Cảnh đẹp ở An Giang
HUỆ MẪN
Vượt hơn 200 km từ TP.HCM đến TP.Châu Đốc, An Giang, trong chuyến phượt, chúng tôi lựa chọn điểm tham quan đầu tiên là làng Chăm Châu Giang. Qua phà Tân Châu, chưa đến 5 phút, tôi đã đặt chân đến bên kia bờ. Món bánh cuốn ngọn của một bà cụ bán trên phà vẫn còn dư vị ngọt ngào trong cổ họng.
Cánh đồng thốt nốt - khung cảnh đặc trưng ở vùng An Giang HUỆ MẪN |
Chuyến phượt lần này, chúng tôi chạy theo những dòng xe tìm đến làng Chăm, vốn nổi tiếng xưa nay. Vừa rời khỏi phà, một thế giới khác như mở ra, thế giới của những câu chuyện nghìn lẻ một đêm với những thánh đường hồi giáo lớn nhỏ, những người đàn ông đầu đội khăn, quấn váy, những đứa bé gái quấn khăn choàng kín mặt, chỉ lộ đôi mắt to sâu hút. Chốc chốc, những câu đối thoại giữa họ vang lên và tôi hoàn toàn không hiểu. Dừng chân cạnh một thánh đường, tôi ghé vào hàng bún cá - món ăn đâu đâu cũng thấy khi đến Châu Đốc, An Giang của một gia đình người Chăm. Món bún cá đậm đà, màu vàng nghệ, ăn cùng rau giá khiến kẻ lữ hành ấm lòng đến lạ. Được biết vì dịch Covid-19 nên khách du lịch nước ngoài vắng hẳn, lác đác chỉ có một vài đoàn đến tham quan.
Trải nghiệm mặc trang phục người chăm và học dệt thổ cẩm HUỆ MẪN |
Men theo đường vào làng Chăm, chúng tôi tiếp tục bắt gặp những ngôi nhà sàn có kiến trúc đặc biệt, thấp thoáng là những người phụ nữ may vá, quay tơ. Dừng lại ở một cửa hàng, nơi được xem là một trong số ít những hộ còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm. Trải nghiệm được mặc lên người trang phục của người Chăm, e ấp bên khung dệt quả là một trải nghiệm tuyệt vời để thấy sự tỉ mỉ trong từng chiếc khăn, tấm vải của người Chăm. Và mới hiểu sao vải thổ cẩm Châu Giang lại được yêu thích và nổi tiếng đến vậy.
Dưới tiết trời mùa hè, buổi chiều Châu Đốc, An Giang vẫn không bớt đi phần oi nồng. Đồng hồ điểm 18 giờ, chúng tôi cố nán chân lại Thánh đường Mubarak - nơi được công nhận là di sản quốc gia, lắng nghe tiếng nguyện cầu lần cuối trong ngày của hàng chục người đàn ông theo đạo Hồi trong làng. Những ánh mắt ngạc nhiên, thắc mắc nhưng vẫn triều mến, như một sự mở lòng, khiến cô gái người Kinh cảm thấy yên tâm dạo bước ngắm nhìn chốn thánh đường hệt xứ sở chỉ bắt gặp trong những câu chuyện thần thoại xứ Ả Rập - nơi mà theo tín ngưỡng này những người phụ nữ không được đặt chân tới mà chỉ được cầu nguyện ở nhà.
Trời nhá nhem tối, chúng tôi dừng lại ít phút để được cô giữ xe trước thánh đường chỉ nơi ăn cơm nị của người Chăm, những làng nghề nổi tiếng vùng Tân Châu như làng lụa Mĩ A, làng chiếu,... Tạm biệt thánh đường lúc trời đã sụp tối, những lời cầu nguyện hãy còn vang vọng xa xa. Và dưới ánh trăng mờ, những câu nói đan xen tiếng ve sầu kêu rả rít trong những bụi cây ven đường.
Nguồn Thanhnien