Tin đồn là một phần không thể thay thế hay biến mất, luôn hiện hữu trong cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, không phải tin đồn nào cũng hoàn toàn vô hại mà ngược lại, có những tin đồn có sức công phá và tạo nên dư luận xã hội, gây xôn xao và hoang mang trong cộng đồng.
Trong kỷ nguyên số hiện nay, tin đồn lại càng được lan tỏa dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ vào mạng xã hội, một môi trường khi những cá nhân trong đó đều đã được ẩn danh.
Những câu chuyện giật gân
Gần đây nhất, tin đồn về câu chuyện nữ sinh tử vong vì bị xâm hại trong quá trình đi học quân sự đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Đi kèm với đó là đoạn video tiếng la hét, quát mắng không rõ ràng trong nội dung nhưng lại đánh vào tâm lý tò mò, thích hóng chuyện của nhiều người. Câu chuyện trên đã lan truyền nhanh chóng chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
Mặc dù còn nhiều thông tin chưa được rõ ràng nhưng tin đồn về nữ sinh tử vong vì bị xâm hại vẫn câu kéo được niềm tin từ hàng nghìn người.
Vì mức độ nghiêm trọng và tính lan tỏa của câu chuyện trên quá mạnh, ngay trong buổi chiều ngày 12/1, hai đơn vị giáo dục có liên quan là Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM và Trường Quân sự Quân khu 7 đã tổ chức họp báo đính chính về câu chuyện gây xôn xao dư luận.
Cách đây gần 2 năm, khi diễn biến tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, trong xã hội cũng xuất hiện nhiều tin đồn gây hoang mang trong cộng đồng. Một trong số đó là tin đồn về việc TPHCM sẽ cử 5 máy bay trực thăng khử khuẩn trong đêm. Thông tin trên đã gây hoang mang, lo lắng trong xã hội.
Câu chuyện càng khó kiểm chứng thì càng hấp dẫn
Trao đổi với PV Dân trí, anh Nguyễn Ngọc Long, chuyên gia về truyền thông xã hội, người sáng lập Truyền thông Trăng Đen, đã đưa ra những quan điểm xoay quanh về cách vận hành của tin đồn.
Theo anh Long, tin đồn là những thông tin chưa được kiểm chứng, không có nguồn gốc xác thực nhưng vẫn đạt được trạng thái "viral" (có tính lan truyền nhanh chóng - PV) theo cấp số nhân.
Theo sự quan sát trong nhiều năm làm việc, anh cho rằng, tin đồn càng ảnh hưởng, nằm trong phạm vi quan tâm của nhiều người và càng khó kiểm chứng thì tính hấp dẫn với cộng đồng càng cao, lôi kéo được nhiều người và tăng được tính lan tỏa.
Anh Long cũng nói thêm về tính hấp dẫn của những thông tin chưa được kiểm chứng: "Mặc dù tin đồn là những thông tin chưa được kiểm chứng nhưng nó lại trở nên hấp dẫn gấp 2, gấp 3 lần khi có người tự nhận là nhân chứng để xác thực tin đồn".
Để minh họa cho quan điểm của mình, anh đưa ra ví dụ về một người nghệ sĩ vào sòng bài.
"Câu chuyện sẽ được bàn luận rôm rả hơn nếu xuất hiện một người tự nhận mình là một nhân vật chứng kiện sự việc đó với những câu như: "Ngày trước tôi làm ở casino (sòng bài - PV) này, tôi gặp nghệ sĩ A, nghệ sĩ B suốt, còn được họ cho tiền nữa" để tăng tính xác thực cho câu chuyện", anh Long cho hay.
Trong thời đại mạng xã hội trở thành một diễn đàn để mọi người có thể trao đổi thông tin nhanh chóng như hiện nay, anh Long cũng cho rằng tin nhắn, bình luận, đặc biệt là những bài đăng trong các hội nhóm kín luôn là môi trường lý tưởng cho tin đồn xuất hiện.
"Nhất là những bài đăng được thể hiện dưới dạng ẩn danh càng dễ để khiến tin đồn nảy sinh", anh Long nói thêm.
Vì sao chúng ta thường bị tin đồn "mê hoặc"?
"Những câu chuyện ly kỳ, chưa được xác thực thường thỏa mãn sự hiểu kỳ của số đông, cho người ta cảm giác bản thân đang nắm giữ được bí mật nào đó mà đa số những người xung quanh họ chưa được biết", anh Long nói.
Chuyên gia về truyền thông xã hội cũng nói thêm, những câu chuyện nào càng "có vẻ" có thông tin rõ ràng thì càng hấp dẫn số đông vì nó khiến những người còn đang nghi ngại nhất sẽ tin rằng tin đồn này là xác đáng.
"Tôi dùng từ "có vẻ" vì sự thật là các thông tin xung quanh là tin giả. Khi nhiều tin giả xoay quanh một tin đồn chính sẽ thường khiến mọi người cho rằng tin đồn chính kia là sự thật", anh Long nói.
Anh Long dẫn chứng thêm: "Ví dụ, người ta có thể không tin nghệ sĩ A đi đánh bạc cho đến khi xuất hiện những thông tin xung quanh khác như nghệ sĩ A đang rao bán tài sản, cầm cố nhà cửa, bị cắt hợp đồng…"
Việc những nhân tố của câu chuyện "nghe có vẻ hợp lý", logic và y như thật, nhất là với những "nhân chứng" xuất hiện để "xác thực" tin đồn thì càng nhiều người dễ tin vào chúng dù cho câu chuyện vẫn chưa được chính thức đính chính bởi người trong cuộc.
"Chúng ta đều biết, việc thẩm định một thông tin giả vốn đã khó, việc thẩm định hàng chục thông tin càng khó khăn hơn nữa. Thông thường, tin đồn rất hay rơi vào "vùng mong muốn" của người xem, người nghe nên họ thường dễ "ngả theo" tin đồn vì trong sâu thẳm, họ mong thông tin đó là chính xác", anh Long chia sẻ.
Tin đồn biến mất khi nào?
Theo chuyên gia về truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long, về lý thuyết, tin đồn sẽ bị dập tắt khi xuất hiện bằng chứng để xác thực.
"Tuy nhiên, trên thực tế, khi khoa học kỹ thuật phát triển đến mức "cái gì cũng có thể làm giả" thì khả năng cao tin đồn sẽ còn tồn tại mãi", anh Long đưa ra một góc nhìn khác về sự tồn tại của tin đồn.
Anh cũng cho biết thêm, tin đồn trở thành công cụ hữu hiệu để một số người lợi dụng trục lợi xuất phát từ việc mọi hoạt động giao tiếp đều cần đến niềm tin. Trong khi đó, tin đồn là thứ dễ thuyết phục nhất để khiến người ta tin do sâu thẳm bên trong họ đã muốn tin vào điều đó.
"Tin đồn càng thỏa mãn tâm lý đám đông thì hiển nhiên nó càng thu hút sự quan tâm và có tính lan truyền cao", anh Long nói về mối quan hệ giữa tin đồn và tâm lý đám đông.
Nguồn Dân trí