Việc phối hợp triển khai hệ thống quản lý công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 sẽ thúc đẩy mục tiêu kép: vừa giúp dân tiện lợi vừa giúp chính quyền có cơ sở dữ liệu để quản lý thuận tiện, chính xác.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tham dự lễ khởi động chiến dịch và thử nghiệm một trong những công đoạn của tiêm vắc xin. Ảnh: Thanh Tùng
Tiết kiệm thời gian, tạo cơ sở dữ liệu chính xác
Trong tiêm chủng, việc sử dụng công nghệ, triển khai các nền tảng, ứng dụng công nghệ là hết sức quan trọng.
Bộ TT&TT và Bộ Y tế đã chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp và Viễn thông Quân đội Viettel triển khai nền tảng quản lý công tác tiêm chủng và ứng dụng Sổ Sức khoẻ điện tử.
Sổ sức khỏe điện tử giúp cho người dân đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế online, qua đó người dân nhận được thông tin về địa điểm tiêm, thời gian dự kiến tiêm.
Điều này giúp tiết kiệm thời gian cho người đến tiêm, hạn chế tập trung đông người tại cơ sở tiêm cùng một thời điểm đảm bảo giãn cách phòng chống dịch. Mỗi người dân sẽ được cấp một mã QR code nên khi đến tiêm chỉ cầm quét mã rất nhanh, thay vì phải khai giấy tờ mất thời gian.
Cũng qua ứng dụng này, người đi tiêm được cung cấp thông tin về tiêm chủng, các lưu ý cũng như biện pháp phối hợp tổng thể.
Bên cạnh đó, các thông tin khám sàng lọc (nhiệt độ, huyết áp, tim mạch, tiền sử bệnh tật, thuốc đang sử dụng…) của mỗi người được tiêm cũng được nhập vào Sổ sức khỏe điện tử của mỗi người để giúp đối chiếu các triệu chứng sau tiêm.
Sau khi tiêm, nếu có triệu chứng bất thường về sức khỏe, người được tiêm chủng có thể phản ánh qua ứng dụng này để được nhân viên y tế tại các cơ sở tiêm liên hệ tư vấn, hướng dẫn khám và điều trị kịp thời.
Thông qua nền tảng quản lý công tác tiêm chủng và ứng dụng Sổ Sức khoẻ điện tử trong chiến dịch này, sẽ đạt được mục tiêu kép: Vừa đảm bảo tiêm chúng được nhanh chóng, an toàn, thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho người dân với số lượng lớn, giảm tải cho nhân viên y tế; vừa tạo lập được dữ liệu sức khỏe điện tử cho gần 800.000 người dân trên địa bàn TP.HCM.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Chiến dịch có thể theo dõi được: Số lượng người đã được tiêm chủng tại mỗi cơ sở tiêm, số người đã đăng ký mà không đến tiêm, số người không đủ điều kiện sức khỏe tiêm thông qua khám sàng lọc, các triệu chứng thường gặp sau tiêm của mỗi loại vắc xin, số trường hợp có tai biến sau tiêm… Tất cả được cung cấp theo thời gian thực để có những chỉ đạo, xử trí kịp thời.
Việc ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng vắc xin còn có ý nghĩa thúc đẩy hộ chiếu vắc xin. Đại diện Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia cho biết, hiện Việt Nam đã có hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và sẽ sớm có hệ thống cung cấp Chứng nhận vaccine điện tử. “Thời gian tới, lượng vaccine sẽ ngày càng nhiều. Để đáp ứng yêu cầu quản lý, mở cửa giao thương thì các hệ thống này là rất quan trọng”, đại diện Trung tâm đánh giá.
Kết nối hệ thống dữ liệu quốc gia
Bộ TT&TT sẽ cử một Thứ trưởng vào TP.HCM, bố trí 15 cán bộ để phối hợp cùng TP.HCM trong việc triển khai các giải pháp công nghệ phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời sẵn sàng huy động sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, MobiFone, VnPost đồng hành cùng các lực lượng chức năng của TP.HCM chống dịch.
Bộ TT&TT cũng đã đề xuất giao Đoàn Thanh niên tổ chức lực lượng thanh niên, tình nguyện viên hỗ trợ người tiêm, nhập thông tin với những người mới, hoặc người già, hoặc người không có điện thoại thông minh.
Trao đổi về điều này với VietNamNet, ông Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Đoàn TNCS HCM, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố cho biết Đoàn Thanh niên TP.HCM có chuẩn bị lực lượng tình nguyện viên thành phố để tham gia hỗ trợ lực lượng chuyên môn, Sở Y tế trong việc tiêm chủng vaccine của thành phố trong 5 ngày.
Bộ TT&TT cũng đã đề nghị TP.HCM thành lập Trung tâm hoặc Tổ công tác công nghệ phòng chống dịch hoạt động với tinh thần “Lực lượng công nghệ và lực lượng y tế là một, công nghệ phục vụ y tế”, đồng thời phối hợp và kết nối chặt chẽ với Trung tâm quốc gia để triển khai nhanh, hiệu quả các giải pháp công nghệ phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
Ngay trong ngày 19/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký Chỉ thị khẩn 10 yêu cầu siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, TP.HCM đã đồng ý thành lập tổ công tác công nghệ, yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT lập tổ công tác công nghệ, triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine Covid-19 theo đề nghị của Bộ TT&TT.
Ông Đỗ Lập Hiển, thành viên thường trực Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch quốc gia cho biết, Trung tâm công nghệ ở Trung ương là điểm hội tụ, nơi 2 ngành y tế và TT&TT đồng chủ trì triển khai việc ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch trên toàn quốc. Tương ứng với đó, các trung tâm hoặc tổ công nghệ phòng dịch Covid-19 tại tỉnh, thành phố là mô hình phối hợp hoạt động của 2 ngành y tế và TT&TT tại địa phương.
“Trung tâm ở Trung ương xây dựng các ứng dụng, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật trên toàn quốc. Còn Trung tâm ở địa phương sẽ triển khai cụ thể các giải pháp công nghệ tại địa phương mình, tuyên truyền, đôn đốc, giám sát thực thi trong xã hội. Bên cạnh đó, Trung tâm ở Trung ương đảm bảo vận hành chung các hệ thống; địa phương khai thác và sử dụng các giải pháp công nghệ vào thực tế chống dịch”, ông Hiển cho hay.
“Dịch bệnh lây lan không phụ thuộc vào địa giới hành chính, nếu địa phương tự làm ứng dụng của mình thì chỉ có thông tin của riêng địa phương, sẽ không hiệu quả trong chống dịch. Trung tâm quốc gia có nhiều nguồn dữ liệu trên toàn quốc nên chắc chắn sẽ hiệu quả hơn”, đại diện Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Nguồn Báo tin tức