Chủ nghĩa dân túy (Populism) là một khái niệm mang tính chính trị ra đời phái sinh từ vấn đề dân chủ và được dùng để chỉ khía cạnh tiêu cực của cơ chế dân chủ; khi quyết định của đa số lại dựa trên xúc cảm hơn là duy lý, dựa trên lợi ích cục bộ và tầm nhìn ngắn hạn hơn là lợi ích toàn cục, dài hạn và tư duy chiến lược. nghĩa dân túy gắn với các thủ đoạn chính trị mang tính mị dân nhưng lại dễ đánh vào tâm lý quần chúng và trạm đến trái tim người dân và vì thế các chính khách dân túy thường tranh thủ điểm này để giành và chi phối quyền lực nhà nước và các chính sách, thông qua cơ chế bầu cử phổ thông.
Chủ nghĩa dân túy gắn với các thủ đoạn chính trị dễ đánh vào tâm lý quần chúng
Tư tưởng dân túy khi áp dụng vào quan hệ giữa các quốc gia thường thể hiện dưới hình thức tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, coi lợi ích của quốc gia - dân tộc mình như mâu thuẫn, thậm chí đối lập với phần còn lại, mà không nhìn thấy khả năng hợp tác cùng có lợi, đặc biệt trong dài hạn. Vì thế, nó có khuynh hướng thúc đẩy chủ nghĩa biệt lập, thực dụng, đơn phương, bảo hộ, dẫn tới nguy cơ căng thẳng và mâu thuẫn giữa các quốc gia trong hợp tác kinh tế, chính trị, văn hóa.
Phương châm “Nước Mỹ trước tiên” (American first) trong chính sách đối ngoại của Chính quyền Trump mà hạt nhân của nó là nhìn hợp tác quốc tế trên lăng kính lợi ích tương đối, cạnh tranh được - mất, thiệt - hơntrong một trò chơi có tổng bằng không (Zero Sum Game) là một biểu hiện mới của tư tưởng dân túy, dân tộc chủ nghĩa đương đại.
Chủ nghĩa dân tộc (nationalism) là xu hướng, tư tưởng tuyệt đối hóa giá trị dân tộc mình, đặt dân tộc mình ở vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống giá trị, đi đến chỗ khoa trương, bài ngoại, tự phụ, coi dân tộc mình cao hơn tất cả và gây thiệt hại cho dân tộc khác.
Chủ nghĩa dân tộc đã giữ vai trò ảnh hưởng chính hay là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh, điển hình nhất là cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945). Tư tưởng này hiện nay cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ, mang lại thách thức đối với hợp tác an ninh quốc gia, khu vực và quốc tế. Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở các cường quốc thường được biểu hiện ở tư tưởng chính trị cường quyền, sô vanh, vì lợi ích hẹp hòi của dân tộc mình mà áp đặt phi lý, có những đòi hỏi không chính đáng, đi ngược với các cam kết, chuẩn mực và công pháp quốc tế, làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của các quốc gia - dân tộc khác.
Chủ nghĩa dân tộc là một nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX. Ảnh: Tư liệu
Trong chính trị quốc tế hiện nay, những hiện tượng như “Giấc mộng Trung Hoa”, tham vọng độc chiếm Biển Đông v.v.. có thể được xem là những hình thức biểu hiện mới của sự trỗi dậy của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đương đại.
Từ khía cạnh hợp tác an ninh quốc tế, các trào lưu tư tưởng trên biểu hiện ở một số đặc điểm chung là: chủ trương dùng các biện pháp, chính sách mang tính cực đoan, phân biệt đối xử, thiên về vũ lực, cạnh tranh hơn là đối thoại bình đẳng, thiên về đối đầu hơn là hợp tác.
Thách thức đối với hợp tác an ninh
Trong chừng mực nhất định, có thể thấy rằng chủ nghĩa dân tộc, dân túy không chỉ tiềm tàng nhiều nguy cơ của bạo loạn, bất ổn chính trị xã hội ở nhiều quốc gia mà còn là một thách thức đối với hợp tác an ninh quốc tế.
An ninh ngày nay đã được tiếp cận rất mở, đa diện, đa chiều, nhất là “an ninh phi truyền thống”. Các vấn đề an ninh phi truyền thống chủ yếu tập trung ở 9 nhóm, gồm: về tài chính, năng lượng, nguồn nước, lương thực, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chiến tranh mạng, tội phạm và khủng bố xuyên quốc gia. Danh sách này hiện đang tiếp tục được nhận diện và bổ sung và ở mỗi nước cũng có sự khác nhau, mỗi giai đoạn khác nhau cũng có những khác biệt nhất định. Sự trỗi dây của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đem đến những nguy cơ trực tiếp đối với các nhóm an ninh mới này, nhất là nhóm an ninh kinh tế.
Việc Mỹ rút khỏi TPP, thỏa thuận khí hậu Paris, WHO; Anh thỏa thuận lại các hiệp định thương mại với châu Âu do Brexit; hay Trung Quốc tìm cách kiểm soát dòng Mê Kong, Biển Đông và những mặt trái của triển khai “Nhất đới Nhất Lộ”, v.v. đều là vì lợi ích dân tộc nhưng lại tổn hại đến hợp tác quốc tế trong việc đối phó với những nguy cơ an ninh, nhất là những vấn đề an ninh phi truyền thống.
Việc Mỹ rút khỏi TPP là vì lợi ích dân tộc tác động sâu sắc đến hợp tác quốc tế
Ngày nay toàn cầu hoá đang là một xu thế chung không thể đảo ngược. Nó đang tác động mẽ đến mọi đối tượng, đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nó đang trở thành cơn lốc cuốn hút hầu hết các quốc gia, khu vực trên thế giới, chi phối những biến đổi của thế giới hiện nay và sắp tới. Toàn cầu hoá kéo theo quá trình thâm nhập và chi phối lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới cũng ngày càng khăng khít. Thế nhưng, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa dường như đang đi ngược lại quá trình này. Và như thế, khi toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế bị đảo chiều, dù là tạm thời, thì thế giới sẽ bị phân mảnh nhiều hơn, việc điều phối các chính sách hợp tác quốc tế sẽ khó khăn hơn, các va chạm và mâu thuẫn lợi ích giữa các quốc gia cũng sẽ nhiều hơn. Điều này dẫn tới các nguy cơ an ninh và là những thách thức đối với hợp tác an ninh quốc tế.
Trong lĩnh vực an ninh văn hóa - tư tưởng, chủ nghĩa dân tộc tiềm tàng những nguy cơ ngăn chặn, cản trở và làm xói mòn giao lưu và tiếp biến văn hóa - tư tưởng, nó thổi phồng và ưu việt hóa văn hóa riêng của tộc người mình.
Văn hóa thường được ví như bộ mã di truyền, xác định căn tính, bản sắc của dân tộc, là yếu tố bền vững, dài hạn thẩm thấu mọi lĩnh vực hoạt động xã hội. Vì là nền tảng tinh thần, nên văn hóa ảnh hưởng đến cả tư tưởng chính trị và cụ thể hơn là ảnh hưởng đến sự phù hợp, sức sống của các chế độ chính trị trong lịch sử các dân tộc. Vì vậy, vấn đề an ninh văn hóa cũng thường liên quan gần gũi với an ninh chính trị tư tưởng, dù tính chất và mức độ đe dọa trực tiếp có các khác biệt lớn. Theo đó, chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy sẽ có thể làm lệch lạc giá trị và nguy cơ xảy ra xung đột chính trị và văn hóa, mà nghiêm trọng nhất có thể dẫn tới nguy cơ chiến tranh.
Quang Lê