Sự ra đời và hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đầu thế kỷ XX là một quá trình những người yêu nước Việt Nam hoạt động lâu dài, gian khổ, tìm sự đồng thuận cũng như đấu tranh quyết liệt với kẻ thù và cuối cùng những người cộng sản và yêu nước đã tìm được tiếng nói chung, trong đó nổi bật vai trò lãnh tụ của Nguyễn Ái Quốc
Sự ra đời các tổ chức cộng sản
Trong sự bế tắc của các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã xuất hiện những nhân tố mới có tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đó chính là sự ra đời, phát triển, trưởng thàmh của giai cấp công nhân Việt Nam và sự nỗ lực không ngừng nghỉ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc. Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô trở về Quảng Châu công tác với hai nhiệm vụ là làm phiên dịch cho phái đoàn cố vấn của Liên Xô sang giúp Trung Hoa Dân quốc do Bôrôđin làm Trưởng đoàn và theo dõi phong trào nông dân Quảng Đông, Trung Quốc. Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ, giác ngộ những thanh niên yêu nước của Tâm Tâm xã[1], lập ra tổ chức Cộng sản đoàn (3/1925), đến tháng 6-1925, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (HVNCMTN). Hội có tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin làm nền tảng tư tưởng, xuất bản báo Thanh Niên làm cơ quan ngôn luận, tuyên truyền của Hội, mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cách mạng… Dưới sự huấn luyện, giác ngộ trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, Hội đã không ngừng phát triển. Cuối năm 1926, Nguyễn Ái Quốc chọn 7 người đã được huấn luyện ở Quảng Châu (Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Thọ, Trần Phú, Phan Trọng Quảng, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi) về Việt Nam, đến các trung tâm kinh tế, chính trị là Hà Nội, Vinh, Sài Gòn để tuyên truyền xây dựng tổ chức cách mạng trong nước và tổ chức những thanh niên sang Quảng Châu dự các lớp huấn luyện chính trị. Đến tháng 3/1927, HVNCMTN đã xây dựng được nhiều cơ sở trên cả nước, thành lập được các Kỳ bộ ở cả ba kỳ và nhanh chóng phát triển thành một tổ chức hoàn chỉnh rộng khắp cả nước với các cấp từ Tổng bộ xuống đến các Huyện bộ.
Phong trào “vô sản hoá” của HVNCMTN với khẩu hiệu bốn cùng với giai cấp công nhân là cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng đấu tranh, đã thúc đẩy nhanh quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân, sự phát triển về chất của HVNCMTN và đòi hỏi phải có một tổ chức đủ năng lực, đủ tầm để lãnh đạo cách mạng Việt Nam theo tư tưởng vô sản. Điều đó diễn ra tại Kỳ bộ Bắc Kỳ - nơi có số lượng hội viên đông, mạnh về số lượng và hoạt động thực tiễn. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân, những hội viên ưu tú như Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu… đã nhận thức được đòi hỏi của thực tiễn là phải sớm có một chính đảng để lãnh đạo. Vì thế, tháng 3/1929, tại ngôi nhà số 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập. Đại hội Kỳ Bộ Bắc Kỳ của Hội VNCMTN diễn ra tại Sơn Tây ngày 28, 29/3/1929 đã thống nhất đi đến thành lập một Đảng Cộng sản trong cả nước, nhất trí đợi đến Đại hội của Hội VNCMTN vào tháng 5/1929 sẽ đưa ra ý kiến thành lập Đảng Cộng sản và cử Trần Văn Cung đi Vinh để gặp các hội viên của Kỳ bộ VNCMTN Trung Kỳ để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, chuyến đi của Trần Văn Cung không có kết quả do các hội viên của Kỳ bộ Trung Kỳ đã lên đường đi dự Đại hội tại Quảng Châu.
