Kể từ ngày 12-4, Nga tạm cấm xuất khẩu một số mặt hàng thực phẩm do đại dịch Covid-19. Động thái này nằm trong quyết định cấm xuất khẩu kiều mạch, gạo, hành, tỏi và các hàng hóa khác của các quốc gia thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) được Ủy ban Kinh tế Á - Âu (EEC) đưa ra.
Ảnh minh họa. Nguồn: Sputnik
Ngoài các sản phẩm trên, quy định còn bao gồm các sản phẩm ngũ cốc, bột mì, lúa mạch đen, đậu nành, hạt hướng dương, củ cải và một số loại thực phẩm chế biến sẵn. Lệnh cấm xuất khẩu sẽ kéo dài đến ngày 30-6 nhằm đảm bảo nguồn cung cho người dân các quốc gia thành viên EAEU gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan có đủ lương thực trong thời gian đại dịch Covid-19.
Ngược lại với nguồn cung lương thực, nhu cầu sử dụng dầu mỏ trên thế giới vẫn tuột dốc không phanh khiến cho một số nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ buộc phải tuyên bố phá sản do vỡ nợ. Trong bối cảnh này, một số ngân hàng của Mỹ, gồm JPMorgan Chase & Co, Wells Fargo & Co và Bank of America Corp, đang trong tiến trình thiết lập các cấu trúc độc lập để trở thành các nhà điều tiết lĩnh vực dầu khí trên khắp nước Mỹ.
Theo Reuters, các công ty độc lập, có thể do các ngân hàng lập ra trong vài tháng, sẽ hỗ trợ các ngân hàng này giữ lại các tài sản năng lượng từ những công ty phá sản trong khung thời gian 1 năm và sau đó bán lại với giá cao hơn khi lĩnh vực dầu mỏ phục hồi. Động thái trên được coi là chưa từng có tiền lệ kể từ những năm 1980, nhằm tránh những thiệt hại về tài sản năng lượng trong bối cảnh lãnh đạo các ngân hàng này quan ngại về khả năng phá sản do nhu cầu sử dụng dầu mỏ giảm mạnh.
Theo SGGP