50 năm trước vào ngày 4/5/1970, sinh viên trường Đại học Kent State đã biểu tình phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. (Nguồn: Getty Images)
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, vào ngày tưởng niệm 50 năm nổ ra cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại trường Đại học Kent State, thành phố Kent, bang Ohio, những bức ảnh về cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam của các cựu sinh viên trường đại học này lại được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, trong đó có bức ảnh gây xúc động mạnh của John Filo, một sinh viên nhiếp ảnh của trường thời đó đã ghi lại được.
Bức ảnh sau này giành được giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer đã lột tả được hết khoảnh khắc của sự kiện khi ghi lại hình ảnh của cô bé Mary Ann Vecchio quỳ xuống và òa khóc bên thi thể của sinh viên Jeffrey Miller, một trong những sinh viên đã ngã xuống ngày hôm đó.
50 năm trước vào ngày 4/5/1970, trước làn sóng biểu tình của các sinh viên trường Đại học Kent State nhằm phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam, Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Ohio đã nổ súng vào đám đông khiến 4 sinh viên thiệt mạng và 9 người khác bị thương.
Sự kiện này cùng bức ảnh của John Filo đã gây xôn xao dư luận, lên án sự bất đồng quan điểm về chiến tranh, sau khi được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đã có ảnh hưởng mạnh mẽ và càng làm thổi bùng ngọn lửa phản chiến trong giới sinh viên Mỹ với các cuộc biểu tình diễn ra quy mô toàn quốc với sự tham gia của hàng triệu sinh viên, khiến hàng trăm trường đại học và cao đẳng phải đóng cửa nhằm yêu cầu chính chính quyền Mỹ nhanh chóng kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Ông H. R. Haldeman, một trợ lý hàng đầu của cựu Tổng thống Richard Nixon, cho rằng sự kiện này có tác động trực tiếp tới tình hình chính trị Mỹ.
Theo ông Haldeman, ngoài những tác động trực tiếp, sự kiện ngày 4/5 tại trường Đại học Kent State chắc chắn sẽ trở thành biểu tượng cho thấy sự chia rẽ chính trị và xã hội sâu sắc đã dẫn đến sự phân cực mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Nước Mỹ ngay từ những năm 1960 và đầu 1970 đã xảy ra một cuộc chia rẽ về tư tưởng giữa hai bên về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Một bên là những người dân yêu chuộng hòa bình, ủng hộ chấm dứt cuộc chiến và một bên là chính quyền Mỹ.
Chính vì vậy, trong thời gian này phong trào biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam đã diễn ra rầm rộ tại Mỹ và năm 1970 được coi là đỉnh điểm của phong trào này với các cuộc biểu tình rộng khắp nước Mỹ, thu hút hàng triệu người dân không phân biệt màu da, tuổi tác và giới tính.
Họ yêu cầu chính quyền Mỹ nhanh chóng rút toàn bộ binh lính về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa tại miền Nam Việt Nam.
Đây cũng chính là một trong những yếu tố góp phần đưa cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam cách đây 45 năm đi đến kết thúc.
Trong gần 3 thập kỷ qua, không biết có bao nhiêu cuốn sách, tài liệu đã được xuất bản nhằm phân tích về sự kiện cũng như tác động của nó.
Một số cuốn sách được xuất bản ngay sau khi sự kiện xảy ra, trong khi nhiều cuốn khác được bổ sung và xuất bản trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, dường như không một cuốn sách nào có thể phản ánh hết được những ảnh hưởng, cũng như ý nghĩa của sự kiện đó mang lại.
Bức ảnh ghi lại hình ảnh Mary Ann Vecchio quỳ xuống và òa khóc bên thi thể của sinh viên Jeffrey Miller, một trong những sinh viên đã ngã xuống ngày hôm đó. (Nguồn: CNN)
Với sinh viên của trường Kent State, sự kiện của 50 năm về trước dường như vẫn hiện hữu và là một phần trong cuộc sống của họ. Họ cảm thấy có sợi dây kết nối với thế hệ sinh viên của trường ngày đó cũng như học được những bài học về sự bất đồng.
Với họ, sự kiện ngày 4/5 tượng trưng cho những điều mà giới trẻ có thể làm để tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa.
Sự hy sinh của những sinh viên biểu tình ngày đó đã đánh thức nước Mỹ về thực tế của chiến tranh và giúp chấm dứt chiến tranh.
Malania Birney, một sinh viên của trường cho biết: “Tôi cảm thấy có sự kết nối với các sinh viên ngày đó và tôi thực sự tự hào khi theo học tại ngôi trường từng có những sinh viên có đủ can đảm để lãnh đạo một cuộc biểu tình lớn nhất vào thời kỳ đó và điều này tạo nền tảng cho các hoạt động của giới trẻ ngày nay.”
Còn theo sinh viên Ethan Lower, cuộc biểu tình ngày 4/5 đã châm ngòi cho phong trào biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam và cho thấy những người trẻ tuổi có thể tạo ra sự khác biệt trên thế giới khi khẳng định: “Những người trẻ có thể làm điều đó. Tuổi của bạn không phải là một yếu tố quyết định bạn có thể thay đổi được bao nhiêu."
Dù 50 năm đã qua đi, nhưng ý nghĩa của sự kiện vẫn còn nguyên vẹn.
Năm nay, trường Đại học Kent State đã lên kế hoạch tổ chức một loạt sự kiện trong khuôn viên của trường nhằm tưởng niệm 50 năm diễn ra cuộc biểu tình nói trên.
Tuy nhiên, các sự kiện này đã không diễn ra theo dự kiến mà thay vào đó là được tổ chức theo hình thức trực tuyến do các quy định về giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19./.
Đặng Huyền (TTXVN/Vietnam+)
Nguồn TTXVN