Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho một nhân cách mới, mang tầm vóc dân tộc và thời đại. Tự hào thay “Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta, đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta”[1]. Nhân cách ấy hình thành và dần được hoàn thiện phải nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó nổi bật lên là ảnh hưởng của người cha - cụ Nguyễn Sinh Sắc, người đầu tiên truyền thụ lòng yêu nước thương dân, góp phần hình thành đạo đức cách mạng cho Nguyễn Tất Thành
Cuộc đời khổ cực, vất vả và tự lập từ bé, nhưng hiếu học, vốn học vấn uyên thâm; tính cách cao thượng, bản lĩnh vững vàng, lối sống thanh bạch, giản dị; yêu nước, thương dân, căm ghét thực dân Pháp và bè lũ tay sai; luôn chăm lo giáo dục đạo đức và chí hướng cho con cái, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc với sự hình thành nhân cách của các con, đặc biệt là đối với Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Tư tưởng yêu nước thương dân của cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới Nguyễn Sinh Cung. Cụ không chỉ dạy con qua những bài học trong sách vở mà còn qua những câu chuyện lịch sử để rồi sau này Bác vẫn thường nhắc nhở rằng:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”[2]
Nguyễn Sinh Cung thường được theo cha đi nhiều nơi, tìm những người cùng chí hướng để bàn luận về thời cuộc, điều này đã giúp Nguyễn Sinh Cung mở rộng tầm nhìn và suy nghĩ. “Nguyễn Tất Thành khâm phục các cụ Phan Đông Du, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của các cụ. Vì:
Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương. Anh nhận thấy điều đó là sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.
Cụ Phan Bội Châu hi vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp điều đó rất nguy hiểm chẳng khác nào đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau.
Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng theo lời người ta kể cụ còn nặng cốt cách phong kiến.
Anh thấy rõ và quyết định con đường lên đi”[3].
“Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[4].
Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Cao Lãnh, Đồng Tháp
Trong khi đa số các nhà Nho không muốn cho con vào học trường Pháp vì vào đây phải học chữ Tây, nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc nghĩ khác “Muốn đánh Tây thì phải hiểu Tây, muốn hiểu Tây thì phải học tiếng Tây”. Đây là điều kiện tốt nhất để Nguyễn Sinh Cung được tiếp xúc với nền giáo dục Pháp, về khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Đây được cho là một quyết định thể hiện bản lĩnh vượt qua những giới hạn của ý thức hệ ở cụ Nguyễn Sinh Sắc, có ảnh hưởng quyết định đến việc lựa chọn hướng đi của Nguyễn Tất Thành.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã dạy cho con mình những bài học vỡ lòng về một đạo nhân sinh soi tỏ mối quan hệ giữa Quốc và Dân “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, “Quốc dĩ dân vi bản”. Từ những bài học minh tâm đầu đời, sau này trong bài viết “6 điều không nên và 6 điều nên làm” của Người mở đầu bằng câu “Nước lấy dân làm gốc” để căn dặn rằng:
“Gốc có vững cây mới bền.
Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”[5].
“Cái gốc”, hoặc “Cái nền” đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh trước sau như một đó là “Nhân dân”. Cái thuyết “nước là dân, yêu nước là yêu dân chủ chương lấy dân làm hậu thuẫn cho tất cả các phong trào cải cách chính trị hay xã hội” của quan Phó bảng Sắc đã thấm vào Nguyễn Sinh Cung và khi đã làm quen với tri thức mới ở phương Tây, Nguyễn Ái Quốc càng thấy cái thuyết của cha mình có giá trị, phù hợp với trào lưu cách mạng thế giới, với lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò quyết định của quần chúng Nhân dân trong lịch sử.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc dạy cho các con cách chi tiêu tiết kiệm biết sử dụng đồng tiền vào những công việc hợp lý và cần thiết. Cụ dùng số tiền bằng tiền gạo một tháng ăn để mua những quyển sách quý để phục vụ công việc học tập của các con bởi Dưỡng tử giáo dục thư, thư trung hữu kim ngọc. Cả cuộc đời quan Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là sự thanh bạch, giản dị, không màng danh lợi. Những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, cụ sống trong một căn nhà nhỏ, làm nghề thầy thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Hình ảnh đó làm ta liên tưởng đến: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì đến vòng danh lợi”[6].