Tại Đại hội I của Hội VNCMTN tổ chức ở Quảng Châu, đoàn đại biểu của Kỳ bộ Bắc Kỳ đưa ra ý kiến thành lập Đảng Cộng sản nhưng không đi đến thống nhất. Đoàn đại biểu Bắc Kỳ quyết định rời Đại hội ra về và tuyên bố thoát ly Đại hội. Sự kiện đó đánh dấu sự phân hoá trong tổ chức HVNCMTN - do quá trình chủ nghĩa Mác - Lê nin đã thấm vào phong trào công nhân, trong tổ chức cách mạng Việt Nam và con đường giải phóng dân tộc. Ngày 16/6/1929, tại ngôi nhà số 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội, các đại biểu trong tổ chức Thanh niên ở Bắc Kỳ đã họp Hội nghị quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (ĐDCSĐ), thông qua Tuyên ngôn Chính cương, Điều lệ, ra báo Búa Liềm, bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và cử người vào Trung Kỳ, Nam Kỳ phát triển cơ sở… ĐDCSĐ đã nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng, thu hút được nhiều hội viên tham gia.
Trước sự ảnh hưởng mạnh mẽ của ĐDCSĐ, Tổng bộ Thanh Niên và Kỳ bộ Thanh niên cách mạng Nam Kỳ quyết định cải tổ những bộ phận còn lại thành tổ chức cộng sản. Tháng 8/1929, các hội viên của Hội ở Trung Quốc và Nam Kỳ quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng (ANCSĐ). Đại hội thành lập ANCSĐ được tổ chức tại phòng 1, lầu 2, nhà số 1 đường Philippini (nay là đường Nguyễn Trung Trực, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Ban Chấp hành Trung ương lâm thời ANCSĐ được thành lập tháng 11/1929 do Châu Văn Liêm làm Bí thư, ANCSĐ phát triển hệ thống tổ chức rộng khắp các tỉnh Nam kỳ và lập được Tổng Công hội Nam Kỳ ở Sài Gòn.
Cùng với sự phân hoá mạnh mẽ của HVNCMTN và sự ra đời của hai tổ chức ĐDCSĐ và ANCSĐ, Tân Việt Cách mạng Đảng (Tân Việt)[2] cũng từng bước bị phân hoá. Tháng 6/1929, một số đảng viên của Tân Việt họp Hội nghị tại số 5 đường Nguyễn Tấn Nghiêm (nay là đường Phát Diệm) quyết định ly khai khỏi Tổng bộ Tân Việt và thanh đảng, lựa chọn những hội viên tích cực của Đảng chuẩn bị thành lập một tổ chức cộng sản lấy tên là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ngay sau Hội nghị, các chi bộ, các nhóm cộng sản đã được thành lập ở Tân Định, Phú Nhuận, Khánh Hội, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho… Ngày 31/12/1929, trên con đò dọc sông La[3], diễn ra Đại hội các đại biểu tiên tiến của Tân Việt, thông qua Chương trình, Điều lệ và thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Đại biểu hai tổ chức cộng sản và Nguyễn Ái Quốc tham dự Hội nghị hợp nhất
(Ảnh Tư liệu)
Những lần hợp nhất các tổ chức cộng sản
Đến cuối năm 1929, ở Việt Nam đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản hoạt động riêng rẽ, công kích, tranh giành ảnh hưởng của nhau, gây bất lợi cho phong trào cách mạng. Thực tế đó phản ánh sự phát triển của cách mạng, quá trình vô sản hoá mạnh mẽ, kết thúc vai trò lịch sử của HVNCMTN và đặt ra nhu cầu tất yếu, bức thiết phải hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất. Trong bối cảnh đó, ngày 27/10/1929, Quốc tế cộng sản gửi thư cho những người cộng sản Đông Dương, phê bình sự hoạt động riêng rẽ, bất hoà, không có lợi cho cách mạng của các tổ chức Cộng sản và chỉ thị cần thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất ở Đông Dương. Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản đã góp phần thúc đẩy nhanh quá trình vận động hợp nhất Đảng.
