Quân đội Việt Nam Cộng hòa, đội quân được xếp hạng đứng thứ 5 trên thế giới vào năm 1975, tan rã và sụp đổ chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng. Lý do sụp đổ nhanh chóng bắt nguồn từ bản chất của một đội quân đánh thuê, chiến đấu không có lý tưởng, phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ Mỹ. Và trong chiến đấu, quân đội đó có những vị tướng “anh dũng”, tuyên bố sống chết cùng quân lính, tử thủ với Quân Giải phóng. Thế nhưng khi lâm trận, những vị tướng này đã nhanh chân bỏ mặc quân lính, lên tàu, lên máy bay chạy trước
Trung tướng Phạm Văn Phú
Ngày 10/03/1975, Quân Giải phóng tiến công và giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột. Lúc này, Trung tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu 2 quân lực Việt Nam Cộng hòa được Ngyễn Văn Thiệu giao nhiệm vụ tái chiếm Buôn Mê Thuột. Ngày 14/03/1975, Trung tướng Phạm Văn Phú tuyên bố: “Tôi sẽ sống chết với cao nguyên. Tôi sẽ lấy máu mình để thu hồi Buôn Mê Thuột”.
Tướng Phạm Văn Phú
Tái chiếm Buôn Ma Thuột thất bại, ngày 15/03/1975, tướng Phú lên máy bay chạy về Nha Trang, bỏ lại hơn 100.000 quân cùng hàng nghìn xe tăng, pháo và thiết giáp tan tác trên đường số 7 trong cuộc lui binh chiến lược tệ hại nhất trong lịch sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa, mở đầu sự sụp đổ dây chuyền của chế độ miền Nam Việt Nam.
Trung tướng Ngô Quang Trưởng
Phát huy chiến thắng của Chiến dịch Tây Nguyên, Quân Giải phóng mở Chiến dịch tiến công Huế-Đà Nẵng.
Được Nguyễn Văn Thiệu tin tưởng, giao cho phòng thủ Huế, ngày 23/3/1975, Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh quân đoàn 1, Quân khu 1 tuyên bố: “Tôi sẽ sống chết với cố đô, Cộng quân muốn vào Huế phải bước qua xác tôi”.
Trước sức tiến công như vũ bão của quân giải phóng, ngày 26/3/1975, hàng vạn quân lính Việt Nam Cộng hòa tan rã ở cửa Thuận An và cửa Tư Hiền, Quân Giải phóng tiến vào Huế, nhưng không vấp phải sức kháng cự quá lớn và đặc biệt không phải bước qua xác Trung tướng Ngô Quang Trưởng vì Tướng Trưởng đã nhanh chân cao chạy xa bay vào Đà Nẵng ngày 25/3/1975.
Mặc dù chỉ nhanh chân bỏ chạy, nhưng Tướng Trưởng vẫn được Nguyễn Văn Thiệu tin dùng. Mà không tin dùng sao được khi tướng đánh trận của Việt Nam Cộng hòa còn mấy người đâu. Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục giao cho tướng Trưởng tái phối trí lực lượng để phòng thủ Đà Nẵng. Đà Nẵng là căn cứ quân sự khổng lồ được Hoa Kỳ giúp xây dựng, tập trung hơn 100.000 binh sỹ, được hy vọng sẽ chặn đứng bước tiến quân Giải phóng.
Ngày 27/3/1975, tại Đà Nẵng, Trung tướng Ngô Quang Trưởng tiếp tục hô hào: "Anh em chiến hữu hãy tử thủ tại Đà Nẵng. Tôi sẽ cùng anh em chiến đấu đến viên đạn cuối cùng". Nhưng ngay ngày hôm sau, chưa kịp bắn viên đạn nào thì tướng Trưởng đã lên trực thăng đáp xuống tàu hải quân, rồi vào thẳng Sài Gòn, bỏ mặc anh em, chiến hữu. Đà Nẵng rơi vào tay Quân Giải phóng ngày 29/03/1975.
Quân lực Việt Nam Cộng hòa tháo chạy khỏi Đà Nẵng trên bãi biển Mỹ Khê (Ảnh tư liệu)
Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh
Tối 27/3/1975, trên làn sóng truyền tin PRC 25 của Sư đoàn 3 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa, binh lính còn nghe sang sảng giọng của Thiếu tướng - Tư lệnh Sư đoàn 3 Nguyễn Duy Hinh kêu gọi binh lính Sư đoàn 3 Bộ binh và các đơn vị đã tan rã từ Huế chạy đường bộ vào Đà Nẵng hãy cùng nhau tái phối trí để phản công chặn đứng sức tiến công của "Cộng sản" ở đèo Hải Vân.
Thế nhưng nửa đêm về sáng 29/3/1975, Thiếu tướng Hinh xách toàn bộ tiền lương mấy chục triệu đồng của lính sư đoàn mình, dắt díu vợ con cùng bộ sậu leo lên trực thăng chạy ra tàu hải quân, rồi sau sang Hạm đội 7 Mỹ để “tử thủ”. Lính Sư đoàn 3 còn phẫn uất ở chỗ đang bị pháo binh quân Giải phóng bắn cấp tập vào đội hình, mà mở máy lên vẫn nghe ra rả lời kêu gọi tử thủ của tướng Hinh, dù lúc này đã yên vị trên tàu Mỹ.
