Có thể hiểu lợi dụng quyền uy chính trị để tham nhũng, tiêu cực chính là việc lợi dụng quyền lực công để tác động đến cá nhân, tổ chức trong việc ra quyết định và thực hiện những chủ trương, chính sách phải phục tùng, tuân theo, nghe theo và làm theo nhằm mục đích vụ lợi, thu lợi bất chính vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, chứ không vì lợi ích chung của cộng đồng, nhân dân. Biểu hiện rõ nét nhất là trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương liên quan”. Trong vụ án này, một Trợ lý của Phó thủ tướng Chính phủ bị xác định lợi dụng vị trí công tác để can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á được cấp phép và lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19[1].
Báo cáo công tác năm 2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết: Vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối hộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, các bị can nhận hối lộ đã tự nguyện nộp số tiền hưởng lợi bất chính; Cơ quan điều tra đã kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tổng tài sản thu hồi trị giá 1.400 tỷ đồng; và trả lời báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô, khi đó là Chánh Văn phòng Bộ Công an đã chỉ ra: “vụ Việt Á rất nhiều tiền. Như các bạn biết, trong lời khai là kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ và bôi trơn khoảng 800 tỷ, đó là kênh để các nhà điều tra tìm ra”[2].
Liên quan đến vụ án Việt Á, chúng ta có thể thấy rất rõ rằng: hành vi lợi dụng vị trí công tác nhằm can thiệp, tác động tại Bộ Y tế để được cấp phép và lưu hành sản phẩm kít xét nghiệm Covid-19 đã gây những hậu quả rất nghiêm trọng trên nhiều mặt. Hành vi này được coi là hành vi lợi dụng quyền uy chính trị câu kết với doanh nghiệp (gian thương) nhằm trục lợi về kinh tế. Đây chính là biểu hiện của sự tha hóa, biến chất về mặt chính trị, suy đồi về đạo đức của một số cán bộ lợi dụng quyền uy chính trị để tham nhũng, tiêu cực. Thực tế đó đặt ra yêu cầu, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần lên án, trừng trị thích đáng, loại bỏ ra khỏi bộ máy công quyền những cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm giữ gìn sự trong sạch của Đảng và hệ thống chính trị; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Mặt khác, cần phải nhận diện đầy đủ hành vi lợi dụng quyền uy chính trị để tham nhũng, tiêu cực xuất phát từ việc một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đã phai nhạt về lý tưởng cách mạng, nói không đi đôi với làm, chỉ biết vun vén cho lợi ích bản thân và gia đình, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của đất nước. Với vụ án Việt Á, một số cán bộ lãnh đạo, thậm chí là cán bộ lãnh đạo cấp cao đã không đặt mình trong nỗi đau của người dân, của đất nước trong đại dịch Covid-19 để từ đó có sự thấu hiểu, sẻ chia và hành động vì dân, vì nước, mà ngược lại họ chỉ lo “vinh thân phì gia”, kết bè kết phái, lợi ích nhóm, cục bộ địa phương...
Trong vụ án Việt Á còn cho chúng ta thấy một vấn đề rất nguy hại, tạo ra tiền lệ rất xấu đó là việc một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học đã “mượn hơi” khoa học, hay nói một cách khác là giả danh khoa học để trục lợi, đục khoét tiền của Nhà nước. Thông qua nghiên cứu bộ Kít test phục vụ cuộc chiến chống Covid-19, với sự “hà hơi”, “tiếp sức” của một số cán bộ lãnh đạo trong cơ quan quản lý Nhà nước và một số cán bộ nghiên cứu tại Học viện Quân y, giá trị khoa học của công trình nghiên cứu đã bị đảo lộn, đổi trắng thay đen, vấn đề nguy hại của nó ở chỗ không chỉ ảnh hưởng đến vai trò và giá trị của khoa học chân chính bị giả danh, đánh mất đi bản lĩnh chính trị của người cán bộ đảng viên, mà còn ảnh hưởng đến uy tín đối với những người làm khoa học chân chính, suy giảm và lãng phí niềm tin của nhân dân vào một số cán bộ cán bộ tham nhũng, tiêu cực trong vụ đại án Việt Á.
Như vậy, thông qua một vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn vừa qua, chúng ta có thể nhận thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa quyền lực chính trị và doanh nghiệp, mối quan hệ này nổi lên và xoay quanh trục lợi ích (kinh tế và chính trị), sự vận động của mối quan hệ này với tính cách là mục tiêu và động lực cho sự phát triển và sự biểu hiện của nó về cơ bản theo hai chiều hướng: tích cực và tiêu cực.
Về mặt tích cực, khi lợi ích chung được đề cao, vì mục tiêu chung, vì lợi ích của nhân dân và coi đó là thước đo, là chuẩn mực, mục đích tối thượng và được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, mặt tích cực này cần phải được nhìn nhận dưới góc độ mối quan hệ hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của xã hội, của đất nước. Khi đó cán bộ xứng đáng được quán triệt và thực hiện theo tinh thần của Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Khi đó cán bộ được biểu dương, được khuyến khích và khen thưởng, doanh nghiệp và doanh nhân được tôn trọng và vinh danh.
Về mặt tiêu cực, đó là việc lợi dụng quyền uy chính trị và “mượn hơi” khoa học để tham nhũng, tiêu cực, khi đó lợi ích kinh tế chỉ được vun vén, chảy vào túi tư nhân bởi một số cán bộ suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống và một số doanh nghiệp bởi một số những gian thương, tức là khi đó lợi ích chung của nhân dân bị coi thường, bị xâm hại, thước đo giá trị và chuẩn mực hành vi kinh tế không còn phản ánh đúng bản chất và quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không phản ánh đúng bản chất khoa học, cách mạng, dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa nghĩa xã hội ở nước ta. Những biểu hiện này chúng ta cần phải nhận diện đầy đủ từ đó lên án và phê phán. Đối với một số cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực đương nhiên phải bị trừng trị thích đáng, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Đối với một bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân khi vi phạm pháp luật thì bị trừng trị thích đáng theo quy định của pháp luật.
Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh có một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm “chậm” sự phát triển của đất nước. Trong khi thực tiễn cho thấy hoàn toàn ngược lại. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân. Chúng ta cần thống nhất quan điểm: Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu[4].
Trần Viết Dương