Tượng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong Khu tưởng niệm tại Cao Lãnh, Đồng Tháp
Không chỉ giản dị, cụ còn là người sống rất thẳng thắn, là vị quan kiểu mẫu về sự chính trực, liêm khiết, chí công vô tư. Do bản tính cương trực của mình, khi làm quan huyện, cụ là người có lòng thương dân, cho nên làm quan chính là điều kiện tốt để bênh vực, giúp đỡ người nghèo.
Là một nhà Nho cho nên cụ Nguyễn Sinh Sắc luôn giáo dục các con theo những quy tắc, chuẩn mực của đạo đức Nho giáo. Những chuẩn mực đó là một trong những cơ sở, nguồn gốc quan trọng hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh mà theo Lênin “Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những hiểu biết quý báu của các thời đại trước để lại”[7].
Mồ côi từ nhỏ, cuộc sống vất vả, song chính điều ấy đã tạo cho Nguyễn Sinh Sắc giàu nghị lực và chí lập thân. Chính ý chí và nghị lực mọi lúc mọi nơi, biết vươn lên mọi hoàn cảnh để học tập của cụ đã có ảnh hưởng vô cùng lớn tới con trai. Sau này dù trên con tàu đi tìm đường cứu nước bận rộn, vất vả lúc phụ bếp hay lúc phải làm đốt than thuê, lúc quét tuyết... thậm chí ngay cả những ngày kháng chiến gian khổ hiểm nguy, Người vẫn không ngừng miệt mài học tập và khơi dậy ý chí học tập của mọi người. Nhưng đối với Bác, học không phải là việc của hôm nay mà còn là của ngày mai, của cả đời và tinh thần học tập đáng nể phục đó của Bác một phần rất lớn là chịu ảnh hưởng từ người thầy đầu tiên của mình - Nguyễn Sinh Sắc.
Ngay từ khi còn nhỏ, những phong cách sinh hoạt đẹp của cha đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến Sinh Cung. Sáng nào Cậu cũng dậy sớm học bài với cha và quét dọn nhà cửa sạch sẽ trước lúc ăn sáng. Mới hơn mười tuổi, Cậu đã làm thành thạo việc nhà. Nếu không có sự giáo dục của cha, Nguyễn Tất Thành không thể khảng khái giơ hai bàn tay nói với bạn: Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống, để đi. Những nề nếp ấy vẫn được giữ gìn không chỉ khi còn trẻ mà cả ngay khi Người đã về già. Đồng chí Phạm Văn Đồng kể lại rằng: về sinh hoạt hằng ngày, Người thường dậy lúc 5 giờ sáng ngồi vào bàn làm việc, đọc sách hoặc điểm lại những công việc đã qua; sau đó ghi nhanh chương trình làm việc vào sổ tay và tất nhiên không bỏ sót từng chi tiết công việc đã ghi.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc thường dạy các con “Vật dĩ quan gia vị ngô phong dạng” (đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình)[8]. Ở cụ Phó bảng, ta bắt gặp một con người bình dị và dễ gần. Là con quan nhưng Tất Thành vẫn cùng tham gia sinh hoạt, vui chơi với các bạn đồng trang lứa là con nhà nghèo. Rồi sau này, khi đi đến bất cứ nơi đâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận được sự đón tiếp nồng hậu của Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Người chính là một mẫu mực trong cách ứng xử văn hóa, một nhà chính trị tài ba lỗi lạc, dễ gần.
Nguyễn Sinh Cung đã học tập được nhiều trong phong cách làm việc, và sinh hoạt hằng ngày của cha mình. Những phong cách ấy vẫn theo Bác đi suốt cuộc đời và được nâng dần lên thành phong cách làm việc khoa học, biện chứng.
Dương Thị Bích
[1] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 09/9/1969.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011,t.3, tr.259.
[3] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.1, tr.41.
[4] Báo Nhân dân, số 4062, ngày 18/5/1965.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr.502.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.187.
[7] V.I Lênin: Toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, t. 6, tr.46.
[8] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.1, tr.10.