Văn hóa giáo dục là một bộ phận của nền văn hóa dân tộc và có mối quan hệ xuyên suốt, hài hòa và thống nhất của toàn bộ hệ thống xã hội bao gồm thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế, tâm lý xã hội, các ứng xử văn hoá xã hội và hệ thống thước đo giá trị của xã hội. Chính vì lẽ đó, để văn hóa giáo dục phát triển hài hòa và thống nhất cần thiết phải có sự đồng hành của toàn xã hội.
Văn hóa giáo dục trong thời kỳ hội nhập. Ảnh minh họa.
Văn hóa mang tính dân tộc sâu sắc nên bản sắc dân tộc in đậm dấu ấn trong văn hóa giáo dục. Theo O.A. Radugina, “văn hóa giáo dục không chỉ là một chỉ tiêu đánh giá trình độ học vấn của người dân cả nước mà còn là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá sự phát triển của xã hội ở một giai đoạn lịch sử cụ thể”[1].
Trong môi trường văn hóa mang tính toàn cầu hiện nay, tiếng nói của toàn xã hội nói chung và tiếng nói của phụ huynh nói riêng thực sự đã tạo ra sức mạnh có tác động rất lớn đến cả quá trình vận hành của hệ thống giáo dục. Trong bối cảnh đó, giáo dục đã và đang chịu sự giám sát của xã hội lớn hơn. Tuy nhiên vấn đề đáng quan tâm là trong thời gian qua trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt mạng xã hội đã xuất hiện một số ý kiến của xã hội khi đề cập đến vấn đề giáo dục đều nghiêng về phê phán nhưng lại rất ít các ý kiến đánh giá đúng mức những nỗ lực của các thầy, cô giáo trong ngành giáo dục hay đóng góp với tinh thần xây dựng để ngành giáo dục tiếp tục phát triển.
Quả thật, sẽ không công bằng khi chỉ tập trung phê phán những hiện tượng trong giáo dục mà cá nhân hay xã hội chưa hài lòng (cái số ít, cục bộ) mà cố tình “lảng tránh” những thành tựu vẻ vang của ngành giáo dục gắn với những hy sinh thầm lặng của số đông đội ngũ nhà giáo và nỗ lực đầy cam go trong cải cách giáo dục. Chính sự phê phán không công bằng đó vô hình trung làm giảm tiếng nói chung gắn kết sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường, giữa người học với người dạy, giữa xã hội với ngành giáo dục. Hệ lụy của vấn đề đó đã dẫn đến tâm lý xã hội coi môi trường giáo dục của nước ta là yếu kém về mọi mặt trong so sánh với các quốc gia khác.
Thực chất, nói đến giáo dục là nói đến ba hình thức giáo dục gắn kết hữu cơ với nhau gồm: giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục trong cộng đồng. Nếu các mối quan hệ này bị tác động dẫn đến “lung lay” thì môi trường giáo dục sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Nhà trường luôn đóng vai trò chủ đạo song sự phát triển ở một môi trường giáo dục xác định không thể thiếu đi (hay yếu đi) sự song hành của giáo dục gia đình và giáo dục của cộng đồng. Chính vì thế, môi trường văn hóa giáo dục chỉ có thể phát triển trong sự hợp tác tích cực của gia đình và xã hội.
Cùng với đó, chúng ta phải thừa nhận những hạn chế đã nảy sinh trong môi trường văn hóa giáo dục được dư luận xã hội chỉ ra. Trong đó, một số chủ trương muốn đổi mới văn hóa giáo dục song thiếu cả cơ sở khoa học lẫn cơ sở thực tế, thiếu gắn kết với các giá trị văn hoá dân tộc. Chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học và sau đại học chưa đóng góp được nhiều cho mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước trong bối cảnh mới.