Đối với các tổ chức cộng sản, ngay khi mới thành lập, trong quá trình phát triển, mở rộng phạm vi ảnh hưởng, tuy rằng công kích lẫn nhau, nhưng cũng nhận thấy sự cần thiết phải hợp nhất thành một Đảng cộng sản duy nhất. Theo Hồi ký của Nguyễn Thiệu[4] thì trước tình hình tổ chức Thanh niên ở Nam kỳ có sự phân liệt, “… Kỳ bộ Thanh niên Nam Kỳ có tiếp xúc với Bàn Thống tức Trần Tư Chính, một đặc phái viên của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Sài Gòn, để thương lượng hợp nhất, nhưng bị Bàn Thống cự tuyệt”[5], vậy là cuộc bàn bạc hợp nhất đầu tiên của các tổ chức cộng sản không thành. Tuy nhiên, Kỳ bộ Thanh niên Nam Kỳ muốn tiếp tục tiến hành công cuộc hợp nhất nên đã nhanh chóng thành lập tổ chức ANCSĐ để đấu tranh đi đến hợp nhất với ĐDCSĐ.
Lần hợp nhất thứ hai diễn ra cuối năm 1929, đồng chí Lương (tức Hồ Tùng Mậu) đã tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa hai tổ chức ĐDCSĐ và ANCSĐ ở Hương Cảng để bàn chuyện hợp nhất hai tổ chức. Tại cuộc gặp đó, đồng chí Đỗ Ngọc Du (Phiếm Chu) đại diện cho ĐDCSĐ đã đưa ra yêu cầu quá cao đối với ANCSĐ - yêu cầu ANCSĐ giải tán, sau đó sẽ lựa chọn từng người một kết nạp vào ĐDCSĐ, ANCS không nhất trí, cuộc gặp không đem lại kết quả như mong muốn, tuy vậy hai tổ chức cộng sản đều “… biết rõ được yêu cầu ý kiến của nhau và biết rõ rằng: con đường đi tới vẫn là con đường mong muốn hợp nhất”[6]. Vấn đề đặt ra là phương thức hợp nhất thế nào cho phù hợp và ai là người đủ năng lực, uy tín để thực hiện được việc hợp nhất các tổ chức cộng sản.
Lúc này, Nguyễn Ái Quốc[7] đang hoạt động ở Thái Lan, nắm bắt được thực tế tình hình cách mạng trong nước, Nguyễn Ái Quốc chủ động rời Xiêm lên Hương Cảng, trực tiếp gặp các đồng chí ANCSĐ ở đó, đồng thời gửi thư cho các nhóm ANCSĐ, ĐDCSĐ đề nghị cử đại biểu sang Hương Cảng bàn việc hợp nhất. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản diễn ra từ ngày 6/1/1930 đến ngày 8/2/1930 thì các đại biểu lên đường về nước. Hội nghị diễn ra nhiều cuộc họp trong nhiều ngày khác nhau dưới sự chủ trì của đồng chí Vương, có sự tham gia của hai đại biểu ĐDCSĐ (Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu), hai đại biểu ANCSĐ (Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu)[8]. Hội nghị hợp nhất bàn các nội dung lớn theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc: Bỏ mọi thành kiến, xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản ở Đông Dương; Định tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam; Thảo Chính cương và Điều lệ sơ lược của Đảng... Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí với những nội dung trên. Bằng trí tuệ, uy tín, sự chân thành và nhiệt huyết cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã thành công.
Cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản cho thấy
Bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, tầm nhìn, uy tín và sức ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc đối với phong trào cách mạng Việt Nam, đồng thời đáp ứng được yêu cầu bức thiết của thực tiễn lịch sử dân tộc đặt ra;
Khẳng định sự chủ động, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc, điều này thể hiện trong việc định tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ra đời phù hợp với đặc điểm thực tiễn, đáp ứng, giải quyết được đòi hỏi bức thiết của cách mạng Việt Nam, xác định việc giải quyết vấn đề độc lập dân tộc trong phạm vi Việt Nam - một quyết định “dũng cảm”[9] của Nguyễn Ái Quốc ở thời điểm đó;
Sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê nin để giải quyết vấn đề tập hợp lực lượng, giải quyết mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, xác định vai trò của giai cấp công nhân. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác - Ph. Ăngghen chỉ rõ: Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc. Thế nên, “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc…”[10];
Thể hiện sự sáng tạo trong phương pháp hợp nhất. Trước đó, các tổ chức cộng sản đã thể hiện rõ quan điểm thống nhất qua các Nghị quyết, Thông cáo, Tuyên đạt… của mình, cuộc gặp lần giữa ĐDCSĐ và ANCSĐ, ĐDCSĐ cũng bày tỏ cách thức hợp nhất là chỉ kết nạp những hội viên ưu tú của ANCSĐ. Quốc tế Cộng sản trong Thư gửi những người cộng sản Đông Dương ngày 27/10/1929 nêu rõ: Đảng Cộng sản Đông Dương phải được thành lập bằng cách tập hợp tất cả những phần tử thật sự là cộng sản của tất cả các nhóm cộng sản… nhưng Nguyễn Ái Quốc đã sáng tạo bằng cách “chuyển nguyên khối các tổ chức đó vào Đảng Cộng sản Việt Nam”[11].
