Hộ chiếu mới có gì khác biệt?
Theo ThS.Luật sư Nguyễn Tuấn Long (Hội Luật gia TPHCM), hộ chiếu (passport) là giấy tờ cho phép công dân rời khỏi đất nước do chính phủ cấp và nhập cảnh khi từ nước ngoài về. Đây là giấy tờ giúp xác định danh tính của công dân tại 1 đất nước hoặc lãnh thổ khác, không phải nước của mình. Trên hộ chiếu sẽ thể hiện họ, tên người sỡ hữu. Kèm theo đó là ngày tháng năm sinh, ảnh đi kèm, quốc tịch, chữ ký, ngày cấp, ngày hết hạn.
Về quy cách và kỹ thuật chung của hộ chiếu, mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu; hộ chiếu có gắn chíp điện tử có biểu tượng chíp điện tử. Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước; di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng. Ngôn ngữ sử dụng trong hộ chiếu: tiếng Việt và tiếng Anh. Số trang trong cuốn hộ chiếu không kể trang bìa gồm 48 trang, kích thước theo tiêu chuẩn ISO 7810 (ID-3): 88mm x 125mm ± 0,75mm. Chíp điện tử được đặt trong bìa sau của hộ chiếu có gắn chíp điện tử.
Bìa hộ chiếu là loại vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao. Chữ, số hộ chiếu được đục lỗ bằng công nghệ laser thông suốt từ trang 1 tới bìa sau cuốn hộ chiếu; và trùng với chữ, số ở trang 1. Toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.
Theo văn bản hướng dẫn số 9303 về tiêu chuẩn hộ chiếu của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), các thông tin bắt buộc phải có trên hộ chiếu đó là loại hộ chiếu, tên, số hộ chiếu, quốc tịch, ngày sinh, giới tính và ngày hết hạn hộ chiếu. Ngoài ra, các thông tin như nơi sinh là tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc phải có. ICAO lưu ý, khi cân nhắc đưa vào hoặc bỏ qua thông tin nơi sinh, mỗi quốc gia cần phải xem xét cân nhắc kỹ tất cả vấn đề liên quan.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã bắt đầu triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông mẫu mới (không gắn chíp điện tử) cho công dân từ ngày 1/7/2022. Vướng mắc phát sinh tại hộ chiếu này. Hộ chiếu phổ thông mẫu mới không có dòng ghi nơi sinh. Tuy nhiên, thông tin nơi sinh của công dân được hiển thị dưới dạng mã số định danh (Số ĐDCN/CMND).
Một số quốc gia như Đức, Séc, Tây Ban Nha... cho rằng, hộ chiếu không ghi nơi sinh thì không thể xác định được rõ ràng người mang hộ chiếu, đặc biệt nhiều trường hợp trùng tên họ. Đối với cơ quan chính quyền ở Đức, việc tìm nơi sinh thông qua mã số định danh trong hộ chiếu là không thể thực hiện được.
Mã định danh có thay thế nơi sinh?
Theo Luật sư Nguyễn Thúy Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội) mã định danh là dãy số xác định nhân thân của mỗi công dân do Bộ Công an cấp. Mỗi công dân được cấp một mã định danh duy nhất từ khi sinh ra đến khi mất đi và không lặp lại ở người khác. Số định danh cá nhân có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết nối, liên thông giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác do Bộ Công an thống nhất quản lý và cập nhật, chia sẻ.
Theo Thông tư 59/2021/TT-BCA, mã định danh là dãy số tự nhiên gồm 12 số. 3 số đầu: Là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (TTTƯ) nơi công dân đăng ký khai sinh hoặc là mã của quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh. 1 chữ số tiếp theo: Là mã thế kỷ sinh và giới tính của công dân. 2 chữ số tiếp theo: Là mã năm sinh của công dân. 6 số còn lại: Là dãy các số ngẫu nhiên của mỗi người. Mã số định danh cá nhân chính là dãy số gồm 12 số trên Căn cước công dân.
Theo Luật sư Nguyễn Thúy Nga, mọi công dân đều có thể tra cứu mã định danh của mình và người thân dễ dàng thông qua Cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Tuy nhiên, việc tìm nơi sinh thông qua mã số định danh trong hộ chiếu đối với cơ quan chính quyền nước khác là rất mất thời gian, khó thực hiện.
Để đối chiếu và tìm nơi sinh của người Việt Nam có hộ chiếu mới thì một số nước lại không thể truy cập được dữ liệu và chỉ có thể đối chiếu bằng tay thông qua danh sách “quy đổi” từ mã số sang danh sách tỉnh - thành của Việt Nam. Việc này phức tạp và mất nhiều thời gian trong quá trình nhập cảnh. Vì vậy, về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng nên thêm thông tin nơi sinh trong hộ chiếu.
Dù không phải là trường dữ liệu bắt buộc theo quy định của ICAO, nhưng nơi sinh hiện được nhiều nước coi là một trong những thông tin quan trọng nhất trong hộ chiếu. Nhiều quốc gia thậm chí không cấp hộ chiếu cho công dân của nếu mục này bỏ trống. Nếu không có thông tin này, nhiều nước từ chối chấp nhận hộ chiếu hoặc không cho phép nhập cảnh ở biên giới. Những quốc gia đó cho rằng thông tin về nơi sinh bị thiếu sẽ là mối đe dọa an ninh. Cùng với thông tin về tên, họ và ngày sinh, nơi sinh sẽ được kiểm tra theo cơ sở dữ liệu quốc tế về tội phạm và nghi phạm khủng bố.
Nơi sinh là thông tin không bao giờ thay đổi, dù một người có bao nhiêu hộ chiếu hay được nhiều quốc gia cấp các loại hộ chiếu khác nhau. Dữ liệu này giúp xác định một người duy nhất, đặc biệt là khi có nhiều người trùng tên họ.
Nhiều nước trên thế giới hiện nay vẫn giữ thông tin về nơi sinh trên hộ chiếu, chẳng hạn như các nước châu Á (Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Singapore...) hay châu Âu (Pháp, Đức, Ý...), châu Phi (Nam Phi, Angola...). Mỹ cũng giữ thông tin nơi sinh trên hộ chiếu để ngăn tình trạng giả danh.
Theo Khoa học và Đời sống