Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhận những công việc đòi hỏi sự hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Có rất nhiều yếu tố tác động tới sự hình thành nên khí chất của thanh niên, như mức sống (ảnh hưởng đến tố chất), công nghệ kỹ thuật (ảnh hưởng đến kỹ năng nghề nghiệp), đa dạng xã hội (ảnh hưởng đến nhân sinh quan)… nhưng thời nào cũng vậy, gia đình vẫn luôn là yếu tố hàng đầu tác động đến đạo đức, lối sống của thanh niên.
Tuổi trẻ là mùa Xuân của dân tộc. Ảnh minh họa.
“Tuổi trẻ là mùa Xuân của dân tộc”
Hồ Chí Minh từng nói: “Một năm bắt đầu bằng mùa Xuân, cuộc đời bắt đầu bằng tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của dân tộc”. Thanh niên là nhóm xã hội - dân cư có sứ mệnh đón nhận sự “trao truyền” giá trị, bàn giao nhiệm vụ, ủy thác trách nhiệm, gửi gắm niềm tin của thế hệ đi trước. Để kế tục sự nghiệp của thế hệ đi trước, thanh niên cần được giáo dục, đào tạo, rèn luyện chu đáo, nghiêm túc. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”1.
Khi nói đến giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên, Hồ Chí Minh nêu những quan điểm về giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng và xây dựng lối sống mới có văn hóa. Người cho rằng văn hóa, đạo đức và lối sống có quan hệ mật thiết với nhau, lối sống là hệ quả trực tiếp của văn hóa, đạo đức.
Hồ Chí Minh cho rằng xây dựng lối sống mới là rất cần thiết và thanh niên ở vị trí nào, làm công tác nào cũng đều phải tham gia. Theo Người, dân tộc muốn thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu đi lên một xã hội văn minh, tiên tiến, thì tất yếu phải xây dựng, sửa đổi những điều rất căn bản về đạo đức, lối sống văn hóa. Xây dựng lối sống mới được bắt đầu từ những điều cơ bản, đơn giản nhất, mà tất cả mọi người, trong đó có thanh niên phải thực hành, đó là, ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc theo lối sống mới; trong gia đình, trên thuận dưới hòa, ăn mặc chi tiêu tiết kiệm có kế hoạch; chấm dứt tục lệ cưới hỏi xa xỉ, lãng phí. Người yêu cầu mọi gia đình, đặc biệt thanh niên: “Cưới hỏi giỗ Tết nên đơn giản, tiết kiệm”3.
Theo Hồ Chí Minh muốn có đạo đức, lối sống văn hóa, phải đề cao việc học tập và rèn luyện; và nhiệm vụ chính của thanh niên là học tập. Người chỉ rõ: “Còn biết bao điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”4. Trong các trường học cùng với học kiến thức, phải coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống: “Phải dạy thanh niên có ý chí tự lập tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ. Trong các trường học “phải trọng về môn tinh thần và đạo đức. Phải tẩy sạch óc kiêu ngạo, tự phụ, mà giáo dục thực dân để lại”5. Xây dựng lối sống mới cho thanh niên còn thể hiện trong xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người, đó là: lối sống đề cao tình yêu thương con người, yêu thương đồng loại, đề cao tinh thần nhân đạo, nhân văn, coi trọng những nghĩa cử cao đẹp, tinh thần đoàn kết, sống khiêm tốn, cầu thị, không tự cao tự đại, sống có lý có tình, biết ơn người đi trước.
Đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, CNH, HĐH, Đảng ta chú trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định vai trò lực lượng thanh niên, đào tạo bồi dưỡng thanh niên phát triển toàn diện, khuyến khích cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích sáng tạo làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại, có lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa.
Gia đình là trường học đầu tiên của thanh niên
Thực tế cho thấy, gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thanh niên. Qua khảo sát phần lớn thanh niên sa vào tội phạm, tệ nạn xã hội hoặc lựa chọn các xu hướng lối sống tiêu cực, sa đọa như buông thả bản thân, nghiện game online, ích kỷ, thờ ơ vô cảm, hành xử bạo lực… đều do thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình; có thể chia thành những trường hợp sau:
- Gia đình của thanh niên đã bị “hỏng từ gốc”, tức chính ông bà, cha mẹ của họ đã phạm tội hoặc sa vào tệ nạn. Thanh niên xuất thân từ những gia đình này dễ bị sa vào tội phạm, tệ nạn và lựa chọn các lối sống tiêu cực như một sự tiếp nối tự nhiên “truyền thống” gia đình.
