Tên sách: Tư tưởng "ngũ thường" của Nho giáo - Lịch sử và sự tác động ở Việt Nam
Tác Giả: Lê Văn Phục
Năm Xuất Bản: 2018
Số Trang: 331
Nhà Xuất bản: Chính trị quốc gia Sự thật
Nho giáo với tính chất của một học thuyết chính trị - đạo đức - xã hội, có lịch sử hình thành và phát triển hơn 2000 năm trên một địa bàn rộng. Khởi nguồn từ đất nước Trung Hoa cổ đại, Nho giáo đã lan tỏa trong văn hóa các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam.
Trong quá trình phát triển, Nho giáo mang theo nhiều đặc điểm dân tộc, thời đại và thực tế kinh tế - xã hội của các nước. Tùy từng thời kỳ và từng nước có những điều kiện thực tế khác nhau nên nội dung Nho giáo ít nhiều có sự thay đổi để phù hợp với mỗi nền văn hóa. Tuy vậy, nền tảng cơ bản của Nho giáo vẫn là sự tu tỉnh, tự tiết độ và giữ gìn liêm sỉ.
Một trong những nội dung tư tưởng cốt lõi của Nho giáo là tư tưởng "ngũ thường", đưa ra chuẩn mực đạo đức quy phạm hành vi ứng xử của con người, phản ánh hai mặt của cuộc sống hiện thực là quan hệ gia đình và quan hệ xã hội.
Tiếp thu các tri thức bên ngoài để làm giàu vốn tri thức văn hóa của dân tộc là một sự thực khách quan qua các triều đại của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, con người vận dụng quy tắc ứng xử trong các mối quan hệ gia đình và xã hội trên cơ sở chọn lọc, kế thừa mặt tích cực, đồng thời khắc phục và xóa bỏ dần những ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng đạo đức Nho giáo nhằm làm phong phú hơn đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam, đặc biệt là góp phần thúc đẩy xã hội phát triển trong điều kiện mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế của đất nước cũng như thực tiễn khách quan.
Cuốn sách Tư tưởng "ngũ thường" của Nho giáo - Lịch sử và sự tác động ở Việt Nam trình bày khái quát sự ra đời, hình thành và phát triển của Nho giáo Trung Quốc, phân tích nội dung và giá trị của tư tưởng ngũ thường, làm rõ tư tưởng ngũ thường gắn với việc giáo dục đạo đức con người trong xã hội Việt Nam chính là một nguồn tài liệu giá trị đối với những nhà nghiên cứu, bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.
Theo nxbctqg