Trước thực trạng đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều khuyến nghị về sự áp dụng các mô hình giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới vào Việt Nam. Mỗi một quốc gia đều có triết lý giáo dục riêng phù hợp với bản sắc văn hóa, điều kiện kinh tế, xã hội. Chính vì thế, việc lựa chọn các mô hình giáo dục hoặc chương trình giáo dục của một quốc gia nào đó để áp vào Việt Nam liệu chăng có phù hợp với Việt Nam? Thực tế đã cho thấy, chúng ta không thiếu các bằng chứng về việc “sao chép lỗi” trong giáo dục mà nguyên nhân chính của lỗi đó là do chúng ta chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết tối thiểu cho những ý tưởng canh tân giáo dục nhưng lại phải chạy theo trào lưu thị trường hoá giáo dục của thế giới. Việc triển khai chương trình tích hợp là một minh chứng điển hình nhất.
Bên cạnh đó, chúng ta có quyền tự hào với những đóng góp âm thầm của đội ngũ các nhà giáo dục có năng lực chuyên môn tương xứng với học hàm, học vị là rất lớn. Số lượng các nhà giáo dành trọn cuộc đời, nhân cách, kiến thức cho sự nghiệp giáo dục, hoá thân vào trí tuệ của các thế hệ học sinh không phải là nhỏ. Nếu không có những đóng góp đó liệu môi trường văn hóa giáo dục Việt Nam có được như ngày hôm nay?
Trong suốt hành trình vận động, văn hóa giáo dục luôn rất cần những tiếng nói phản biện của toàn xã hội nhưng để hoàn thiện môi trường văn hóa giáo dục chúng ta cũng rất cần sự đồng hành của toàn xã hội thể hiện ở sự phản biện mang tính xây dựng. Nếu dư luận xã hội chỉ tập trung vào những yếu kém mà không thấy những cố gắng của ngành giáo dục thì nhà trường, gia đình và xã hội ngày càng xa nhau, tạo ra hiệu ứng tâm lý thiếu tin cậy lẫn nhau. Môi trường văn hóa giáo dục sẽ đối diện với những rào cản trong cải cách, đổi mới để vươn lên và hòa nhập cùng thế giới như mong đợi của toàn xã hội.
Văn hóa giáo dục là hệ quả của sự tương tác giữa nhiều yếu tố, do đó không thể giải quyết chỉ bằng sự nỗ lực của ngành giáo dục mặc dù ngành giáo dục giữ vai trò chủ đạo. Môi trường văn hóa giáo dục Việt Nam hiện nay giống như cách miêu tả của nhà thơ Tản Đà: “Đường xa gánh nặng xế chiều, Cơn dông biển lớn mái chèo thuyền nan”. Văn hóa giáo dục phát huy được vai trò của mình chỉ có thể có trong một môi trường văn hoá - xã hội lành mạnh, tính phản biện khoa học, nhân văn và mang tính xây dựng cao. Đối diện với “vòng xoáy” của văn hóa toàn cầu, môi trường văn hóa giáo dục Việt Nam khó tránh khỏi những hiệu ứng tác động nhiễu loạn. Song trong bối cảnh cam go đó, để môi trường văn hóa giáo dục thăng bằng, chúng ta rất cần sự sự đồng hành, đồng tâm, thấu cảm của toàn xã hội để môi trường văn hóa giáo dục, cùng với các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý ngành giáo dục giữ được cái “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Cái tâm bất biến đó là xây dựng một môi trường văn hóa giáo dục hàm chứa một tầm nhìn rõ hơn về quan hệ tương tác giữa toàn cầu, hội nhập quốc tế và dân tộc. Nghĩa là, chúng ta đặt mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa giáo dục vừa tránh căn bệnh bảo thủ, trì trệ; vừa không thể vọng ngoại, đoạn tuyệt với những giá trị của dân tộc Việt Nam. Để đạt được điều đó, văn hóa giáo dục phải tiếp tục hoàn thiện để làm tròn sứ mệnh của mình trong sự hợp tác toàn diện của gia đình và xã hội trong bối cảnh mới.
[1] A.A. Radugina: Từ điển Văn hóa học, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002, tr, 45
Phương Nam