản lý. Tình trạng “lãn công”, đi muộn, về sớm, lười biếng, ỉ lại… dần thành bệnh của những người nông dân vốn “hai sương, một nắng”.
Xuất thân từ gia đình nông dân, trải qua chỉ đạo phong trào, chứng kiến những vướng mắc, hạn chế, khuyết tật của mô hình hợp tác hóa đại trà kém hiệu quả ở địa phương, hơn ai hết, Bí thư Kim Ngọc thấy rõ trách nhiệm của bản thân và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháo gỡ cơ chế quản lý kinh tế này. Quan sát, nghiên cứu tình hình sản xuất nông nghiệp, những câu hỏi liên tiếp được đặt ra: nếu mô hình hợp tác hóa nông nghiệp là ưu điểm, tại sao sản lượng lương thực ngày càng thấp? Trong cơ cấu sản xuất, tại sao ruộng 5% của hộ gia đình thì năng suất cao hơn hẳn so với ruộng hợp tác? Nếu khoán ruộng, khoán chăn nuôi cho hộ gia đình thì có chắc chắn năng suất tăng không? V.v… Câu trả lời dần hiện rõ khi dưới sự chủ trì của Bí thư Kim Ngọc, các ý kiến của phần đông cán bộ chủ chốt các địa phương, ngành trong tỉnh được tập hợp, thảo luận và thống nhất tại Nghị quyết số 68-NQ/TU ngày 10/9/1966 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã. Trong đó xác định: kiên quyết làm bằng được, đúng và tốt chế độ ba khoán: khoán việc cho nhóm, cho lao động và cho hộ, bảo đảm sử sụng hợp lý sức lao động và tăng năng suất lao động.
Thực hiện Nghị quyết số 68, chỉ sau một hai vụ khoán, năng suất lúa của 70% hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đạt từ 5 đến7 tấn/ha, bộ mặt nông thôn có sự khởi sắc. Tiếng lành về hiệu quả “khoán” của Vĩnh Phúc đồn xa, nhiều địa phương miền Bắc đến học tập, song cũng vấp phải những băn khoăn từ nhiều phía. Đặc biệt, khi đối chiếu với chủ trương cải tạo XHCN đối với nông nghiệp của Đảng trong thời điểm hiện tại, thì “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc là “có vấn đề”. Có ý kiến cho rằng nó sẽ “phá vỡ phong trào hợp tác hóa”, là “phục hồi chủ nghĩa tư bản ở nông thôn”… Khi chưa có sự đánh giá cuối cùng về hiệu quả của mô hình khoán, chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên, Kim Ngọc cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy “sửa sai” bằng việc tự phê bình và dừng chủ trương “khoán hộ” lại. Tuy nhiên, trước tình trạng năng suất lao động áp dụng theo cơ chế cũ lại giảm sút, mong muốn tiếp tục tìm hướng đi cho đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, Bí thư Kim Ngọc và Ban Thường vụ âm thầm cho tiến hành “khoán chui”. Đã làm “chui” thì nghĩa là vi phạm kỷ luật, song, nhờ áp dụng các biện pháp khoán “ngấm ngầm”, “trá hình”, nhất là đối với cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày, mà nông nghiệp Vĩnh Phúc tiếp tục có những thành quả. Và trên thực tế, nhiều địa phương đã “lẳng lặng” tìm đến Vĩnh Phúc để tìm hiểu mô hình khoán, thời đó gọi là “học tập chui”, điển hình nhất là Hải Phòng.
Tháng 10/1977, Đảng ủy xã Đoàn Xá (An Thụy, Hải Phòng) ra “nghị quyết miệng” về khoán sản phẩm. Khi các hợp tác xã khác ngày càng sa vào thất bát vì cơ chế quản lý cũ, thì vụ mùa đầu tiên sau “khoán”, năng suất tại Đoàn Xá đạt gấp 6 lần mức bình thường. Thành ủy Hải Phòng tập trung nghiên cứu, cử cán bộ về một số huyện để xây “mẫu điển hình” về khoán. Tháng 5/1978, Huyện ủy Đồ Sơn ra Nghị quyết 05-NQ/HU, cho phép triển khai khoán sản phẩm trên 50% diện tích đất nông nghiệp toàn huyện. Thực tế trước đó, 100% hợp tác xã ở Đồ Sơn đã “lén” thực hiện khoán rồi… Năm 1981, với sự “thuyết phục” bởi thực tiễn khoán mang lại thành quả trong nông nghiệp, Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư ra đời, chính thức ghi dấu mốc đầu tiên về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp của Đảng.
Sau này nhìn lại, chúng ta đều thấy rằng, để có một sự đổi mới tư duy lý luận làm cơ sở cho đổi mới chủ trương, chính sách đối với các lĩnh vực quan trong của đời sống xã hội, những người đảng viên cộng sản phải đấu tranh không ngừng. Đó là cuộc đấu tranh với những suy nghĩ giáo điều, cứng nhắc trong nội bộ Đảng; là cuộc đấu tranh trong chính bản thân người cán bộ, đảng viên, chấp nhận rủi ro, hy sinh để có những thay đổi mang lại lợi ích cho nhân dân, dân tộc. Trong cuộc đấu tranh đó, lợi ích của nhân dân, thắng lợi của sự nghiệp cách mạng là mục tiêu cao cả nhất của người đảng viên cộng sản.
Bạch Yến