Sau này, khi đi tập trung cải tạo, nhiều sĩ quan, binh lính của Sư đoàn 3 Quân lực Việt Nam Cộng hòa có hẳn 1 bài "nhạc chế" bolero rằng: “Chách chách chách, chách chùm chùm chách.Tiền em, Thiếu tướng chẳng đưa một xu. Trèo lên trực thăng không lời giã từ” (Lời gốc bài nhạc này là: “Tiền khô cháy túi, chẳng ai hiểu cho. Bạn thân bỏ đi như người xa lạ ...”).
Chuẩn tướng Lê Minh Đảo
Sau khi mất Đà Nẵng, Quân lực Việt Nam Cộng hòa xây dựng phòng tuyễn bảo vệ Sài Gòn tại Xuân Lộc. Xuân Lộc được mệnh danh là "cánh cửa thép" bảo vệ Sài Gòn.
Ngày 12/4/1975, Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 mắm môi mắm lợi hùng hổ tuyên bố trước phóng viên nước ngoài tại Xuân Lộc: "Chúng tôi sẽ đánh một trận dập đầu cộng quân để thế giới biết sức mạnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa". Hình ảnh Tướng Đảo truyền đi khắp thế giới với những lời lẽ đanh thép “Tôi thầm hiểu, kẻ thù (Quân giải phóng) nghĩ chúng sẽ đánh bại chúng tôi một cách dễ dàng. Nhưng bây giờ, tôi có thể nói với anh (Phóng viên). Tụi nó đang đánh lộn với đá, đầu tụi nó đập vào đá. Và đã bị chúng tôi đập bể đầu”…"They hit to the rock... No problem..."....
Chưa thấy ai bể đầu, nhưng cánh cửa thép Xuân Lộc, tuyến phòng ngự đặc biệt quan trọng đối với Sài Gòn bị Quân Giải phóng đập tan. Đến ngày 21/4/1975, Sư đoàn 18 và các đơn vị khác rút lui về Biên Hòa lập phòng tuyến mới.
Tướng Lê Minh Đảo với tuyên bố tử thủ tại Xuân Lộc (Ảnh chụp Clip từ Youtube)
Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ
Leningrad là trận chiến phòng ngự chiến lược nổi tiếng của Hồng quân Liên Xô trước phát xít Đức, kéo dài gần 900 ngày đêm, bắt đầu từ tháng 7 năm 1941. Rất thuộc lịch sử, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố “Tôi sẽ biến Sài Gòn trở thành một Leningrad thứ hai”. Người ta có thể kỳ vọng vào lời tuyên bố tử thủ của tướng Kỳ, vì ông là một trong những người chống Cộng khét tiếng và nổi tiếng là vị tướng liều lĩnh, không thể đoán trước. Tuy nhiên, không thể ngăn chặn sức mạnh tiến công của Quân Giải phóng, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, được mệnh danh là tướng cao bồi, bỏ lại lời hứa tử thủ sau lưng, lên trực thăng di tản khỏi Sài Gòn vào sáng 29/4/1975.
Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu
Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hóa cũng từng hùng hổ tuyên bố “tử thủ Sài Gòn”. Khi buộc phải từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, nhường chỗ cho người khác với hy vọng có thể đàm phán với Mặt trận Dân tộc Giải phóng, ngăn cản cuộc tiến công đánh chiếm Sài Gòn, tướng Thiệu tuyên bố: “Dù mất một Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội vẫn còn Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ...”. nhưng đó cuối cùng cũng chỉ là những lời nói đầu môi. Chỉ 4 ngày sau, Nguyễn Văn Thiệu đã bí mật lên máy bay thoát khỏi Sài Gòn vào đêm 25/4/1975.
Nguyễn Văn Thiệu từ chức, tuyên bố sẽ là người lính tử thủ Sài Gòn
Lịch sử đã diễn ra như thế. Sau này, Nguyễn Văn Thiệu và nhiều viên tướng đã lớn tiếng tuyên bố tử thủ rồi bỏ chạy nêu trên, đổ lỗi cho nhau. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì tố cáo tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa hèn nhát, chạy tháo thân khi lâm trận. Ngược lại, các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa thì cho rằng tất cả lỗi là do Tổng thống Thiệu, quyết định rút lui chiến lược khỏi Tây Nguyên mà không bàn bạc với họ, để họ mắc kẹt giữa tuyên bố tử thủ và quyết định rút lui, trở thành trò cười cho thiên hạ. Ngay bản thân Tổng thống Thiệu, khi bí mật chạy sang Đài Loan, cuối cùng cũng phải được Tổng Thống Trần Văn Hương ký quyết định làm Đặc sứ Việt Nam Cộng hòa tại Đài Loan để hợp pháp hóa việc trốn chạy với nhiệm vụ phúng điếu Tưởng Giới Thạch mặc dù lãnh tụ Trung Hoa dân quốc đã chết trước đó 3 tuần.
Bình Nguyễn