- Gia đình bỏ mặc, không quan tâm đến con. Có những gia đình do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên bố mẹ không thể nuôi dạy, quan tâm đến con. Ngược lại, có những gia đình khá sung túc, nhưng bố mẹ do mải làm ăn, kiếm tiền nên không quan tâm đến con.
- Cách giáo dục gia đình không đúng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nhân cách, định hướng lối sống của thanh niên. Có những thanh niên vốn được coi là ngoan, hiền, nhưng đột nhiên “dạt nhà”, “đi bụi”, phạm tội, thậm chí tự tử chỉ vì những xung đột nhỏ trong gia đình, như bị cha mẹ mắng mỏ, hoặc cho là bị cha mẹ, người thân coi thường, đối xử không công bằng… Nhiều đứa trẻ bị bạo hành đã nghĩ rằng bố mẹ và gia đình không còn yêu thương, che chắn và bảo vệ mình nữa.
Gia đình và giáo dục gia đình là yếu tố tác động quan trọng nhất trong quá trình vận động xây dựng lối sống tích cực, hiện đại và lành mạnh, có tác dụng ngăn ngừa các xu hướng lối sống tiêu cực, lạc hậu trong thanh niên nước ta hiện nay. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tạo những điều kiện cần thiết để gia đình và giáo dục gia đình đóng góp nhiều hơn vào việc giáo dục và định hướng lối sống cho giới trẻ. Để xây dựng môi trường giáo dục trong gia đình, cần tuân thủ một số nguyên tắc sau: Cha mẹ ý thức được trách nhiệm của mình; Xác định mục tiêu giáo dục con; Thống nhất trong giáo dục; Làm gương; Tổ chức lối sống gia đình lành mạnh; Tôn trọng con, hiểu con để có phương pháp giáo dục đúng.
Định hướng cho tương lai
Tương lai đất nước thuộc về thế hệ trẻ. Để vun đắp cho tương lai ấy, cần sự chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Trong đó yếu tố gia đình cần chú trọng hàng đầu. Đối với nhà trường và xã hội cần phối hợp trong tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên. Thông qua cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, có nhiều mô hình phong phú để giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng ra đời như viết “Nhật ký làm theo lời Bác”; “Sổ vàng học tập và làm theo lời Bác”, “Sổ tay tự rèn”, cuộc thi “Tôi yêu Tổ quốc tôi, tôi yêu đồng bào tôi”, khẩu hiệu hành động “Mỗi ngày một việc tốt vì nhân dân”...; xây dựng các tiêu chí về chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa cho các đối tượng đoàn viên thanh niên gắn liền với chương trình rèn luyện đoàn viên và tuyên dương, biểu dương các điển hình. Trung ương Đoàn đã tổ chức trao nhiều giải thưởng cho những điển hình tiêu biểu như: Giải thưởng Sao Tháng Giêng cho sinh viên; Giải thưởng Lý Tự Trọng cho học sinh; Giải thưởng Lương Định Của cho thanh niên nông thôn; Giải thưởng Người thợ trẻ giỏi cho thanh niên công nhân; Giải thưởng Sao đỏ cho doanh nhân; Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu; các giải thưởng cho thanh niên quân đội, thanh niên công an…
Bên cạnh đó, thanh niên cần có trách nhiệm với gia đình, với cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Trong thực tế có rất thanh niên không có trách nhiệm với gia đình, cha mẹ. Họ chỉ biết quan tâm đến bản thân mình, vui chơi quên ngày tháng mà không hề nghĩ đến cha mẹ đang ngày đêm lao động, đổ mồ hôi nước mắt dành dụm tiền để nuôi nấng, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho con cái. Có những thanh niên thờ ơ, lãnh đạm trước những tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý.
Do vậy, mỗi thanh niên phải sống có trách nhiệm với gia đình yêu thương. Tình cảm gia đình là một dòng suối ấm áp, hiền hòa nuôi dưỡng tâm hồn ta, giúp ta có thể vững bước trên con đường đời đi tới phía trước đầy hoa hồng nhưng cũng đầy chông gai thử thách.
Xây dựng con người là công việc hệ trọng. Đại hội lần thứ XIII của Đảng được tiến hành theo phương châm: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, định hướng phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong văn kiện Đảng về thanh niên, Đảng nêu rõ: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, xã hội”11.
Đó là mục tiêu chiến lược trong xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam, chủ nhân tương lai của dân tộc, lớp người kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của cha anh đi trước, góp phần xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
----------------------
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.15, tr. 622
2, 3, 4, 5. Sđd, T. 5, tr. 116, 118, 117, 120
6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2006, T. 47, tr. 450, 450
8. Sđd, T. 50, tr. 540
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H, 2001, tr. 126
10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr. 120
11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, tr. 168.
Đặng Hoàng