Tránh cho bệnh nhân bị trở nặng
Với mong muốn chung sức cùng lực lượng y tế đẩy lùi dịch Covid-19, Công ty iParamed do một nhóm kỹ sư, bác sĩ Việt Nam khởi nghiệp đã phối hợp OUCRU - đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu giải pháp công nghệ cao mang tên Tele-ICU Monitoring để ứng dụng trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Tele-ICU Monitoring được thiết kế theo tiêu chuẩn Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Tele-ICU Monitoring là giải pháp sử dụng công nghệ internet vạn vật (IoT), cho phép các bác sĩ, điều dưỡng có thể theo dõi thể trạng người bệnh từ xa. Thông qua giải pháp Tele-ICU Monitoring, dữ liệu của bệnh nhân được cập nhật theo thời gian thực (real-time) liên tục 24/24 trên màn hình tại trung tâm theo dõi. Dữ liệu được gửi về từ ứng dụng cài đặt trên máy tính bảng, kết nối bluetooth với các thiết bị nhỏ gọn gắn trên người bệnh nhân Covid-19 gồm: Đồng hồ đo mạch, oxy trong máu và miếng dán đo nhịp tim, nhịp thở.
Tele-ICU Monitoring đóng vai trò là cầu nối, hỗ trợ các bác sĩ trong công tác theo dõi sức khoẻ và điều trị bệnh nhân Covid-19, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trực tiếp mà vẫn đảm bảo yếu tố khám, chữa bệnh hiệu quả, linh hoạt. Cụ thể, trong quá trình điều trị đã xảy ra tình trạng chỉ số SpO2 của bệnh nhân tụt xuống thấp đột ngột, dù bệnh nhân đang thở oxy qua mặt nạ. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của thiết bị Checkme O2 (thuộc giải pháp Tele-ICU Monitoring), các bác sĩ sẽ can thiệp kịp thời bằng cách điều chỉnh lên máy thở oxy dòng cao HFNC.
Ngoài ra, bệnh nhân Covid-19 trong thời gian điều trị cũng có thể tự theo dõi sự thay đổi của chỉ số oxy trong máu trên màn hình tablet (hoặc điện thoại thông minh), nắm rõ tình hình sức khỏe của bản thân để điều chỉnh tư thế hay cách sinh hoạt phù hợp, như đổi sang nằm nghiêng cho phổi không bị đè, hoặc chia bữa ăn thành nhiều giai đoạn nhỏ để không bị dừng thở bằng bình oxy quá lâu… tránh cho bệnh nhân bị trở nặng và có thể hồi phục nhanh hơn. Những chức năng này của thiết bị cũng cho phép các bác sĩ theo dõi bệnh nhân F0 tại nhà tiện lợi. Trong khi đưa bệnh nhân trên xe cứu thương đến phòng cấp cứu, nhân viên y tế có thể gửi các dấu hiệu quan trọng đến bệnh viện theo thời gian thực để chuẩn bị cho việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân.
Chi phí vận hành thấp
Giải pháp Tele-ICU Monitoring được đã được triển khai sử dụng để theo dõi chỉ số sinh tồn bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ diễn biến nặng tại Khoa nhiễm E của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM từ ngày 13/8/2021. Theo báo cáo hợp tác chuyên môn OUCRU, đánh giá của các bác sĩ cho thấy tính linh động của thiết bị và khả năng quản lý từ xa với độ xác thực cao đã góp phần tiết kiệm nhân lực trong việc kiểm tra trực tiếp từng giường bệnh, giúp hạn chế mức độ tiếp xúc trực tiếp của nhân viên y tế với người bệnh, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Ngoài ra, các thiết bị giám sát Tele-ICU nhỏ gọn, dễ cài đặt, giúp cho việc giám sát chỉ số sinh tồn bệnh nhân linh hoạt hơn với chi phí vận hành thấp…
TS Lê Hoàng Nam, CEO kiêm nhà sáng lập iParamed phụ trách dự án Tele-ICU Monitoring với OUCRU từng làm việc tại McKinsey & Company. Anh tốt nghiệp Kỹ sư tại Đại học Công nghệ Hamburg, sau đó hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại Đại học Cambridge. Với nhiều kinh nghiệm trong các sáng chế, ứng dụng IoT và AI trong y tế, đội ngũ sáng chế cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm dựa trên những phản hồi từ các bác sĩ, điều dưỡng để giải pháp Tele-ICU Monitoring phù hợp, đáp ứng yêu cầu về quy trình y tế theo đặc thù của các bệnh viện Việt Nam.
TS Lê Hoàng Nam cũng cho biết, so với thiết bị y tế truyền thống, các thiết bị tích hợp giải pháp Tele-ICU Monitoring có tổng chi phí rẻ hơn, có thể triển khai riêng cho các bệnh nhân F0 tại nhà. Bệnh nhân có thể tiết kiệm hơn nếu đã có sẵn điện thoại thông minh. Trong thời gian tới, với sự ủng hộ của các bác sĩ, điều dưỡng, giải pháp Tele-ICU Monitoring sẽ tiếp tục áp dụng triển khai thêm tại nhiều khoa phòng khác trong Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cũng như các bệnh viện khác để cùng chung sức quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19.
Nguồn SGGP