Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Ái Quốc có "duyên nợ" với báo Nhân Đạo. Tờ báo là nơi Người tiếp cận Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lenin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam và đánh dấu những hoạt động báo chí quan trọng đầu tiên của Người trên con đường hoạt động cách mạng
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ quốc tế, đồng thời là một nhà báo vĩ đại. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng báo chí làm lợi khí đấu tranh cách mạng chống sự sáp bức dân tộc, sự nô dịch và tha hóa con người của chủ nghĩa thực dân, đế quốc; làm phương tiện để thực hiện và truyền bá những tư tưởng nhân văn cao cả vì hòa bình, độc lập, tư do, bình đẳng, đoàn kết và tiến bộ xã hội.
Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vĩ đại, song, đến nay, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài nghiên cứu về Hồ Chí Minh đều khẳng định vẫn chưa sưu tầm được đầy đủ toàn bộ các bài báo của Người, đặc biệt là những bài Người viết và đăng tải trên các báo ở nước ngoài, trong đó có tờ báo L’Humanité (Nhân Đạo).
Năm 2005, Tiến sĩ sử học người Pháp Alain Ruscio (Alanh Rútxiô) hoàn thành và xuất bản công trình “La Question coloniale dans L’Humanité, 1904- 2004” (Vấn đề thuộc địa trên báo Nhân đạo (1904- 2004)” do Nhà xuất bản La Dispute phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày báo Nhân đạo ra số đầu tiên. Trong công trình này, Tiến sĩ Alanh Rútxiô cho thấy trong một 100 năm qua, trên báo Nhân đạo, về vấn đề thuộc địa, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết trên dưới 100 bài, bài đầu tiên xuất hiện ngày 2/8/1919, cũng là bài đầu tiên trên báo Nhân đạo đề cập về Xứ Đông Dương. Sự kiện này, được đánh giá là “đã mở ra một kho tàng thông tin lý luận cho báo, cho Đảng Xã hội Pháp và sau đó từ tháng 12/1920 cho Đảng Cộng sản Pháp”. Trong khoảng 100 bài báo kể trên, có những bài đã được công bố (hoặc đầy đủ, hoặc bị cắt xén, thêm bớt) song “không ít bài, do nhiều lý do, mà chưa đến được với các nhà nghiên cứu, bạn đọc Việt Nam và bạn bè thế giới”.
Theo danh mục các bài báo đăng trên báo Nhân đạo được Tiến sĩ Alanh Rútxiô phản ánh trong công trình trên, từ năm 1919 đến năm 1955, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh viết 85 bài.
Một số báo L’Humanité (Ảnh tư liệu)
Năm 2007, Trung tâm tư liệu về nước Việt Nam thời kỳ cận hiện đại (viết tắt là CID Vietnam) phát hành một công trình có tên là “Báo L’Humanité và Đông Dương thuộc địa (1904-1954)”, do Tiến sĩ Alanh Rútxiô biên soạn. Trong tài liệu này, có thêm 14 bài viết của Hồ Chí Minh. Các bài này chưa được in trong bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập.
Năm 2011-2012, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã xuất bản bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, gồm 15 tập. Đây là bộ sách công bố hầu hết các bài viết, bài phát biểu, văn kiện của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người mà các cơ quan nghiên cứu, lưu trữ ở Việt Nam sưu tầm được cho đến 2012. Trong đó, công bố khoảng 28 bài viết của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân đạo.[1] Một số bài viết có bút danh được khẳng định là của Hồ Chí Minh như: Chính sách thuộc địa; Cảnh sinh hoạt của thợ thuyền An Nam; Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa; Thư ngỏ gửi ông Anbe Xarô; Phòng kiểm duyệt ở Đông Dương; Vực thẳm thuộc địa; Chế độ thực dân; Tại Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Pháp họp ở Macxay… Qua những bài báo này, người đọc có thể nắm bắt được những suy nghĩ và hoạt động của Người trên con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, những hoạt động cụ thể của Người cho cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với tài liệu do TS Alain Ruscio công bố, thì vẫn còn tời 78 bài báo của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đăng tải trên báo Nhân đạo, từ năm 1919 đến năm 1955, chưa được công bố trong bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập. Mặt khác, những bài đã in trong bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập so với bài in trên báo Nhân đạo do TS Alain Ruscio công bố còn tồn lưu những điểm khác nhau về tên, về thời gian,… cần phải so lại với bản gốc để dịch và hiệu đính lại. Trong số tài liệu sưu tầm được trên báo Nhân Đạo, có 03 bài được ký dưới các bút danh: NGUYEN-AI-QUAC, NGUYEN AI QUAC và N. Các bút danh này đã được khẳng định là của Hồ Chí Minh.
