Chia sẻ rõ hơn về việc thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên khỉ, ông Đạt cho hay, 12 con khỉ vàng Macaca mulatta được nuôi dưỡng trên Đảo Rều (Quảng Ninh) khỏe mạnh, có tuổi từ 3-5, cân nặng trên 3 kg sẽ tham gia thử nghiệm vắc xin Covid-19.
Ảnh minh họa |
Dự kiến, sau khi tiêm xong, khỉ sẽ được theo dõi khoảng 3 tháng, sau đó tiếp tục lấy mẫu máu gửi về Hà Nội để làm các xét nghiệm.
Theo kế hoạch, 12 con khỉ sẽ được tiêm vắc xin thử nghiệm theo 2 đợt, mỗi đợt chia làm 2 nhóm: Được tiêm và không được tiêm. Sau khi tiêm, nhóm khỉ sẽ được nuôi trên đảo riêng biệt và theo dõi sức khỏe hàng ngày.
Việc tiêm vắc xin cho khỉ sẽ gần giống việc tiêm vắc xin cho người. Đó là 2 mũi tiêm, cách nhau 21- 28 ngày.
“Sau một tháng kể từ mũi cuối, chúng tôi sẽ xem xét đáp ứng miễn dịch trên khỉ được tiêm để biết được hiệu quả miễn dịch giữa nhóm được tiêm và không tiêm”, lãnh đạo VABIOTECH nói.
Trước đó, đơn vị này đã thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên chuột. Và việc thử nghiệm trên 2 loại động vật này được tiến hành song song để đủ dữ liệu.
“Chúng tôi cần tùy thuộc vào rất nhiều số liệu và hồ sơ để mới đủ minh chứng về tính an toàn, hiệu quả bảo vệ, sinh miễn dịch. Khi đó, chúng ta mới có thể thử nghiệm trên người”, ông Đạt cho hay.
Liên quan tới tiến độ sản xuất vắc xin Covid-19, theo GS.TS Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình sản phẩm quốc gia vắc xin sử dụng cho người, thử nghiệm trên khỉ chỉ là bước trong quy trình nghiên cứu vắc xin.
Các đơn vị nghiên cứu có thể lựa chọn thử nghiệm trên các động vật khác nhau như chuột, khỉ, thỏ... “Thử nghiệm để đánh giá về tính an toàn, đáp ứng miễn dịch, còn lựa chọn động vật nào, bao nhiêu loại thì tùy từng đơn vị”, GS. Vân nói.
Với vắc xin Covid-19, chuyên gia này đánh giá, dù đã có kết quả bước đầu trong nghiên cứu song Việt Nam vẫn đang quá thiếu nguồn lực về mọi mặt.
“Chúng ta cũng chậm so với thế giới trong sản xuất vắc xin Covid-19. Đến nay vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm và xây dựng quy trình sản xuất, kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng cũng chưa có đầy đủ và hoàn thiện”, GS.Vân cho hay.
Bên cạnh đó, vắc xin Covid-19 sau khi được cấp phép sẽ tiêm cho một lượng người rất lớn, khác với các loại vắc xin khác nên việc thử nghiệm lâm sàng đòi hỏi rất thận trọng.
Với câu hỏi liệu khi nào Việt Nam có vắc xin Covid-19, GS. Vân cho hay, Công ty VABIOTECH nếu thúc đẩy tiến độ nhanh nhất thì cũng phải đầu năm 2021 mới có lô vắc xin để thử nghiệm lâm sàng. Nếu kịp tiến độ, có thể cuối năm nay mới hoàn thiện xong thử nghiệm lâm sàng cả 3 giai đoạn.
Sau đó, lô vắc xin sẽ phải đưa ra hội đồng đánh giá, nghiệm thu và chuyển sang Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho Hội đồng cấp phép sử dụng. Đây là quá trình mất rất nhiều thời gian.
“Nếu được sự ủng hộ của cơ quan quản lý, cấp phép, các kết quả trong phòng thí nghiệm tốt và đạt yêu cầu thì phải đến giữa năm 2022, chúng ta mới có vắc xin Covid-19”, chuyên gia này dự báo.