Như vậy, đến cuối năm 1929, ở Việt Nam đã xuất hiện đầy đủ các yếu tố cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sự hoạt động tích cực, không ngơi nghỉ của Nguyễn Ái Quốc, đồng thời Chủ nghĩa Mác-Lênin đã được truyền bá vào trong phong trào yêu nước và phong trào công nhân Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước của dân tộc, khẳng định sự chủ động, sáng tạo, trí tuệ, tầm nhìn của Nguyễn Ái Quốc cùng sự nỗ lực của những nhà cách mạng ưu tú lúc đó. Nếu không có sự chủ động, sáng tạo, quyết đoán của Nguyễn Ái Quốc thì khó có sự thành lập của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.
Nam Trang
[1] Thành lập năm 1923, là tổ chức của những người yêu nước Việt Nam sang Nhật du học từ phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, khi Pháp – Nhật câu kết với nhau, phong trào Đông Du tan vỡ, họ bị Nhật trục xuất và đã trở về Quảng Châu hoạt động.
[2] Ngày 14/7/ 1925 một số tù chính trị cũ ở Trung Kỳ và một số giáo viên, sinh viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội lập ra Hội Phục Việt (Đảng Phục Việt), theo khuynh hướng quốc gia. Sau đó, dưới ảnh hưởng của khuynh hướng vô sản và tác động của HVNCMTN, Hội Phục Việt dần chuyển sang khuynh hướng vô sản với nhiều lần đổi tên là: Hội Hưng Nam (3/1926), Việt Nam Cách mệnh Đảng, Việt Nam Cách mệnh Đồng chí Hội (7/1927) cuối cùng là Tân Việt Cách mệnh Đảng (14/7/1928).
[3] Đại hội dự định họp ở ga Thọ Tường, nhưng vì bị lộ nên chuyển lên Chợ Thượng (Hà Tĩnh) và họp trên con đò dọc sông La xuôi về Vinh. Đại hội họp được hai ngày, khi đến bến đò Trai (Đức Thọ, Hà Tĩnh) thì các đại biểu bị địch bắt.
[4] Nguyễn Thiệu (Nguyễn Nghĩa), Hội viên, đại biểu của ANCSĐ dự hội nghị hợp nhất cuối năm 1929 và tháng 2/1930.
[5] Góp thêm một ít tài liệu về Công cuộc hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt nam và vai trò của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Đảng, số 59 (2/1964), tr. 3.
[6] Góp thêm một ít tài liệu về Công cuộc hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt nam và vai trò của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 59 (2/1964), tr.5.
[7] Bí danh của Nguyễn Ái Quốc lúc đó là Vương.
[8] Ngoài ra còn có hai đồng chí giúp việc cho Hội nghị là Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu. Đến ngày 24/2/1930, ĐDCSLĐ được chấp thuận gia nhập ĐCSVN.
[9] Nguyễn Văn Chung, Tìm hiểu về chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc độc lập của Hội nghị thành lập Đảng năm 1930, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 3 (2015), tr.60.
[10] Vũ Quang Hiển, Hồ Chí Minh với việc vận dụng và phát triển lý luận cách mạng vô sản vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 6 (2015), tr.40-41.
[11] Trịnh Nhu, Nguyễn Ái Quốc với sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 3 (2000), tr.33.