Bài thứ nhất: Ở An Nam - Những kẻ đi khai hóa (Nguồn: MICR D-30, N. 41, 4-6/1922, Báo Nhân Đạo, ngày 22.06.1922, tr.5, ký tên NGUYEN-AI-QUAC).
Bài thứ hai : Xung quanh vấn đề Ngân sách của các Thuộc địa: Đó không phải là chủ nghĩa quân phiệt, mà là.... (Nguồn: MICR D-30, N. 44, 1-6/1923, Báo Nhân Đạo, ngày 08.01.1923, tr.4, ký tên NGUYEN AI QUAC).
Bài thứ ba : Nam Kỳ : Lại một kẻ đi "khai hóa" giết người (Nguồn: MICR D-30, N. 44, 1-6/1923, Báo Nhân Đạo, ngày 29.01.1923, tr.3, ký tên N.).
Qua khảo cứu các bài viết đăng trên báo Nhân Đạo, có 14 bài được ký dưới các bút danh: Hoang Man, U.L, Spartacus. Các bút danh này, dựa theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh cả trong nước và ngoài nước, đề xuất rằng đây là các bút danh của Hồ Chí Minh. TS. Alain Ruscio cho rằng, việc ông khẳng định các bút danh đó là của Hồ Chí Minh là dựa vào những tài liệu, hồ sơ gốc mà ông tiếp xúc được trong quá trình nghiên cứu tư liệu. Đồng thời, ông cũng dựa vào nhiều phương pháp nghiên cứu liên ngành như: xác định về thời gian thực tế mà Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Pháp; các bài báo được ký tên Nguyễn Ái Quốc được gửi đăng trên các tờ báo khác nhau ở Pháp thời đó; những nội dung và những điểm chung của các bài báo; phân tích văn phong và cách thể hiện ... để đưa ra kết luận về các bút danh nêu trên. Có thể kể ra một số bài viết trong nhóm này như: Lòng trung thành của người An Nam! (Nguồn: MICR D-30, N. 41, 4-6/1922, Báo Nhân Đạo, ngày 15/05/1922, tr.4, Hoang Man); Ở Đông Dương: Từ các diễn văn chính thức đến thực tế (Nguồn: MICR D-30, N. 41, 4-6/1922, Báo Nhân Đạo, ngày 01/06/1922, tr.5, U.L) ; Sự thù hằn chủng tộc phục vụ cho cái gì (Nguồn: MICR D-30, N. 42, 7-9/1922, Báo Nhân Đạo, ngày 3.8.1922, tr.5, U.L) ; Ở Viễn Đông: Chính phủ Đông Dương và sự ám ảnh về chủ nghĩa Bôn sê vích (Nguồn: MICR D-30, N.42, 7-9/1922, Báo Nhân Đạo, ngày 24.08. 1922, tr.4, Spartacus)…
Báo L’Humanité số ra ngày 2/5/1975 với dòng tít: Việt Nam - chiến thắng (Ảnh tư liệu)
Ngoài ra, trong số tài liệu sưu tầm được trên Báo Nhân Đạo, có 60 bài báo có tư liệu về Nguyễn Ái Quốc. Trong đó, có 04 bài viết về nội dung các bài phát biểu của Nguyễn Ái Quốc tại các hội nghị, đại hội của Đảng Cộng sản Pháp (từ năm 1920 đến năm 1922); có 56 bài có trích dẫn ý, bài viết, bài phát biểu và phỏng vấn Hồ Chí Minh từ năm 1945 đến năm 1955).
Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ khi viết những bài báo đầu tiên vào năm 1919 đến khi qua đời vào năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết khoảng hơn 2.000 bài báo với khoảng 175 bút danh khác nhau. Những tác phẩm báo chí nói chung và các bài viết trên Báo Nhân đạo nói riêng của Người có giá trị rất to lớn về nhiều mặt: tư tưởng, chính trị, đạo đức, văn hóa, quân sự, ngoại giao…, là di sản vô giá của cách mạng Việt Nam và nền báo chí cách mạng Việt Nam. Về phương diện lịch sử Đảng, lịch sử đấu tranh cách mạng, những tác phẩm báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn tư liệu quý giá để giúp chúng ta nhận thức quá trình ra đời và lãnh đạo cách mạng của Đảng, quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, tự do và thống nhất đất nước, mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới… Những tác phẩm báo chí của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh còn là nguồn tư liệu giúp chúng ta tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Người, khắc họa rõ nét chân dung Danh nhân văn hóa thế giới.
Kiên Thảo
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr. 31, 74, 82, 11, 127, 149, 169,459.